Bão số 10 làm vỡ đập ở Thanh Hóa

Do bão số 10, huyện Tĩnh Gia, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) đã có mưa rất to khiến đập Đồng Đáng (xã Trường Lâm) và đập Thung Cối (xã Phú Lâm) bị vỡ. Bên cạnh đó, tràn xả lũ hồ Cây Trầu (xã Trúc Lâm) bị sạt lở nặng, vỡ cống phía Nam; đê chắn lũ Cầu Tây ở xã Trúc Lâm... vỡ 20 mét. Hàng nghìn hộ dân đang trong biển nước.
Bão số 10 làm vỡ đập ở Thanh Hóa

(SGGPO).- Do bão số 10, huyện Tĩnh Gia, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) đã có mưa rất to khiến đập Đồng Đáng (xã Trường Lâm) và đập Thung Cối (xã Phú Lâm) bị vỡ. Bên cạnh đó, tràn xả lũ hồ Cây Trầu (xã Trúc Lâm) bị sạt lở nặng, vỡ cống phía Nam; đê chắn lũ Cầu Tây ở xã Trúc Lâm... vỡ 20 mét. Hàng nghìn hộ dân đang trong biển nước.

Hàng nghìn hộ dân huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa đang trong biển nước. Ảnh: Đình Hợp

Hàng nghìn hộ dân huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa đang trong biển nước. Ảnh: Đình Hợp

Nước lũ đã khiến hơn 1.000 hộ dân ở 5 xã phía nam huyện Tĩnh Gia gồm Tân Trường, Trường Lâm, Mai Lâm, Trúc Lâm, Hải Thượng bị ngập từ 1 đến 1,5 m, một số thôn bị ngập hoàn toàn. Nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở và ngập sâu; tuyến đường Quốc lộ 1A từ Xuân Lâm đến Trường Lâm (Tĩnh Gia) bị ngập sâu kéo dài 2km khiến giao thông bị ách tắc, không thể lưu thông. Hoàn lưu bão số 10 cũng làm 10 ngôi nhà của người dân ở huyện Tĩnh Gia bị sập và tốc mái; 1.000 ha lúa, 900 ha lạc vụ Đông, 600 ha rau màu, 15 ha đồng muối bị ngập.

Tại huyện Nông Cống, có 3 cháu học sinh ở xã Công Bình, trên đường đi học về bị lũ cuốn trôi, trong đó 1 cháu đã được người dân địa phương cứu sống. Huyện Nông Cống đã huy động lực lượng tìm kiếm và đã tìm thấy thi thể 2 cháu (huyện đã hỗ trợ ban đầu cho gia đình mỗi cháu là 6 triệu đồng).

Tiếp giáp với Tĩnh Gia, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) có hai tàu cá của ngư dân xã Quảng Nham và Tàu Nam Định số hiệu 1533 bị sóng đánh sập khoang chở hàng, trong có 1.100 tấn phụ gia xi măng. 

Ngay sau khi mưa lũ xảy ra, các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã điều động hơn 300 cán bộ, chiến sĩ gồm công an, bộ đội, biên phòng mang theo 73 xuồng cùng 450 thùng mì tôm, 100 thùng nước khoáng, các nhu yếu phẩm cần thiết trợ giúp nhân dân vùng ngập nước. Hiện, tỉnh Thanh Hóa đang vận hành 482 máy bơm ở 99 trạm bơm nước tiêu úng để xử lý kịp thời sự cố nảy sinh.

*Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10, ở đảo Hòn Ngư có gió giật mạnh 28m/s (cấp 10); đảo Cồn Cỏ có gió giật mạnh 43m/s (cấp 14). Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có gió giật mạnh 33m/s (cấp 12).

Trên đất liền các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9; riêng thành phố Đồng Hới, có gió giật mạnh 35m/s (cấp 12); Ba Đồn có gió giật mạnh 44m/s (cấp 14). Ở các tỉnh Hà Tĩnh đến Đà Nẵng đã có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 100 – 200mm. 

Hồi 1 giờ ngày 1-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 104,4 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. 

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển về phía Tây và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng gần tâm áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Diễn biến mưa sau bão còn phức tạp.

Lũ trên các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp tục lên, các sông ở Quảng Bình tiếp tục xuống. Đến tối mai (2-10), mực nước trên các sông có khả năng như sau:

Sông Cả tại Nam Đàn lên mức: 6,0m, trên BĐ1: 0,6m, sau đó tiếp tục lên chậm.

Sông La tại Linh Cảm lên mức: 3,7m, dưới BĐ1: 0,8m, sau đó biến đổi chậm

Các sông ở Quảng Bình xuống dưới mức BĐ1.

Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng thấp và đồng bằng các tỉnh từ Nghệ An đến Hà Tĩnh.

Theo ghi nhận của PV báo SGGP tại Hà Tĩnh, mặc dù đến thời điểm này vẫn chưa có thống kê tổng thể về thiệt hại do bão số 10 gây trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, riêng tại địa bàn huyện Kỳ Anh là bị  thiệt hại nặng nhất.

Toàn huyện có 24.000 ngôi nhà bị tốc mái, 22.000 rạp che nắng bị hư hỏng. Hơn 250ha rau màu, 1.200ha sắn bị thiệt hại, trên 4.500ha cây lâm nghiệp và hàng vạn cây xanh, cây ăn quả bị quật gãy đổ. Hơn 150 cột điện bị gãy, đổ, hệ thống đường dây 04 bị thiệt hại nặng, hơn 3.500m3 đất, đá của đường giao thông bị sạt lở… ước tính thiệt hại hàng tỷ đồng.

