Cửa ngõ TPHCM

Bao giờ mới đẹp?

Đã có nhiều dự án, cuộc thi biểu trưng cửa ngõ được tổ chức nhưng cảnh quan tại các cửa ngõ vẫn ngổn ngang, xập xệ. Người dân nghĩ có lẽ đợt kỷ niệm 30 năm giải phóng thành phố (30-4-2005) sẽ là cơ hội tốt để xây dựng bộ mặt cửa ngõ đẹp hơn, hoành tráng và xứng tầm hơn. Những người có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến công việc không kém phần cấp bách này lại không dám chắc như vậy…
Bao giờ mới đẹp?

Đã có nhiều dự án, cuộc thi biểu trưng cửa ngõ được tổ chức nhưng cảnh quan tại các cửa ngõ vẫn ngổn ngang, xập xệ. Người dân nghĩ có lẽ đợt kỷ niệm 30 năm giải phóng thành phố (30-4-2005) sẽ là cơ hội tốt để xây dựng bộ mặt cửa ngõ đẹp hơn, hoành tráng và xứng tầm hơn. Những người có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến công việc không kém phần cấp bách này lại không dám chắc như vậy…

  • Ra chưa chào, vào chưa tiếp?!

TPHCM có bao nhiêu cửa ngõ? Đem thắc mắc trên đến gõ cửa các sở, ngành thì ý kiến mỗi nơi mỗi khác. Nơi thì cho rằng TPHCM có bốn cửa ngõ, nơi bảo là năm... Nhưng theo xác định của Sở VHTT TP trong cuộc thi biểu tượng cho các cửa ngõ thì TP có 5 cửa ngõ gồm bốn cửa ngõ đường bộ với các tuyến quốc lộ 1A, 52, 13, 22 và cửa ngõ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất.

Bao giờ mới đẹp? ảnh 1
Chỉ một bảng địa giới nhỏ ở cửa ngõ phía Tây (quốc lộ 1A) nơi giáp ranh với tỉnh Long An.

Tuy nhiên, điểm chung tại các cửa ngõ đường bộ là rất khó nhận biết ranh giới địa phận và cảnh quan bề bộn hoặc nhếch nhác. Tại khu vực cửa ngõ huyết mạch từ các tỉnh miền Tây đổ về TPHCM (Quốc lộ 1A), là cánh đồng hoang bao lấy những căn nhà thưa thớt xập xệ và rác đầy hai bên đường.

Cửa ngõ Tây Bắc TP (quốc lộ 22) đoạn từ huyện Hóc Môn đến giáp ranh với tỉnh Tây Ninh đường được láng nhựa phẳng lì nhưng vào đến nội thành thì ngược lại. Đối với nhiều người dân, cầu vượt An Sương là nơi… bắt đầu đoạn đường đội nón bảo hiểm, rất ít người biết đây chính là cửa ngõ hướng Tây Bắc của thành phố bởi không hề có một biển báo chào đón gì cả.

Cửa ngõ Quốc lộ 13, huyết mạch chính đi các tỉnh Tây Nguyên, gần với trung tâm TP nhất cũng chẳng hơn gì. Nếu so sánh với huyện giáp ranh của tỉnh Bình Dương thì bằng đã khó chứ nói gì đến chuyện hơn. Có người còn ví von quận Thủ Đức là ngoại thành của Bình Dương. Bởi vì Quốc lộ 13 đoạn thuộc ngoại thành của tỉnh Bình Dương là đường cao tốc láng nhựa phẳng lì, đèn đuốc sáng trưng, có lề đường và dải phân cách đẹp. Trong khi quận Thủ Đức - nội thành TPHCM, đường sá xuống cấp, thường xuyên bị kẹt xe.

Một điều đáng nói ở đây là tại các cửa ngõ đầy rẫy pa-nô, áp phích quảng cáo to đùng nhưng câu “TPHCM xin kính chào quý khách” thì lại không có.

Bao giờ mới đẹp? ảnh 2
Cửa ngõ Đông Bắc TPHCM (Quốc lộ 52) - nơi đại tu xe rơ-moóc và bảng chỉ dẫn địa giới đã bị xe tông quỵ xuống. Ảnh: H.T.

Lần theo cửa ngõ phía Đông Bắc (Quốc lộ 52), nơi tập trung hầu hết lưu lượng xe từ miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh miền Đông chạy vào TP. Điểm làm khách đi đường chú ý nhất là biển báo ranh giới giữa TPHCM và tỉnh Bình Dương nhưng đã bị xe tông “sụm bà chè”.

