Công dân Việt Nam khi ra nước ngoài để học tập, lao động hay du lịch có thể gặp phải những tình huống khẩn cấp, cần có sự hỗ trợ của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước đó để bảo vệ quyền lợi. Hiến pháp 2013 khẳng định: “Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước CHXHCN Việt Nam bảo hộ”.
Thực tế trong thời gian qua, công dân Việt Nam ở nước ngoài có thể gặp những tình huống cấp bách như: động đất, thiên tai, khủng bố, tranh chấp pháp lý, bị mất visa, mất hộ chiếu, bị lừa đảo, bị bắt giữ… Đặc biệt, trong trường hợp lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài vì một số lý do phải về nước trước thời hạn, khả năng tài chính hạn chế, kiến thức hạn hẹp, rất cần sự hỗ trợ của cơ quan chức năng. Để bảo vệ quyền lợi của mình, cần biết rõ về chính sách bảo hộ công dân để yêu cầu sự giúp đỡ kịp thời, đúng đắn.
Người Việt cần trang bị những kiến thức cần thiết để ứng phó khi gặp tình huống khẩn cấp ở nước ngoài. Ảnh: HỒ DU
Theo Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài, một trong những nhiệm vụ của cơ quan đại diện là bảo hộ lãnh sự đối với lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài. Ở những nước có đông lao động Việt Nam làm việc, đại sứ quán ở khu vực này đều đã thành lập Ban quản lý lao động. Từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 119/2007/QĐ-TTg về việc thành lập Quỹ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, với nguồn kinh phí hàng năm được nhà nước phê duyệt. Ngoài ra, nhà nước cũng đã ký kết và tham gia Công ước Viên 1961 về quan hệ ngoại giao, Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự nhằm đảm bảo sự phối hợp, hỗ trợ của các nước thành viên trong công tác bảo hộ công dân. Hai công ước này đều quy định: cơ quan đại diện ngoại giao có chức năng bảo vệ quyền lợi của nước đó và bảo vệ quyền lợi, giúp đỡ công dân nước đó (bao gồm cả cá nhân và pháp nhân) tại nước đóng cơ quan đại diện; trong trường hợp quan hệ ngoại giao của hai nước bị cắt đứt hoặc cơ quan đại diện được rút về nước thì nước đó có thể giao việc bảo vệ quyền lợi của mình và công dân nước mình cho một nước thứ ba. Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam đã và đang thực hiện việc ký hiệp định lãnh sự, hiệp định kiều dân với một số nước trên thế giới như: Lào, Oman, Qatar, Liên bang Nga, Canada… Thời gian qua, các hoạt động bảo hộ công dân của Việt Nam cũng đã nhận được sự giúp đỡ đáng kể của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), Việt Nam đã trở thành một trong những thành viên của IOM từ tháng 11-2007, sau đó đã ký Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và IOM vào năm 2010. Theo đó, IOM sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc quản lý, thúc đẩy di cư, giúp đỡ hồi hương tự nguyện cho công dân Việt Nam.
Hiện nay, nhằm giúp mọi công dân Việt Nam tiếp cận, có kiến thức cần thiết và đưa công tác hỗ trợ công dân ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã có hai trang thông tin điện tử về công tác lãnh sự và di cư quốc tế là lanhsuvietnam.gov.vn, dicu.gov.vn. Đây là những địa chỉ tin cậy, với nguồn thông tin cập nhật, chính thống, giúp công dân Việt Nam trang bị những kiến thức cần thiết nếu gặp tình huống khẩn cấp khi ở nước ngoài.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG
(Văn phòng luật sư PHANS)