Từ ngày 1-7, chính sách bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) bắt đầu được triển khai. Đây thực sự là tin vui lớn cho hàng triệu nông dân trên cả nước. Nhưng triển khai như thế nào, làm sao để không thất bại như vài lần trước đó là điều người dân đang quan tâm.
Tạo cơ chế thoáng
Theo Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 1-3-2011 về việc thí điểm thực hiện BHNN giai đoạn 2011-2013 của Thủ tướng, từ 1-7, sẽ bắt đầu triển khai BHNN tại 21 tỉnh, cho 4 loại nông sản, vật nuôi chủ lực. Trong đó bảo hiểm đối với cây lúa tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp; bảo hiểm trâu bò, heo và gia cầm tại Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Dương và Hà Nội; bảo hiểm cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau.
Ông Phạm Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, nhận định, một trong những điểm nổi bật của Quyết định 315 là Nhà nước sẽ hỗ trợ đáng kể cho nông dân để họ có thể tham gia mô hình BHNN. Theo đó, những hộ nông dân nghèo khi tham gia thí điểm BHNN sẽ được hỗ trợ 100% phí bảo hiểm. Hộ cận nghèo được hỗ trợ 80%. Những hộ không thuộc diện nghèo, cận nghèo cũng được hỗ trợ 60%. Ngay cả các tổ chức sản xuất nông nghiệp như doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã cũng được Nhà nước hỗ trợ 20% phí đóng bảo hiểm. Điều đó thể hiện quyết tâm phải làm bằng được chính sách bảo hiểm các loại hàng hóa nông sản cho nông dân của Chính phủ.
Theo anh Vũ Văn Thực, một chủ hộ thu gom sữa tươi ở Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội), thông thường người nuôi bò sữa phải đóng mức phí 320.000 đồng/con. Nếu thực hiện theo chính sách mới, Nhà nước hỗ trợ 60% thì nông dân chỉ phải nộp 40% còn lại, tức là 128.000 đồng. Những hộ nghèo nuôi bò sữa còn được hỗ trợ đáng kể, mức đóng chỉ có 64.000 đồng/con hoặc được hỗ trợ toàn bộ. Anh Thực nói: “Bình thường, khi bò chết vì dịch bệnh, bà con vẫn được hỗ trợ nhưng chỉ được khoảng 800.000 đồng, nhưng nếu có mua BHNN, sẽ được bồi thường tới 7,2 triệu đồng”.
Khó cũng phải làm
|
Tuy vậy, theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay không khỏi đắn đo trong việc tham gia lĩnh vực BHNN cho nông dân, mặc dù ngân sách Nhà nước đã quyết định hỗ trợ đáng kể. Trong đó, lý do chính là lĩnh vực BHNN tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, liên tục xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Do đó mức chi đền bù sẽ cao, trong khi mức thu phí thấp, liệu doanh nghiệp có đủ sức chi đền bù.
Ông Lộc thừa nhận, bản thân các doanh nghiệp cũng sẽ khó đánh giá mức thiệt hại của nông dân. Bởi vì do đặc thù của nông nghiệp ở nước ta còn nhỏ lẻ, manh mún. Thêm nữa, giá cả đầu ra của nông sản bấp bênh, nên cũng khó xác định được mức thiệt hại khi có thiên tai, dịch bệnh. Do vậy, quá trình bồi thường sẽ gặp nhiều khó khăn. Để gỡ khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn nông dân, ông Lộc cho rằng Nhà nước cần có một bộ tiêu chí đánh giá rõ ràng, nhiều hướng dẫn cụ thể hơn nữa mới thực hiện được.
PHÚC HẬU