Nhiều cây cổ thụ lâu năm, bờ tường rào ở các tuyến đường trung tâm thành phố Hà Tĩnh bị gió bão quật gãy đổ hàng loạt. Ảnh: Dương Quang

Nhiều cây cổ thụ lâu năm, bờ tường rào ở các tuyến đường trung tâm thành phố Hà Tĩnh bị gió bão quật gãy đổ hàng loạt. Ảnh: Dương Quang

Huyện Cẩm Xuyên cũng có hơn 500 ngôi nhà bị tốc mái, hàng trăm  cột điện, cột viễn thông và hàng vạn cây cối lớn nhỏ bị gãy đổ, nhiều tuyến đê, kè bị sạt lở, trong đó tuyến đê Hà – Lộc bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, nguy cơ vở đê  có thể xảy ra đe dọa tính mạng và tài sản của nhân, huyện và các xã ở tuyến đê cũng đã huy động lực lượng, hàng trăm bao cát, hộc đá để gia cố các tuyến đê.

Đến 10 giờ sáng nay, tại tỉnh Hà Tĩnh trời đã nắng ấm trở lại, hơn 5.996 hộ dân với 19.396 nhân khẩu trước đó đi sơ tán đã về nhà sửa sang lại nhà cửa. Các đơn vị quản lý môi trường đô thị, điện lực, chính quyền, đoàn thể các địa phương đang huy động hết lực lượng, phương tiện tổ chức dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả do bão gây ra sớm ổn định cuộc sống.

Cảnh báo thời tiết nguy hiểm trên biển

Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 12 – 15 độ vĩ Bắc nối với vùng áp thấp mới hình thành trên khu vực giữa biển Đông có vị trí hồi 7h sáng nay, 1-10, ở vào khoảng 12.5 – 13.5 độ vĩ Bắc, 111.5 – 112.5 độ kinh Đông nên khu vực Giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy và gió giật mạnh.

Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động.

 VNPT nỗ lực đảm bảo mạng lưới thông tin trong cơn bão số 10

((SGGPO).- Chiều 1-10, Tập đoàn VNPT cho biết, theo báo cáo sơ bộ của các đơn vị thuộc VNPT bị ảnh hưởng trong cơn bão số 10, tính đến sáng 1-10, gió  bão cùng với mưa lớn kéo dài, điện lưới mất trên diện rộng đã gây thiệt hại đến mạng lưới của các đơn vị. Tuy nhiên các tuyến truyền dẫn trục liên tỉnh, nội tỉnh được đảm bảo, đảm bảo thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền.

Theo đó, VNPT Quảng Bình là đơn vị bị  thiệt hại nặng nhất, tổng số có 14 tuyến cáp quang bị đứt, hầu hết bị các tuyến nhánh. Đến nay đã khôi phục được 2 tuyến; 6 máy phát điện bị sự cố; 31 cột Anten/BTS mạng VinaPhone và 10 cột anten/BTS mạng Mobifone bị đổ. Tại Quảng Trị, có 7 tuyến cáp quang bị đứt, đến nay đã khôi phục được 4 tuyến. 2 cột Anten/BTS mạng VinaPhone và 1 cột anten/BTS mạng Mobifone bị đổ. VNPT Hà Tĩnh, khoảng 17 đoạn cáp quang bị đứt, 10 máy phát điện bị sự cố, 1 cột Anten/BTS mạng VinaPhone bị đổ. Tại các địa phương này, hiện đang thống kê thiệt hại về mạng ngoại vi.

 Ngay đêm 30-9, lúc 23 giờ, lãnh đạo Tập  đoàn VNPT đã chỉ đạo VNPT Nghệ An điều  động xe thông tin chuyên dụng vệ tinh INMARSAT đi Quảng Bình để phục vụ đoàn công tác của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo khắc phục thiệt hại bão tại Quảng Bình. Mặc dù bị cắt điện kéo dài và gió bão lớn, nhưng VNPT đã chỉ  đạo các đơn vị thành viên tổ chức các đội ứng cứu tại Quảng Bình.

Theo đó, đã điều động xe thông tin chuyên dụng INMARSAT của VinaPhone khu vực 3 ra Quảng Bình để hỗ trợ cho UBND tỉnh. Các đơn vị trong Tập đoàn VNPT đã hỗ trợ ứng cứu 21 máy nổ cho VNPT Quảng Bình. Công ty VinaPhone và Công ty MobiFone, mỗi đơn vị đã triển khai 6 đội ứng cứu khắc phục thông tin tại Quảng Bình. Công ty viễn thông liên tỉnh (VTN) đã cử các đội kỹ thuật và thiết bị vật tư dự phòng ứng cứu cho VNPT Quảng Bình.

 VNPT cho biết, tính đến trưa ngày 1-10, do mất điện trên diện rộng, kéo dài và gió bão lớn gây đổ cột nên một số trạm BTS của VNPT bị mất liên lạc. Tuy nhiên, các đơn vị thuộc VNPT đã kịp thời tổ chức triển khai các phương án dự phòng, ứng phó cơn bão số 10 nên hiện nay, nhìn chung mạng lưới thông tin của VNPT vẫn được đảm bảo và phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo của Trung ương và địa phương.

TRẦN BÌNH

Đình Hợp-Song Nguyên - Dương Quang

Tin cùng chuyên mục