Bão Jebi gây mưa to trên diện rộng

Bão Jebi gây mưa to trên diện rộng

Sáng 3-8, tâm bão số 5 (Jebi) đã đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, do đĩa mây rộng nên khi đi vào đất liền và nhanh chóng suy yếu thành một vùng áp thấp nhiệt đới, hoàn lưu của bão đã gây mưa trên diện rộng ở cả miền Bắc.

Bão đã gây ra một số thiệt hại, song nhỏ hơn so với cơn bão Bebinca hồi cuối tháng 6-2013. Theo ghi nhận tại tâm bão tỉnh Quảng Ninh, lúc 10 giờ sáng 3-8, gió bắt đầu mạnh, làm nhiều cây cối ở các huyện từ Móng Cái tới Hoành Bồ đổ gãy, song tới 12 giờ giảm dần, chỉ còn mưa. Trước đó, để đảm bảo an toàn, nhiều khu vực đã phải cắt điện, cầu Bãi Cháy cấm phương tiện lưu thông qua lại. Sau cơn bão, theo thống kê cho thấy ở huyện Hải Hà (Quảng Ninh), một cột ăng ten viễn thông cao 42m bị đổ, 142 căn nhà và 40 công trình phụ bị tốc mái. Có 3 căn nhà bị sập, 1 người bị thương là ông Hoàng Văn Lai, thôn 3 xã Tiến Tới.

Cột ăng ten viễn thông cao 42m bị đổ ở huyện Hải Hà, Quảng Ninh.

Cột ăng ten viễn thông cao 42m bị đổ ở huyện Hải Hà, Quảng Ninh.

Tại TP Cẩm Phả, 3 hộ dân tại khu vực tổ 12, khu Ngô Quyền, phường Cẩm Đông phải di dời khẩn cấp do kè bãi thải sau của mỏ than Thống Nhất bị sạt lở. Trước đó, Quảng Ninh đã di dời người dân ở khu vực xung yếu, người dân sinh sống trên các lồng bè vào nơi an toàn. Tại cửa khẩu Móng Cái, điểm giáp ranh với địa phận vùng biên giới Trung Quốc, các cửa hàng, cửa hiệu đều phải đóng cửa vì mưa bão. Khu vực chợ Tô Gi bị gió lốc giật, xô đổ gãy hàng loạt cây cối, nhiều biển hiệu quảng cáo, nhiều cửa sắt của các cơ quan, đơn vị ở đây cũng bị gió xô đổ, xiêu vẹo. Bão cũng gây sạt lở nặng đoạn kè ven sông Ka Long (Móng Cái). UBND xã Hải Xuân đã kêu gọi cán bộ, người dân cùng chung tay khắc phục sự cố bằng cách vận chuyển các bao tải cát, đóng cọc tre mép sạt lở ngăn không để mưa bão hoành hành, gây nguy hiểm cho tuyến đê trọng yếu ảnh hưởng đến khu dân cư bên trong đê. Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh đã có mặt tại Móng Cái kiểm tra, chỉ đạo khắc phục sự cố.
Tích cực chống bão số 5 tại Móng Cái, Quảng Ninh.

Tích cực chống bão số 5 tại Móng Cái, Quảng Ninh.

Tại Hải Phòng, mặc dù chỉ nằm ở rìa cơn bão, song cũng có mưa rất to. UBND quận Đồ Sơn đã kịp di dời hơn 500 hộ dân (1.415 nhân khẩu) ở các điểm xung yếu vào nơi tránh trú bão an toàn. 758 khách du lịch (12 khách nước ngoài) đã được thông báo và hỗ trợ đến nơi tránh trú bão an toàn.

Theo ông Hoàng Đình Bình, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, hơn 1.900m đê biển thuộc khu 1 đang nằm trong tình trạng nguy cấp. Đặc biệt, hơn 100m đê biển tại ngã ba khu 1 vẫn còn nguyên cảnh tan hoang, đổ nát do ảnh hưởng của bão số 2 chưa kịp khắc phục. Trước mắt địa phương phải bố trí 700 rọ sắt và 1.500 khối đá để “đối phó” tạm thời. Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, các trạm đo khí tượng đã ghi nhận sức gió bão giật tại trạm đảo Bạch Long Vĩ đạt 20m/giây (cấp 8), giật 26m/giây (cấp 10). Trên đảo Cô Tô, gió cấp 8 và giật cấp 11, còn ở Móng Cái (Quảng Ninh) gió chỉ cấp 6 và giật cấp 10…

Theo nhận định của trung tâm khí tượng - thủy văn, một đợt lũ vừa và lớn sẽ xuất hiện ở lưu vực sông Hồng và sông Thái Bình. Các địa phương như Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình... cần đề phòng mưa lũ còn phức tạp, sạt lở bất ngờ.

PHÚC VĂN


Hà Nội ngập úng do mưa lũ

Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, từ khoảng 8 giờ ngày 3-8, Hà Nội đã bắt đầu có mưa kéo dài. Theo báo cáo nhanh của Công ty Thoát nước Hà Nội, lúc 10 giờ 30, lượng mưa đo được tại trạm đo của công ty trên địa bàn Hà Nội đều ở mức trên dưới 50mm. Mưa bão đã khiến hàng loạt các tuyến phố nội thành Hà Nội đã bị ngập, trong đó nhiều  tuyến phố khu vực trung tâm cũng bị ngập nặng như: Đặng Thái Thân, Tôn Đức Thắng - Văn Miếu, Nguyễn Du - Quang Trung, Ngã 5 Bà Triệu, Liên Trì - Nguyễn Gia Thiều, Thợ Nhuộm… Công ty thoát nước đã điều động cán bộ, công nhân viên ứng trực kịp thời giúp cho tình trạng ngập trên địa bàn thành phố Hà Nội giảm thiểu đáng kể. Các cửa hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa… đã được mở để điều hòa nước. Các trạm bơm liên tục vận hành để hạ mực nước trên hệ thống. Đến cuối ngày 3-8, các điểm ngập sâu nhất như đường Phạm Văn Đồng, Ngã 5 Phùng Hưng - Đường Thành, Liễu Giai, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Khuyến đã giảm đáng kể.

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục