Mới đây, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ giáo dục mầm non. Theo đó, bắt đầu từ năm học 2014-2015, mỗi giáo viên mầm non (GVMN) đang công tác tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP sẽ được hỗ trợ thêm 25% tiền lương, bình quân mỗi tháng nhận thêm 788.000 đồng. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở GD-ĐT, chỉ có 497 ứng viên nộp đơn dự tuyển trên tổng số 1.065 chỉ tiêu tuyển thêm của 24 quận, huyện. Vì sao?
Mới tuyển được 47% chỉ tiêu
Mặc dù đã kết thúc thời gian nhận hồ sơ tuyển dụng giáo viên năm học 2014-2015 nhưng có đến 18/24 quận, huyện trên địa bàn TP không nhận đủ số lượng hồ sơ đăng ký so với chỉ tiêu dự tuyển. Dẫn đầu danh sách địa phương thiếu trầm trọng ứng viên là quận Tân Phú, mới nhận được 27 hồ sơ đăng ký (chiếm tỷ lệ 28,7%) trên tổng số 94 chỉ tiêu tuyển dụng. Đứng thứ nhì là huyện Bình Chánh, chỉ có 29 ứng viên dự tuyển (đạt tỷ lệ 31%) trên tổng số 93 chỉ tiêu đăng ký. Tiếp theo là quận 8 thiếu đến 45 hồ sơ, huyện Củ Chi thiếu 41 hồ sơ, quận 4 thiếu 32 hồ sơ… Một số quận có chỉ tiêu tuyển dụng ở bậc mầm non thấp như Phú Nhuận (17 chỉ tiêu), quận 6 (21 chỉ tiêu), quận 5 (27 chỉ tiêu) cũng chưa nhận đủ số lượng hồ sơ đăng ký. Lãnh đạo phòng GD-ĐT một quận vùng ven ngao ngán: “Hồ sơ cầm trên tay còn không đủ, huống hồ trong những xấp hồ sơ đó chưa chắc cái nào cũng đạt yêu cầu tuyển dụng”. Ngay cả một số quận nội thành cũng “đào” không ra đủ ứng viên. Đơn cử như quận 1 năm nay còn thiếu đến 51 GVMN nhưng mới nhận được 22 hồ sơ đăng ký, quận 3 thiếu 33 người nhưng chỉ nhận được 19 hồ sơ.
Riêng đối với GVMN dạy các lớp có trẻ khuyết tật, quận 12 tuyển dụng thêm 8 giáo viên, quận 1 thêm 4 giáo viên nhưng hiện mỗi địa phương này mới nhận được 1 hồ sơ đăng ký. Bi đát hơn, 2 quận Tân Bình và Bình Tân cần tuyển thêm 6 giáo viên nhưng hiện chưa có hồ sơ nào đăng ký. Phát biểu tại hội thảo “Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật - Khoản chênh giữa lý luận và thực tiễn” do Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM tổ chức mới đây, bà Nguyễn Từ Dũ, Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, quy định hiện nay của TP cho phép mỗi giáo viên dạy trẻ khuyết tật được nhận trợ cấp 200.000 đồng/trẻ, tối đa 2 trẻ/lớp. Tuy nhiên thực tế, nhiều giáo viên phải dạy từ 3 - 4 trẻ khuyết tật/lớp nhưng chỉ được nhận trợ cấp tối đa 2 trẻ, tức 400.000 đồng. “Đó là chưa kể theo quy định, giáo viên muốn hoàn tất hồ sơ xin trợ cấp phải có giấy giám định về tình trạng khuyết tật của trẻ do bệnh viện hoặc UBND phường, xã chẩn đoán và kết luận, nhưng không phải phụ huynh nào cũng đồng ý nộp giấy này”, bà Dũ bày tỏ. Thống kê của Sở GD-ĐT, hiện mới có 3 quận thực hiện chế độ hỗ trợ GVMN dạy trẻ khuyết tật tại 12 trường, các đơn vị còn lại chưa có bất kỳ hỗ trợ nào khiến nhu cầu tuyển dụng mỗi năm đều có nhưng không ứng viên nào nộp hồ sơ tuyển dụng.
Chờ thêm ít nhất… 3 năm nữa
Nghị quyết về hỗ trợ giáo dục mầm non do HĐND TPHCM thông qua cũng quy định giáo sinh vừa được tuyển dụng sẽ được ngân sách TP hỗ trợ 100% lương cơ bản (1.150.000 đồng/người/tháng) trong năm học 2014 - 2015. Năm học 2015 - 2016 hỗ trợ 70% lương cơ bản và năm học 2016 - 2017 hỗ trợ 50%. Tuy nhiên, theo bà Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch UBND quận 4, năm học 2014-2015, quận 4 còn thiếu 48 GVMN nhưng không cách nào tuyển đủ ứng viên. “Hầu hết sinh viên ra trường đều chọn khu vực ngoài công lập vì thu nhập cao. Công việc của một GVMN kéo dài từ 6 giờ 30 sáng đến hơn 17 giờ chiều, nhưng mỗi tháng thu nhập ở các trường công lập chỉ khoảng 4 - 5 triệu đồng, phải dè sẻn lắm mới đủ chi tiêu nên chưa thu hút ứng viên”, bà Châu bày tỏ. Đồng quan điểm, cô Thu Hương, giáo viên một trường mầm non công lập ở quận Gò Vấp cho biết, nếu chỉ dựa vào khoản tiền hỗ trợ ít ỏi vẫn chưa đủ sức “kéo” GVMN ở lại với các trường công lập. “Thực tế cho thấy chỉ những đơn vị nào có chế độ cho giáo viên đi học bổ túc nâng cao nghiệp vụ hoặc hỗ trợ 100% học phí cho con giáo viên đang học ở các trường trên cùng địa bàn mới giữ chân được giáo viên công tác lâu dài, ổn định”, cô Hương khẳng định.
Thêm vào đó, công tác hướng nghiệp ở trường phổ thông hiện nay cần tiếp thêm cho học sinh tình yêu nghề, sự đam mê dấn thân và đóng góp cho xã hội. “Sống trong thời buổi cơm áo gạo tiền, thu nhập là một trong những yếu tố quyết định giúp các em học sinh chọn nghề nhưng ngoài tiền bạc, còn có những thứ quan trọng không kém như chọn công việc phù hợp với tính cách, sở thích, có thể hơi thiệt thòi về vật chất nhưng có được niềm vui trong công việc, nhận được sự tin yêu của phụ huynh, xã hội”, cô Hương bày tỏ. Song để làm được điều đó phải chờ thêm ít nhất… 3 năm nữa vì “bồi dưỡng đam mê từ gốc” như cách nói của nhiều người không thể thực hiện trong một sớm một chiều mà cần có sự chung tay của các trường THPT, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong xã hội.
|
THU TÂM