
Đến nay, nhiều nông dân ở ĐBSCL vẫn đang rất khát vốn đầu tư máy móc thiết bị, vật tư… phục vụ sản xuất kinh doanh dù chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn được triển khai nhiều tháng qua. Thực tế cho thấy việc tập trung nguồn vốn kích cầu cho nông dân rất cần thiết nhưng đầu tư cách nào để phát huy tối đa hiệu quả, tránh ào ạt theo phong trào, gây lãng phí lớn…
Rào cản thế chấp

Nông dân Huỳnh Văn Hận, ấp Trường Đông, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, Cần Thơ nói: “Mới hôm trước tôi đến Ngân hàng Nông nghiệp huyện xin vay tiền mua máy gặt đập liên hợp theo Quyết định 497 của Chính phủ thì được cán bộ nơi đây khẳng định là vay mua bất kỳ thứ gì cũng phải thế chấp. Khi vay phải có tài sản giá trị bằng 50% giá tiền sản phẩm cần mua để thế chấp. Hiện nay, bằng khoán đất đang thế chấp Ngân hàng Phát triển nhà thì làm sao vay mới theo QĐ 497 được?”.
Nông dân Nguyễn Văn Hiếu, xã Trung Kiên, quận Ô Môn, TP Cần Thơ băn khoăn: “Tôi đi hỏi thủ tục vay vốn không lãi suất để mua máy cày công suất lớn nhưng khi cán bộ ngân hàng cho biết điều kiện là phải mua máy Việt Nam sản xuất thì tôi hơi lo nên chưa quyết định. Vả lại, cày ruộng thuê cho bà con nông dân thì khó có thể hoàn vốn cho ngân hàng trong vòng 2 năm, nếu kéo dài thì lại phải chịu lãi suất như quy định”.
Nông dân Nguyễn Văn Khanh ở xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Tôi đang cần vốn để đầu tư lắp đặt hệ thống máy tưới nước, phân bón, thuốc, kỹ thuật… cho 1 ha bưởi 5 roi đặc sản nhưng kẹt 1 điều là tài sản có giá trị thế chấp là giấy đỏ đã nằm trong ngân hàng. Đến tết năm 2010, tôi bán mùa bưởi thì dư sức trả nợ nhưng tiếc một điều là khi đó đã hết thời hạn giải ngân vay ưu đãi…”.
Đến nay, chưa có đơn vị nào trong số 168 hợp tác xã ở Hậu Giang được vay vốn theo hình thực tín chấp có sự bảo lãnh của Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam. Theo ông Nguyễn Nhu Quan, Trưởng phòng xây dựng Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang, nhiều hợp tác xã đang trong tình trạng thiếu vốn, nhất là các nguồn vốn có lãi suất thấp để tổ chức lại sản xuất. Tuy vậy, các hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục vay vốn theo hình thức bảo lãnh. Trong khi đó, nông dân nuôi tôm sú và cá tra tại ĐBSCL cũng khó tiếp cận nguồn vốn kích cầu vì đa phần sổ đỏ của họ đang nằm trong các ngân hàng, vì thua lỗ thời gian qua nên đến nay chưa “lấy ra” được…
Nhu cầu lớn nhưng không thể ào ạt đầu tư

Đến cuối tháng 6, nông dân Cần Thơ chỉ mới vay được 130 triệu đồng có hỗ trợ lãi suất theo tinh thần Quyết định số 497/QĐ-TTg, số tiền trên chưa đủ để mua một máy gặt đập liên hợp. Ông Hà Hồng Ngọc, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP Cần Thơ giải thích: Nông dân khó tiếp cận vốn vì khó tìm mua được các máy nông nghiệp sản xuất trong nước theo quy định. Mặt khác, chủ tịch UBND các xã ngại xác nhận (theo quy định) do vậy những hộ có yêu cầu vay vốn không hội đủ thủ tục để vay vốn.
Đến nay, tỉnh Kiên Giang cũng mới giải ngân được gần 600 triệu đồng vốn kích cầu nông nghiệp theo Quyết định 497. Đến ngày 10-7, Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT tỉnh Hậu Giang vẫn chưa phát sinh dư nợ cho vay theo quyết định này.
Ông Lê Vĩnh Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng: Hộ dân nuôi trồng thủy sản, nhất là cá tra được hưởng lợi từ gói kích cầu không nhiều vì không có tài sản thế chấp ngân hàng. Hiện tại, nông dân tỉnh này rất cần được khoanh nợ và cho vay mới để đầu tư sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre kiến nghị, đối với các trường hợp nông dân nuôi cá còn nợ ngân hàng (nợ cũ) vì thua lỗ nên chưa trả được, cần có chính sách hỗ trợ khoản lãi suất từ nay đến cuối năm, đồng thời cho vay mới để bà con có cơ hội tái đầu tư sản xuất.
Tại cuộc họp ban chỉ đạo điều hành sản xuất tiêu thụ cá tra của ĐBSCL mới đây, nhiều đại biểu thống nhất quan điểm cần đầu tư vốn cho nông dân. Tuy nhiên phải cân đối mối quan hệ cung cầu, tránh tình trạng khủng hoảng thừa như năm 2008.
Hiện nay, các bộ ngành trung ương đang tập trung giải quyết tình trạng kẹt vốn vay ưu đãi cho nông dân. Nhu cầu đầu tư máy móc cơ giới hóa nông nghiệp của nông dân rất lớn nhưng không phải vì thế mà ồ ạt rót vốn cho “nhà nhà đều có máy cày, máy gặt đập liên hợp…”.
Các địa phương cần phải rà soát lượng máy cơ giới hiện có và tính toán nhu cầu cụ thể để quyết định đầu tư phù hợp, nếu không sẽ lãng phí nguồn vốn và việc xử lý nợ vay sẽ rất khó khăn mà bài học trước mắt là chương trình đánh bắt xa bờ, khắc phục hậu quả bão số 5 năm 1997.
BÌNH ĐẠI-ÁNH DƯƠNG