Tảo hôn ở Việt Nam vẫn diễn ra phổ biến ở vùng nông thôn, miền núi; đặc biệt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tỷ lệ tảo hôn gần 30%. Tảo hôn đang kéo theo nhiều hệ lụy xấu và gây tổn hại lớn về thể xác cũng như tinh thần... Đây là vấn đề rất đáng lo ngại vừa được đề cập tại hội thảo quốc gia tham vấn chính sách giải quyết vấn đề tảo hôn ở Việt Nam, diễn ra ngày 25-10 tại Hà Nội.
Nhiều hệ lụy nghiêm trọng
Tảo hôn là hình thức cho trẻ lập gia đình trước 18 tuổi, đặc biệt các bé gái là đối tượng chính bị ép buộc lấy chồng sớm. Mặc dù đã được luật pháp bảo vệ, nhưng thực tế tình trạng tảo hôn vẫn tồn tại ở rất nhiều nơi. Nguyên nhân chính do đói nghèo, bất bình đẳng giới và phong tục tập quán. Theo điều tra mới nhất của Ủy ban Dân tộc cho thấy, tỷ lệ tảo hôn ở Việt Nam mặc dù đã giảm nhưng vẫn diễn ra phổ biến ở vùng nông thôn, miền núi, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả điều tra năm 2015 chỉ rõ, tỷ lệ tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số là 26,6%, cao nhất là các dân tộc sinh sống ở vùng khó khăn như dân tộc Mông, Xinh Min, La Ha, Gia Rai, Raglay, Bru - Vân Kiều. Có tới 40/53 dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn từ 20% trở lên; cá biệt có 6 dân tộc, tỷ lệ tảo hôn từ 50% - 60%. Theo bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc), cần truyền thông tới đồng bào dân tộc bằng chính ngôn ngữ của họ vì nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, có dân tộc không ai đi học. “Rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số không những mù chữ mà còn “mù” cả tiếng. Riêng ở Hà Giang có 28.000 phụ nữ, trong đó trẻ em gái mù chữ và 18.000 phụ nữ “mù” cả tiếng. Nếu chỉ truyền thông bằng tiếng phổ thông sẽ không đạt hiệu quả. Phải truyền thông bằng tiếng dân tộc để đồng bào hiểu tảo hôn là vi phạm pháp luật. Truyền thông cần đi tới trái tim của đồng bào...”, bà Nguyễn Thị Tư nhấn mạnh.
Trong khi đó, GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, bày tỏ lo ngại tình trạng trẻ gái kết hôn trước tuổi 18 thường phải bỏ học và có nguy cơ bị bạo lực gia đình. “Các cô dâu trẻ em nếu bỏ lỡ cơ hội về giáo dục sẽ rất dễ bị bạo lực thể xác và tình dục, cũng như sinh con trước khi các em thật sự có chuẩn bị về mặt thể chất hoặc tinh thần. Chu kỳ bạo lực bắt đầu từ giai đoạn các em còn nhỏ, kéo dài sang giai đoạn phụ nữ và cứ thế lặp lại từ thế hệ này sang thế hệ khác...”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định.
Không ít trẻ gái ở vùng sâu, vùng xa lấy chồng và sinh con khi mới 15 - 16 tuổi
Quan tâm hơn tới đồng bào dân tộc
Trước tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra phổ biến, phát biểu tại hội thảo, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, nêu rõ thực trạng tảo hôn đã tác động nghiêm trọng đến cơ hội học tập, việc làm ổn định của trẻ em gái, đồng thời dẫn đến hệ quả trẻ em gái mang thai sớm khi cơ thể chưa phát triển toàn diện, ảnh hưởng không nhỏ đến thể chất và tinh thần, có thể dẫn đến bạo lực gia đình. Trên thực tế, tảo hôn đã tác động trực tiếp và gián tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo thành vòng luẩn quẩn của đói nghèo, lạc hậu, làm suy giảm chất lượng dân số cũng như nguồn nhân lực; tầm vóc và tuổi thọ trung bình của các dân tộc thiểu số cũng đang ngắn dần. Bà Trương Thị Mai nhấn mạnh tới các biện pháp chính sách để giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ nạn tảo hôn. Trong đó, Nhà nước cần đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, tiếp tục hỗ trợ sinh kế cho các gia đình nhằm phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt các chính sách phải dành ưu tiên nhiều hơn cho đồng bào dân tộc, những nơi có tỷ lệ tảo hôn cao. Các bộ, ngành trung ương, địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí thực hiện chính sách, nhất là những nơi có nhóm dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn cao.
| |
KHÁNH NGUYỄN