Nhớ lời Bác căn dặn:

“Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”

“Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”

Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XI, Quốc hội đã nhất trí cao khi thông qua luật Phòng chống tham nhũng. Nhân dân rất mong luật này sớm đi vào cuộc sống để loại trừ tham nhũng ra khỏi hàng ngũ những người có chức, có quyền trong phạm vi cả nước.

Sinh thời Bác Hồ rất ghét tệ tham nhũng. Người căn dặn đảng viên và cán bộ: “Trước hết phải ăn ở làm sao cho dân phục, dân yêu, dân nghe” (HCM toàn tập, T.4, tr.433). Lời căn dặn ấy cách đây đã 60 năm, vậy mà vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Không ít cán bộ, đảng viên đã sống xứng đáng với lòng tin yêu của đông đảo nhân dân, nhưng cũng còn khá nhiều đảng viên và cán bộ đã tự đánh mất lòng tin yêu của nhân dân chỉ vì tham lam, lo vun vén cho mình, cho gia đình mình hơn là lo cho lợi ích của nhân dân.

“Bao nhiêu quyền hạn đều của dân” ảnh 1

Các nữ đại biểu Quốc hội. Ảnh: MINH ĐIỀN

Bác Hồ phân tích: “Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi, trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.7, tr. 346). Tiền tài, địa vị, danh lợi là những cạm bẫy khiến người cán bộ nếu không đủ bản lĩnh, không giữ được cái tâm trong sáng rất dễ “trượt chân”, nhiều khi trượt xuống tận hố sâu đến mức phải nhận những bản án nghiêm khắc của pháp luật.

Để khỏi “trượt chân” trước hết phải là sự tự tu dưỡng. Bác Hồ nhắc nhở: “Người xưa còn biết tu thân, mỗi buổi tối kiểm điểm mình và dùng hai cái lọ đỗ đen, đỗ trắng để ghi việc tốt việc xấu. Đảng viên, cán bộ ta từ nhân dân anh hùng mà ra, phải sống cho xứng đáng với nhân dân và Đảng anh hùng” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.12, tr.557).

Không thể chỉ nói tới bản lĩnh anh hùng của Đảng, của nhân dân mà quên đi sự sa ngã rất dễ xảy ra đối với một bộ phận những người có chức, có quyền. Bác Hồ đã rất nghiêm khắc khi xác định: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.12, tr. 357-358).

Bác Hồ rất nghiêm khắc trước những sa ngã của cán bộ, đảng viên. Trong kháng chiến chống Pháp, Bác đã bác đơn xin ân xá tội tử hình đối với Đại tá Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu. Bác nhiều lần khẳng định: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác... Vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của tổ quốc. Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là tính Đảng” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.5, tr. 250-251).

Quần chúng yêu cầu Đảng và Chính phủ phải nghiêm khắc hơn trong việc xử lý các phần tử thoái hóa, biến chất. Bác Hồ đã phê phán rất xác đáng: “Có đồng chí đáng phải trừng phạt, nhưng vì cảm tình nể nang chỉ phê bình, cảnh cáo qua loa cho xong chuyện. Thậm chí có nơi che đậy cho nhau, tha thứ lẫn nhau, lừa dối cấp trên, giấu giếm đoàn thể. Thi hành kỷ luật như vậy làm cho các đồng chí không những không biết sửa lỗi mình mà còn khinh thường kỷ luật” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.5, tr. 73).

Bác đã phải nói đến mức: “Tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ... Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.6, tr. 489-490). Tội lỗi đã nặng như Việt gian, mật thám thì phải xử với khung hình phạt cao nhất.

Sau khi ban hành luật Phòng chống tham nhũng, chúng ta hy vọng sẽ có một cuộc vận động mạnh mẽ và sâu rộng để luật đi vào cuộc sống, đem lại niềm tin cho đông đảo quần chúng nhân dân.

Hãy ghi nhớ lời dặn dò của Bác: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân...” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.5, tr. 698). 

NGUYỄN LÂN DŨNG

Tin cùng chuyên mục