Bảo Lâm chuyển mình

20 năm - chặng đường chưa dài nhưng Đảng bộ và nhân dân huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả khá ấn tượng. Từ huyện khó khăn, Bảo Lâm vươn lên trở thành một trong 4 địa bàn trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng.
Bảo Lâm chuyển mình

20 năm - chặng đường chưa dài nhưng Đảng bộ và nhân dân huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả khá ấn tượng. Từ huyện khó khăn, Bảo Lâm vươn lên trở thành một trong 4 địa bàn trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng.

Trà là loại cây trồng chủ lực, mang lại đời sống no ấm cho người dân Bảo Lâm, Lâm Đồng.

Khá lên từ cây trà và cà phê

Chúng tôi về Bảo Lâm vào thời điểm huyện chuẩn bị kỷ niệm 20 năm hình thành, phát triển và cũng là dịp sắp diễn ra Tuần văn hóa trà tỉnh Lâm Đồng lần thứ V. Bảo Lâm là địa phương có diện tích trà lớn nhất tỉnh Lâm Đồng và có lẽ cũng lớn nhất nước. Nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên cây trà trên đất Bảo Lâm không ngừng sinh sôi. Những nương trà, nông trường trà ngút ngát trải rộng từ thị trấn Lộc Thắng đến các xã Lộc Thành, Lộc Tân, Lộc Quảng…, tạo nên màu xanh phồn thịnh cho vùng đất này.

Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm, ông Nguyễn Văn Triệu, cho biết: Trà và cà phê là 2 loại cây trồng chủ lực của huyện, và ngay từ đầu, địa phương đã xác định đây là loại cây kinh doanh hàng hóa chứ không phải cây giảm nghèo. Năm 1994, khi mới thành lập, diện tích trà của huyện chỉ gần 8.000ha, nay đã phát triển lên trên 13.000ha. Trong vòng 10 năm, đặc biệt là 5 năm trở lại đây, người dân đã tập trung chuyển đổi từ giống trà hạt sang các giống trà cành chất lượng cao, trà ô long để xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao. Bên cạnh diện tích trà của các nông hộ, các nhà máy chế biến trà tại Bảo Lâm cũng giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, trong đó không ít người là đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với trà, huyện Bảo Lâm có hơn 26.000ha cà phê, trước đây năng suất bình quân 1,8 - 2 tấn/ha, những năm gần đây nhờ chú trọng công tác tái canh và ghép cải tạo nên năng suất tăng lên khoảng 6 tấn/ha, cá biệt có những vườn đạt 8 - 10 tấn/ha. Thu nhập của bà con nông dân cũng vì thế được cải thiện đáng kể, hiện nay thu nhập bình quân đạt 45 triệu đồng/người/năm. Nhiều hộ giàu lên, sắm được xe hơi, nhà lầu. GDP bình quân tăng khoảng 15%/năm, kéo theo thu ngân sách cũng tăng đáng kể. Nếu như năm 1994 thu ngân sách chỉ được hơn 4 tỷ đồng, đến năm 2014 đã đạt hơn 400 tỷ đồng, tăng 100 lần.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Triệu, hiện nay cơ cấu kinh tế của huyện đang chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, mục tiêu đến năm 2020 đưa ngành công nghiệp đi đầu. Ngoài công nghiệp khai khoáng và thủy điện, huyện vẫn chú trọng “công nghiệp trong nông nghiệp”, đưa kỹ thuật công nghiệp vào phục vụ sản xuất và chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Diện mạo mới

Những ai có dịp đến Bảo Lâm thời điểm mới tách huyện (tách từ huyện Bảo Lộc cũ), nay trở lại, có thể dễ dàng cảm nhận sự đổi thay của vùng đất này. Trong đó, thị trấn Lộc Thắng đã được huyện tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư, nâng cấp để từng bước hoàn thiện các tiêu chí đô thị như: hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, công viên, nhà văn hóa, cây xanh và điện chiếu sáng đô thị. Không chỉ Lộc Thắng, diện mạo các xã vùng sâu, vùng xa của huyện như Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Lâm… cũng nhiều đổi mới, khởi sắc. Từ chỗ chỉ có 5/14 xã có đường ô tô đến trung tâm, nay con số này đã đạt 14/14 xã. Nhiều tuyến đường được trải nhựa hoặc cấp phối, thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân. Hệ thống kênh mương thủy lợi, điện lưới được quan tâm đầu tư; trường học, trạm y tế từng bước kiên cố và chuẩn hóa. Chương trình xây dựng nông thôn mới được người dân tích cực ủng hộ, đóng góp cả kinh phí và ngày công lao động. Đến nay đã có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Lộc An), năm 2015 có thêm 3 xã cán đích và mục tiêu đến năm 2017, Bảo Lâm sẽ đạt huyện nông thôn mới.

Theo Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm Nguyễn Văn Triệu, một trong những kết quả quan trọng và ấn tượng của huyện là công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khi thành lập huyện, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện gần 75%, trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số trên 90%. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 6,2%. Huyện đã xóa hẳn hộ đói và không còn hộ gia đình chính sách có mức sống dưới trung bình. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện chỉ đạo giải quyết những vấn đề bức xúc về đất sản xuất, nhà ở, điện thắp sáng, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ đời sống và sản xuất cho đồng bào. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện, an ninh trật tự được giữ vững.

Nam Viên - Đoàn Kiên

Tin cùng chuyên mục