Bảo hộ thương hiệu để giữ thị phần xuất khẩu

Theo Bộ Công thương, hiện Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tính đến nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu vào thị trường này đạt trên 45 tỷ USD, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm 2018. Việt Nam hiện cũng nằm trong tốp 10 quốc gia có số lượng hàng hóa xuất khẩu mạnh sang thị trường này.
Bảo hộ thương hiệu để giữ thị phần xuất khẩu

Tuy nhiên, ngược với vị trí nước xuất khẩu lớn vào thị trường Hoa Kỳ, số hàng xuất khẩu Việt Nam có thương hiệu đã đăng ký và được Cục Sáng chế và Bảo vệ thương hiệu Hoa Kỳ (USPTO) bảo hộ còn khá hạn chế. Hiện chỉ có 1.938 thương hiệu của Việt Nam được đăng ký với USPTO, trong đó 1.090 thương hiệu đang tồn tại.

Trong khi đó, nếu so với những nước xếp sau Việt Nam về kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ, nhưng lại có số lượng thương hiệu đăng ký lớn hơn Việt Nam nhiều lần, như lãnh thổ Đài Loan là 33.820 thương hiệu được đăng ký, Singapore là 10.811, Malaysia 2.690.

Thực tế này cho thấy, tình trạng xuất khẩu nguyên liệu thô hàng hóa Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ còn khá phổ biến. Ở khía cạnh khác, doanh nghiệp Việt chưa chú trọng nhiều đến vấn đề đầu tư thương hiệu cũng như đăng ký bảo hộ quyền sở hữu thương hiệu.

Đại diện Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, chính việc chưa chú trọng đầu tư thương hiệu sản phẩm Việt sẽ đẩy doanh nghiệp xuất khẩu nước ta vào nguy cơ mất thương hiệu tại thị trường Hoa Kỳ. Trên thực tế, đã có không ít các nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam bị doanh nghiệp nước khác đăng ký trước ở Hoa Kỳ. Doanh nghiệp xuất khẩu muốn lấy lại thương hiệu đã phải mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí. Có nhiều trường hợp doanh nghiệp phải bỏ tiền ra mua lại thương hiệu của chính mình với giá cao, hay tốn rất nhiều chi phí luật sư cho việc khởi kiện lấy lại thương hiệu. Thậm chí, chấp nhận sử dụng một thương hiệu khác tại thị trường Hoa Kỳ.

Có thể thấy, nhãn hiệu thương mại được coi là tài sản vô cùng quan trọng của doanh nghiệp gắn với thị trường. Mất đi nhãn hiệu thương mại là doanh nghiệp mất đi thị trường. Bởi vậy, việc bảo vệ thương hiệu cần được đặc biệt chú trọng, không chỉ trong nước mà bất kỳ thị trường nào mà doanh nghiệp đã hoặc đang có ý định xuất khẩu hàng hóa. Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và thương hiệu nói riêng sẽ giúp doanh nghiệp an toàn tiếp cận thị trường cũng như tránh được các hành vi cạnh tranh không lành mạnh để bảo vệ thương hiệu và thị phần của mình.

Tin cùng chuyên mục