Bao giờ hết nhức nhối?

Theo thống kê của Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt, trong nhiều năm qua, số vụ cũng như số người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) vào các dịp lễ tết luôn tăng cao so với ngày thường. Cụ thể, năm 2012, chỉ trong 4 ngày của kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, cả nước đã có 123 người chết và 69 người bị thương vì TNGT. Tương tự, trong 5 ngày của kỳ nghỉ lễ này năm 2013, cả nước đã xảy ra 240 vụ TNGT, làm chết 110 người, bị thương 185 người. Và năm nay, chỉ trong 5 ngày, cả nước đã xảy ra 224 vụ TNGT, làm chết 117 người, bị thương 151 người; mặc dù số vụ có giảm nhưng số người chết đã tăng 7 người so với kỳ nghỉ lễ năm trước.

Đặc biệt, trong những ngày vừa qua, 2 vụ TNGT thảm khốc, gây thiệt hại nghiêm trọng về người của ngành công an càng khiến dư luận thêm bàng hoàng, lo ngại. Như vậy, có thể thấy, trong các kỳ nghỉ lễ, mỗi ngày cả nước lại xảy ra trung bình 40 - 50 vụ TNGT, làm chết trên 30 người. Cũng vào những dịp này, bệnh viện từ các tuyến trung ương đến địa phương lại thường xuyên trong tình trạng quá tải.

Trên mọi phương tiện truyền thông, bên cạnh những thông tin hoạt động kỷ niệm, vui chơi giải trí sẽ là những thông tin đau buồn về những vụ TNGT xảy ra ở khắp mọi miền đất nước. Đây thật sự là những con số kinh hoàng, gây đau thương, mất mát cho biết bao gia đình. Từ đó, kỳ nghỉ lễ tết với ý nghĩa sum vầy, đi thăm thú, du lịch cũng không còn trọn vẹn!

Có lẽ không khó trả lời câu hỏi: Vì sao TNGT luôn tăng vào mỗi kỳ nghỉ lễ? Bởi theo nhận định của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nguyên nhân đầu tiên phải nói đến việc trước, trong và sau kỳ nghỉ lễ, số lượng phương tiện tham gia giao thông luôn tăng cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với ngày thường. Các tuyến đường đều trở nên quá tải bởi đủ loại phương tiện xe máy, xe khách, taxi, trong đó đắt hàng nhất là phương tiện xe khách. Để tranh thủ kiếm lời, nhiều chủ xe đã mặc sức “nhồi nhét” hành khách và vì vội vã về quê, nhiều người đã không ngần ngại phó thác tính mạng mình cho những chuyến xe “tử thần” đó.

Cũng vì nhu cầu đi lại tăng, phương tiện ít, để tận dụng cơ hội, các chủ doanh nghiệp vận tải đã sẵn sàng để lái xe điều khiển quá thời gian quy định, chạy xe quá tốc độ để sớm quay vòng, khiến cả phương tiện lẫn người lái đều bị quá tải, dẫn đến TNGT tất yếu xảy ra. Đó là chưa kể, trên mỗi cung đường của ngày lễ tết, hình ảnh những chiếc xe máy chở người, chở đồ cồng kềnh quá quy định lưu thông trên đường, lấn cả phần đường dành cho ô tô diễn ra rất phổ biến. Áp lực giao thông tăng cao trong khi ý thức người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông yếu kém càng tạo thêm rất nhiều cơ hội cho “tử thần”.

Cứ sau những buổi tụ họp liên hoan tưng bừng, nhiều người đã không còn có thể trở về tổ ấm gia đình an toàn. Chỉ cần chếnh choáng vì hơi men, chỉ cần phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm… là bao nhiêu cơ hội phía trước đã vĩnh viễn khép lại.

Rõ ràng, tình trạng ùn tắc và TNGT tăng cao vào mỗi kỳ nghỉ lễ là điều hoàn toàn có thể dự báo trước, thế nhưng ngăn chặn nó như thế nào thì có lẽ đến nay vẫn chưa có giải pháp thật sự hữu hiệu. Năm nào cũng vậy, Bộ GTVT, Bộ Công an đều có kế hoạch rất sớm nhằm đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) cho mỗi kỳ nghỉ lễ. Các địa phương, các doanh nghiệp, các lực lượng chức năng đều phải báo cáo những phương án cụ thể, chi tiết phục vụ kỳ nghỉ lễ.

Không chỉ vậy, Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng thường xuyên có công điện gửi các địa phương và các bộ ngành liên quan đề nghị tăng cường lực lượng đảm bảo trật tự ATGT. Đặc biệt, năm nay, ngay trước kỳ nghỉ lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia đã gửi công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường các giải pháp kiềm chế TNGT.

Và chỉ sau đó ít ngày, khi số vụ TNGT và số người chết vì TNGT tăng trong kỳ nghỉ lễ, Phó Thủ tướng lại có công điện thứ 2 yêu cầu đảm bảo ATGT trong 2 ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ. Thế nhưng, vẫn không ai dám khẳng định tình trạng quá tải, mất ATGT có thể được kiểm soát hữu hiệu.

Không thể phủ nhận rằng, ngành GTVT, ngành công an đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát trật tự ATGT. Theo số liệu vừa được Ủy ban ATGT quốc gia công bố, số vụ, số người chết vì TNGT trong 4 tháng đầu năm nay đã giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giao thông, kết quả kiềm chế TNGT thời gian qua chưa có tính bền vững và áp lực giao thông ngày lễ vẫn là một thách thức lớn của toàn xã hội. Điều đó cho thấy, vấn đề căn cơ nhất của tình trạng mất ATGT vẫn chưa được giải quyết, đó là cơ sở hạ tầng giao thông, ý thức người dân vẫn chưa có sự thay đổi căn bản.

Bên cạnh đó, việc xử lý các vi phạm của những phương tiện lưu thông trên đường của lực lượng chức năng cũng chưa nghiêm và còn nhiều tiêu cực. Chỉ khi nào đồng thời cải thiện được hạ tầng giao thông, nâng cao được ý thức tham gia giao thông của người dân, cùng với việc xử lý vi phạm giao thông của các lực lượng chức năng trên đường nghiêm túc, chặt chẽ hơn… thì chúng ta mới có thể bớt đi nỗi lo về ùn tắc và TNGT trong mỗi kỳ nghỉ lễ.

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục