Đào tạo âm nhạc chất lượng cao
Trong nhiều năm qua, nhờ sự mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới, Nhạc viện TPHCM đã từng bước khẳng định vị thế là đơn vị đào tạo âm nhạc chất lượng cao cho TPHCM và các tỉnh phía Nam.
Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế
Vừa qua, Hội nghị hiệu trưởng, giám đốc các nhạc viện, học viện âm nhạc khu vực Đông Nam Á lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, do Nhạc viện TPHCM đăng cai thực hiện, đã đánh dấu một bước tiến quan trọng về quan hệ giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực đào tạo âm nhạc của các nước trong khu vực Đông Nam Á, tạo nên những lợi thế mới cho sự phát triển của Nhạc viện TPHCM. Sự kiện này đã để lại dấu ấn đẹp đối với lãnh đạo, nghệ sĩ của 45 cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp thuộc 9 nước Đông Nam Á và Nhật Bản, góp phần khẳng định vị trí và chất lượng tổ chức biểu diễn của Nhạc viện TPHCM, quảng bá được nét đẹp đờn ca tài tử và giới thiệu những tài năng trẻ âm nhạc hàn lâm của Việt Nam. Từ buổi gặp gỡ này, các nước tham dự đã đặt vấn đề liên kết đào tạo, nghiên cứu, biểu diễn, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển trong đào tạo âm nhạc giữa các nước, mở rộng giao lưu, chung tay góp sức bảo tồn, phát triển âm nhạc truyền thống và phát huy vai trò đào tạo âm nhạc đỉnh cao của khu vực.
Tiến sĩ Văn Thị Minh Hương, Giám đốc Nhạc viện TPHCM, cho biết: “Hiệu trưởng, giám đốc các nhạc viện, học viện âm nhạc 10 nước đã bàn luận rất sôi nổi, sâu rộng về mục đích và hướng liên kết đào tạo sắp tới, trong đó có tiêu chí, chương trình đào tạo, mô hình âm nhạc, những khó khăn về kinh phí... Trong thực tế, mặc dù mô hình đào tạo âm nhạc tại Việt Nam khác nhiều so với các nước Đông Nam Á, nhưng lại mang tính đặc thù, chuyên sâu, có chất lượng cao. Tuy nhiên, với những khó khăn khách quan ở Việt Nam (lương giảng viên ngành nghề đặc thù này thấp nhất khu vực Đông Nam Á, cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế…), nên những nỗ lực thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực đào tạo chuyên ngành nghệ thuật đỉnh cao luôn là một thách thức vô cùng lớn cho người làm nghề”.
Trong tình hình đó, Nhạc viện TPHCM đã nhanh nhạy nắm bắt các cơ hội, luôn giữ các mối quan hệ tốt đẹp với lãnh sự quán các nước để tìm kiếm sự giúp đỡ trong công tác đào tạo, hợp tác, giao lưu biểu diễn trong và ngoài nước. Vừa qua, sau khi hoàn thành đề án hợp tác 5 năm với Na Uy, Nhạc viện đã tranh thủ ký tiếp một dự án 5 năm nữa. Phía Na Uy sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực cho công tác đào tạo và tạo điều kiện cho các hoạt động âm nhạc hàn lâm, âm nhạc truyền thống được lan tỏa nhiều hơn.
Cần chính sách đầu tư
Nhìn lại một quãng đường dài phát triển âm nhạc bác học, có thể thấy trình độ 10 năm về trước Việt Nam đã vượt xa các nước trong khu vực. Nhưng đến nay, Singapore đã vượt qua Việt Nam, Thái Lan đã đuổi kịp Việt Nam với các chính sách đầu tư rất mạnh và đồng bộ, lương giảng viên cao, giảng viên giỏi, cơ sở vật chất quy mô... Ngay cả Malaysia, Philippines cũng đang đuổi theo gần kịp Việt Nam.
Từ thực tiễn đó, Nhạc viện TPHCM đã nỗ lực phát huy các thế mạnh đang có như: chú trọng các dự án âm nhạc hàn lâm cổ điển với các nước Hà Lan, Na Uy, Mỹ, Pháp, Ý, Đức, Nhật Bản… và các dự án lĩnh vực âm nhạc dân tộc với các nước trong khu vực, tổ chức các festival âm nhạc quốc tế, đưa các giảng viên đi tu nghiệp ở nước ngoài, tạo điều kiện để sinh viên giao lưu biểu diễn; phát huy hơn nữa chất lượng của 4 dàn nhạc gồm: Dàn nhạc Giao hưởng Sài Gòn, dàn nhạc giao hưởng thính phòng của sinh viên (thế hệ kế thừa), dàn nhạc dân tộc cổ truyền (bảo tồn âm nhạc truyền thống khu vực phía Nam), dàn nhạc dân tộc mới mang hơi thở thời đại. Ngoài ra, duy trì hàng năm hơn 20 chương trình biểu diễn học thuật, bên cạnh những chương trình nghệ thuật phục vụ chính trị - văn hóa - xã hội, giao lưu quốc tế.
Điều đáng mừng là Nhạc viện TPHCM đã được các cấp lãnh đạo thành phố tạo điều kiện, bố trí một khu đất ở quận 9 để xây dựng cơ sở 2. Dự án này đang được xúc tiến, hứa hẹn một ngày không xa, Nhạc viện TPHCM sẽ có thêm địa điểm mới, khang trang, đủ điều kiện, đáp ứng nhu cầu đào tạo trong tương lai.
Thúy Bình