Thử làm một thống kê trong thời gian ngắn gần đây những sự vụ liên quan đến đời sống giải trí “gây bão” trên các phương tiện truyền thông, nhất là truyền thông mạng, sẽ thấy những gì? Dễ dàng nhận ra, hầu hết trong đó là những xô bồ, vô bổ của làng giải trí, thậm chí càng phản cảm càng được chú ý, càng được khai thác một cách thái quá, bất chấp những tác động tiêu cực đến xã hội.
Không giật mình sao được khi một ngày đẹp trời, một thông tin dạng tin đồn về một “ngôi sao” phim sex ở xứ sở nào đó có khả năng được mời qua Việt Nam làm gương mặt đại diện cho một sản phẩm game nào đó bỗng chốc được truyền đi với tốc độ chóng mặt, không chỉ trên mạng xã hội mà còn chễm chệ ở những vị trí bắt mắt nhất trên các trang thông tin điện tử, thậm chí là trang điện tử của cả các tờ báo uy tín. Không dừng ở đồn đoán, người ta bắt đầu khai thác tất tần tật hình ảnh, thông tin đời tư của cô diễn viên nọ với tần suất chóng mặt. Độc giả choáng ngợp trong mớ bòng bong thông tin, hình ảnh của cô diễn viên trên và từ chỗ chẳng mấy ai biết tên tuổi, mặt mũi cô ra sao thì giờ đây, gần như cả nước Việt Nam đều biết đến cô. Lo ngại thay, một bộ phận không nhỏ trong đó còn đang ở lứa tuổi học sinh - đối tượng tiếp cận và tương tác với truyền thông mạng ngày một nhiều nhờ vào ưu thế của công nghệ hiện nay.
Tương tự, một ngày đẹp trời khác, thông tin về 3 anh chàng đẹp trai nào đó từ xứ sở Trung Đông bị “trục xuất vì quá đẹp trai” tràn ngập các diễn đàn mạng, các trang thông tin điện tử khắp nước. Từ sự tung hô của truyền thông mạng, một đơn vị (tiếc thay cũng làm trong lĩnh vực truyền thông, thậm chí sở hữu cả một ấn phẩm) nhanh nhạy “chớp lấy” cơ hội tiến hành mời 1 trong 3 “trai đẹp bị trục xuất” kia về, nhân danh một hoạt động từ thiện. Hàng loạt chiêu trò truyền thông lại được tung ra để lôi kéo sự quan tâm của dư luận để rồi kết quả đọng lại trong lòng công chúng là một sự “lố bịch như không thể lố bịch hơn”.
Một trong những trò lố “đỉnh cao” khác của truyền thông mạng không thể không nhắc đến là vụ việc liên quan đến cái gọi là “hiện tượng Bà Tưng”. Từ những màn khoe thân thô thiển, những clip dung tục được đăng tải trên trang cá nhân của nhân vật này, qua bàn tay phù phép trong bóng tối nào đó, chúng nhanh chóng phát tán với tốc độ chóng mặt nhờ sự hỗ trợ đắc lực của các trang tin điện tử. Dù hiện nay cơ quan quản lý văn hóa đã tạm thời “cấm cửa” Bà Tưng liên quan đến những hoạt động biểu diễn nhưng câu chuyện về Bà Tưng xem ra vẫn chưa có hồi kết. Đó là chưa kể hàng loạt các trò lố liên quan đến những cái tên như Angela Phương Trinh, Ngọc Trinh, Lý Nhã Kỳ, Cao Thái Sơn, Long Nhật… Tất cả đều được tung hê, bơm thổi từ các trang tin điện tử nở rộ như nấm sau mưa hiện nay.
Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 800 cơ quan báo chí in với trên 1.000 ấn phẩm; 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương; 75 báo và tạp chí điện tử; 1.110 trang thông tin điện tử và 382 mạng xã hội trực tuyến. Sự nở rộ của các trang thông tin điện tử cho thấy xu hướng tất yếu của truyền thông mạng trong bối cảnh công nghệ internet phát triển như vũ bão hiện tại. Tuy nhiên, sự áp đảo về số lượng các trang thông tin điện tử, trong bối cảnh vẫn chưa có những biện pháp quản lý hữu hiệu, đã gây ra những mặt trái đáng cảnh báo. Do chạy theo lợi nhuận, hầu hết các trang tin điện tử đua nhau câu khách, giật gân nhằm thu hút lượng độc giả truy cập, bất kể thông tin đó tác động như thế nào đến xã hội. Cứ thế, vô hình trung, thay vì góp phần định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội theo những chiều hướng tích cực, cổ súy cho những giá trị nhân văn, vun bồi cái tốt, đả phá cái xấu thì hầu như chỉ tập trung chạy theo thị hiếu tầm thường, kích động những tò mò bản năng, lối sống thực dụng, dung tục…
Những hành vi lệch chuẩn của giới trẻ, những giá trị sống đảo lộn… đang ngày càng diễn biến phức tạp có liên hệ và chịu sự tác động gì từ truyền thông mạng hiện tại, không chỉ trong lĩnh vực văn hóa giải trí mà cả ở bình diện rộng. Đó là câu hỏi đáng được quan tâm một cách nghiêm túc và có trách nhiệm. Đã đến lúc cần có những biện pháp quản lý (chứ không phải kiểm soát) phù hợp và hiệu quả đối với các trang tin điện tử nói riêng và truyền thông mạng nói chung, bởi những tác động từ thông tin đăng tải trên các trang mạng hiện nay đến đời sống xã hội là có thật.
Truyền thông, dù phát triển với hình thái nào, phải luôn hướng đến những giá trị nhân văn, đó là trách - nhiệm - xã - hội bắt buộc của người làm báo!
KHẮC THI