Báo động về không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em

Gần đây, xảy ra nhiều vụ dâm ô mà nạn nhân là các cô gái trẻ và trẻ em đã khiến dư luận bất bình. Không gian an toàn dành cho phụ nữ và trẻ em đang ngày càng thu hẹp.

“Trung bình mỗi ngày có hơn 4 trẻ em bị xâm hại”, con số được Hội LHPN Việt Nam dẫn chứng khiến không ít người bất an. Trong năm 2018, có tới gần 8.100 phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình, chiếm hơn 85% tổng số nạn nhân bạo lực gia đình. Với trẻ em, gần 1.600 trẻ bị xâm hại và hơn 2.000 vụ bạo lực học đường được phát hiện.

Cùng với đó, ngày càng nhiều vụ xâm hại, quấy rối tình dục xảy ra tại nơi làm việc và nơi công cộng và ngay cả trong gia đình, trong môi trường giáo dục (nhà trường) hiện tượng này cũng xuất hiện ngày một nhiều.

Đặc biệt, không gian mất an toàn trên các phương tiện giao thông rộng hơn rất nhiều so với những thực tế mà ta đang hiểu theo cách hiểu thông thường. Nghiên cứu mới đây nhất tại TPHCM cho thấy, xe bus là phương tiện mất an toàn hàng đầu đối với phụ nữ và trẻ em gái. Cứ 10 phụ nữ được hỏi thì họ đều khẳng định đã thấy, chứng kiến việc người khác bị quấy rối tình dục trên xe bus.

Ngay không gian trong thế giới công nghệ số, tưởng là ảo nhưng đầy độc tố thật, là một trong những môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn cho trẻ em và phụ nữ. Ở đó, các em không chỉ dễ gặp và bị thu hút bởi những nội dung mang tính tiêu cực, bạo lực mà chính phụ nữ và trẻ em là đối tượng có tính bảo vệ kém và dễ bị tổn thương, bị lừa gạt hơn cả.

Theo GS-TS Lê Thị Quý, Viện Nghiên cứu giới và phát triển, cách thức mà xã hội có thể ngăn chặn sự sai lệch chuẩn mực xã hội là tăng cường vai trò của kiểm soát thông qua hệ thống pháp luật, các thiết chế… mà xã hội lập ra buộc cá nhân và các nhóm xã hội phải thi hành chuẩn mực.

Bà cũng khẩn thiết đề nghị Quốc hội cần bổ sung nhanh và kịp thời những nội dung vào luật, làm rõ các khái niệm về dâm ô, xâm hại, quấy rối tình dục… song song với những hình thức xử phạt nặng hơn. Về phía gia đình, bà cho rằng, sự thờ ơ của gia đình đối với trẻ cũng tiềm ẩn nguy cơ, đến khi xảy ra chuyện lại sợ mất danh dự của gia đình, tìm cách ém nhẹm đi, gây bức xúc.

Cùng với việc giám sát việc thực thi pháp luật, nhiều chuyên gia về giới và gia đình cũng cho rằng cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng nhằm xóa bỏ định kiến đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người trong vấn đề bạo lực với phụ nữ và trẻ em, nhất là bạo lực tình dục.

Thay vì tâm lý nhẫn nhịn, chịu đựng và thậm chí phải giấu kín vì sợ người ngoài biết… thì cần phải tố giác hành vi bạo lực, bảo vệ chính mình và người thân. Những mô hình về nhà an toàn, địa chỉ an toàn cũng được khuyến khích phát triển.

Song song với đó, khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra là chính phụ nữ, trẻ em cũng phải trách nhiệm hơn với bản thân, không nên ăn mặc hở hang, phô diễn thân thể quá mức. Điều này không chỉ vi phạm thuần phong mỹ tục mà bản thân người phụ nữ không tạo ra không gian an toàn cho chính mình.

Tin cùng chuyên mục