Bạo lực gia đình - Sự xuống cấp giá trị đạo đức

Ngay sau khi Báo SGGP mở Diễn đàn - Thảo luận về nạn bạo lực gia đình, nhiều bạn đọc tiếp tục gửi ý kiến tham gia. Hầu hết ý kiến có chung quan điểm lên án nạn bạo lực gia đình đang ngày càng phổ biến và đề cao vai trò, trách nhiệm của hội đoàn, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động.

Phụ nữ cần đấu tranh về quyền bình đẳng

Những lý do dẫn đến nạn bạo hành trong gia đình thì muôn hình vạn trạng: nghiện rượu chè, cờ bạc, thất nghiệp, điều kiện sống tồi tệ, hôn nhân không hòa hợp, ngoại tình… Nhưng nguyên nhân sâu xa của nạn bạo hành trong gia đình ở Việt Nam là do tàn tích lâu đời của quan niệm gia trưởng, đàn ông coi phụ nữ là sở hữu riêng của mình, nhất là cách nghĩ “tam tòng”, một phần khác còn do tính tự ti, cam chịu của chính giới nữ. Đa số phụ nữ bị chồng đánh đập dã man nhưng vẫn không chịu tố giác với cơ quan chức năng hay ly dị. Cũng có trường hợp vợ lấn lướt chồng nhưng khá cá biệt. Do đó, khi nói đến bạo hành trong gia đình người ta thường liên tưởng đến người đàn ông “thượng đài” trong nhà mà đối thủ không ai khác là chính vợ, con của mình.

Muốn chống bạo hành gia đình, trước hết phụ nữ phải ý thức được mình là nạn nhân. Nhiều chị em cho rằng “khi đánh đập gây thương tích mới là bạo hành, còn chửi vài câu, đấm đá vài cái là do chồng nóng tính nên lỡ tay”. Hiện nay, có nhiều quan niệm hành vi bạo hành khá mới như: chỉ trích, xúc phạm lẫn nhau (chẳng hạn chê quá mập, quá ốm… ), lờ đi những cảm nghĩ, những nhu cầu của đối tượng, chế giễu những đức tính, giá trị của mỗi cá nhân, quyết định mọi vấn đề tài chính của gia đình, ghen tuông quá mức và nghi ngờ sự chung thủy, từ chối giúp đỡ khi ốm đau, thương tật, lúc mang thai… Chính vì vậy, cần giúp chị em học cách làm chủ cuộc đời mình, tự ý thức về quyền bình đẳng để đấu tranh cho mình. Ở địa phương, các đoàn thể cần phối hợp với ngành công an, y tế, pháp luật có thể tổ chức nhóm can thiệp “nóng”, trực tiếp khi nạn nhân cầu cứu khẩn cấp, tổ chức nói chuyện về phòng chống bạo hành ở các khu dân cư, nhằm nâng cao ý thức cho chị em.

LÊ QUANG HUY - Giáo viên Trường THCS Trừ Văn Thố, Cai Lậy, Tiền Giang

Cơm sôi, bớt lửa…

Thời gian gần đây, mạng xã hội đăng tải nhiều video clip có nội dung bạo lực gia đình. Chuyện con đánh cha mẹ; cha đánh con; chồng đánh vợ; thầy cô đánh trẻ… được ai đó ghi nhận rồi đưa lên mạng đã gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tuy nhiên, dù sao tôi cũng tin rằng người đưa lên mạng những đoạn phim như vậy không có ý câu like hay câu view. Có lẽ họ cùng đường và không còn cách nào khác để bày tỏ và mong muốn sự cảm thông của xã hội, sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng. Thành thật mà nói, cuộc sống gia đình, nhất là vợ chồng không thể nào không có va chạm, tuy nhiên, giải quyết mọi việc bằng hành động bạo lực là không thể chấp nhận. Chén bát trong chạn còn khua mà! Ông bà mình có câu tục ngữ rất hay: “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê”. Tôi mong mỏi các cặp vợ chồng cần hết sức bình tĩnh để giải quyết việc gia đình. Có khổ mấy, khó mấy… nếu cùng nhau bàn bạc thấu đáo, nghĩa tình, chắc chắn sẽ giải quyết được.

 DƯƠNG VĂN TÀI - ấp 5, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM

Tin cùng chuyên mục