(SGGP).- Tối 7-8, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, bão số 6 (có tên quốc tế là Mangkhut, đặt theo tên đề cử của Thái Lan) sẽ nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi đi vào bờ thuộc Nam đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ. Trong đó, tâm bão có thể đổ bộ vào khu vực các tỉnh từ Hải Phòng hoặc Ninh Bình đến Thanh Hóa, sau đó tiếp tục đổi hướng và đi sâu thêm vào đất liền. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, sẽ có mưa to đến mưa rất to trên toàn khu vực Bắc Trung bộ (Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa) và cả miền núi phía Bắc lẫn đồng bằng Bắc bộ.
Trước đó, chiều 7-8, do ảnh hưởng của bão số 6, ở các đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; ở Hòn Ngư (Nghệ An), đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) giật cấp 7; còn ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) giật cấp 10. Một số nơi có mưa lớn hơn như Hà Tĩnh 85mm; Quỳ Hợp (Hà Tĩnh) 188mm, Kỳ Lạc (Hà Tĩnh) 205mm, Ba Đồn (Quảng Bình) 104mm... Từ chiều qua, tại Hà Nội cũng bắt đầu có mưa nặng hạt. Tại các tỉnh khác, trời nhiều mây, báo hiệu một đợt mưa lũ mới sẽ xuất hiện.
Theo nhận định của cơ quan khí tượng, sau khi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, trong ngày 8-8, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc đi sâu vào đất liền các tỉnh Bắc bộ và Thanh Hóa rồi tan ở khu vực biên giới Việt - Lào và tiếp tục gây mưa lớn.
Ban chỉ đạo PCLB Trung ương đã tổ chức họp khẩn yêu cầu các địa phương chủ động kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, khu vực miền núi phía Bắc đề phòng lũ quét, sạt lở đất. Hiện đã thông báo, kêu gọi được 64.200 tàu thuyền (với gần 264.000 lao động) chịu ảnh hưởng của bão số 6 vào nơi tránh trú an toàn.
Tại tỉnh Ninh Bình, nơi được nhận định là tâm điểm bão số 6 đổ bộ, đến chiều 7-8, các bến đò ngang đã tạm dừng hoạt động cho đến khi bão tan. Tuy nhiên, tại huyện ven biển Kim Sơn vẫn còn 16 tàu thuyền với 33 ngư dân đang hoạt động ở ven biển Ninh Bình, Thanh Hóa.
VĂN PHÚC