Một người dân nói vui: “Thành phố đang “cúi chào” quý khách đấy!”. Quả thật nếu như không có khu du lịch Suối Tiên thì dọc cửa ngõ này chẳng khác một khu “công nghiệp” sửa chữa ô tô. Nào là máy xúc, máy đào loại “second hand” cho đến các loại xe hơi đắt tiền đều được trưng dụng ra mặt tiền để thu hút khách. So với các cửa ngõ khác của TP thì cửa phía Đông Bắc có vẻ “thoáng” hơn nhưng chưa một ai đánh giá đó là đẹp hay chí ít là được.

  • Biểu trưng cho cửa ngõ - bao giờ có?
Bao giờ mới đẹp? ảnh 3
Biểu trưng được chọn cho cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.

Cuối tháng 12-2003, UBND TPHCM đã giao cho Sở VHTT tổ chức cuộc thi biểu trưng cho năm cửa ngõ ra vào TP và phải đến hạ tuần tháng 8-2004, Ban Tổ chức mới chọn ra được ba biểu tượng cho ba cửa ngõ song vẫn còn nhiều ý kiến khen chê khác nhau, nhất là về khía cạnh mỹ thuật.

60 đồ án tham gia cuộc thi biểu tượng cho năm cửa ngõ, chưa kể một người tham gia nhiều đồ án thì quả là quá ít. Đã vậy, chất lượng không cao nên hai cửa ngõ chưa có giải thưởng, đang chờ phát động cuộc thi khác để tìm biểu tượng.

Tuy nhiên theo đánh giá của kiến trúc sư Trần Văn Dưỡng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP, thành viên Ban Giám khảo cuộc thi: “Các đồ án đoạt giải đều hợp với ý tưởng của thời đại và đáp ứng được ba yêu cầu: ý tưởng hay, bố cục đẹp, có tính khả thi. Chẳng hạn biểu tượng đoạt giải nhất “Đôi chim hạc” (biểu tượng cho cửa ngõ Xa lộ Hà Nội), tác giả lấy chim hạc, một hình ảnh quen thuộc với người dân Nam Bộ, làm biểu trưng văn hóa là một ý tưởng rất hay vì theo tín ngưỡng của người dân Nam Bộ, chim hạc là linh vật canh giữ các cổng đình hoặc điện thờ trong đình.

Bao giờ mới đẹp? ảnh 4
Biểu trưng Đôi chim hạc được chọn xây dựng tại cửa ngõ Đông-Bắc.

Đi đôi với canh giữ là quan sát, vì vậy đặt chim hạc tại cửa ngõ thành phố, tác giả muốn thể hiện ý nghĩa chim hạc sẽ quan sát sự phát triển của TPHCM. Biểu tượng chim hạc còn gợi nhớ đến hình ảnh chim trời cá nước bạt ngàn của vùng đất Nam Bộ. Biểu tượng “Mặt trời hồng” (đoạt giải nhì) đặt tại Quốc lộ 22 cũng là một ý tưởng độc đáo.

Theo đó, TPHCM là thành phố mặt trời và cửa ngõ TPHCM sẽ là nơi bình minh ló dạng. Dự thi thiết kế biểu trưng đặt tại cửa ngõ TPHCM giáp với Long An trên Quốc lộ 1A, tác giả chọn biểu tượng “Lúa và nước” (đoạt giải nhì) với ý nghĩa đây là cửa ngõ đánh dấu mối quan hệ về địa lý kinh tế, văn hóa với vùng đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa của cả nước. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn cho rằng các biểu trưng này cần phải chỉnh sửa nhiều mới phù hợp với thực tế.

Về tiến độ xây dựng các biểu trưng tại các cửa ngõ, ông Nguyễn Thống Nhất, Giám đốc Ban Quản lý dự án của Sở VH-TT, Phó Ban tổ chức cuộc thi, cho biết: Mặc dù đã chọn được biểu tượng cho 3 cửa ngõ thành phố nhưng đến nay cũng chỉ mới xác định được địa điểm đặt cho một cửa ngõ duy nhất là cửa ngõ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (khu vực “mũi tàu” nơi tiếp giáp với khu B công viên Hoàng Văn Thụ). Khả năng chỉ có cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất là kịp hoàn thành để chào mừng kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam - ông Nhất dự đoán như vậy.
 

ÁI CHÂN – HỒ VIỆT

Tin cùng chuyên mục