Bão số 8 đã suy yếu, để lại hậu quả nặng nề

Bão số 8 đã suy yếu, để lại hậu quả nặng nề
  • Bão quật đổ tháp truyền hình tỉnh Nam Định

(SGGPO).- Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 8 giờ sáng nay, 29-10, cơn bão số 8 đã suy yếu thành một vùng áp thấp nhiệt đới sau khi lướt dọc bờ biển các tỉnh Bắc bộ, hướng lên vùng biên giới Việt-Trung. Tại các tỉnh thuộc Nam đồng bằng Bắc bộ, gió đã lặng, trời hửng nắng trở lại.

Tuy nhiên, tại cuộc họp giao ban tổ chức sáng nay, 29-10, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, bão số 8 đã để lại hậu quả nặng nề. Theo thống kê ban đầu, có 2 người chết, 23 người bị mất tích vẫn chưa liên lạc được tại các tỉnh, thành gồm: Thái Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hải Phòng Quảng Ninh.

Ninh Bình khắc phục hậu quả bão số 8

Ninh Bình khắc phục hậu quả bão số 8

Còn theo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, tính đến 7 giờ 30 sáng nay, bão số 8 đã làm bị thương 2 người ở Hà Tĩnh và Hải Phòng, tốc mái 323 nhà chủ yếu ở Thái Bình, hư hỏng 361ha lúa, chìm 6 phương tiện ở Thanh Hóa và Hải Phòng, 10 bè nuôi cá ở Hải Phòng, Nam Định và Thanh Hóa.

Đáng lo ngại nhất là cho đến sáng nay, 35 người (14 người nước ngoài, 21 người Việt Nam) trên giàn khoan GSF KEY HAWAI của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại Hải Phòng vẫn còn bị mắc kẹt do giàn khoan đứt dây kéo với 3 tàu lai dắt.

Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không - không quân chuẩn bị máy bay, nghiên cứu thời tiết để sẵn sàng cứu nạn. Hồi 5 giờ 50 phút sáng nay, Tổng công ty Bay Việt Nam đã điều động hai máy bay trực thăng bay xuống Hải Phòng trinh sát khí tượng và sẵn sàng cứu hộ cứu nạn khi thời tiết cho phép. Hiện tại, có ba tàu lai dắt vẫn đang theo sát giàn khoan.

Tại tỉnh Thái Bình, tàu cá NĐ 2546 với 10 lao động neo đậu tại cảng Trà Lý bị đứt dây neo trôi dạt ở Cửa Lân vẫn chưa bắt được liên lạc, công tác tìm kiếm những người mất tích vẫn đang được các lực lượng cứu hộ cứu nạn khẩn trương triển khai. 

Đặc biệt, vào lúc 20 giờ 40 phút đêm 28-10, gió bão giật mạnh, liên tục đổi hướng đã “quật” đổ tháp truyền hình của Đài Truyền hình tỉnh Nam Định, làm một cán bộ ứng trực của trạm phát sóng bị thương. 

Cả đoạn tháp cao hơn 100m đổ rạp xuống đất, do đặt ở vị trí thoáng, xa khu dân cư nên khi tháp đổ, không gây thiệt hại cho nhà cửa và dân cư sở tại. Đây là tháp cao 180m, được xây dựng và hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2010 tại khu đô thị Hòa Vượng, thuộc phường Lộc Vượng, TP Nam Định với kinh phí khoảng 40 tỷ đồng. Tháp tiếp sóng các kênh VTV2, VTV3, VTV6 của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình An Viên cho cả vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Sự cố khiến các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam không xem được các kênh tiếp sóng trên.

Theo UBND tỉnh Nam Định, đây còn là tháp truyền hình được coi là cao và hiện đại nhất khu vực miền Bắc.

Do mưa lũ lớn nên từ sáng nay, nước lũ trên sông Ba Chẽ đã bắt đầu dâng cao, tràn vào các khu dân cư ở huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh). Nhiều nơi chìm trong nước lũ tới 1-2m nước. Theo quan sát tại hiện trường, cầu ngầm Ba Chẽ đã ngập, một số khu vực từ thị trấn sang khu 7 đã bị chia cắt do nước lũ dâng cao. Hiện chính quyền huyện đang gấp rút triển khai những phương án khẩn cấp để đề phòng lũ dâng đồng thời cho loa truyền thanh kêu gọi người dân sơ tán tài sản đến nơi an toàn. Người dân sở tại cho biết, đợt lũ này gần bằng trận lụt lịch sử ngập cả thị trấn xảy ra vào năm 2008.

Trên địa bàn huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) cũng đã có 3 tàu bị đắm, làm 2 người bị mất tích trên tàu của ông Lê Văn Lê mang BKS: QN 6807 tại khu vực xã Ngọc Vừng, 2 tàu còn lại tại xã Minh Châu. Ngoài ra, Ban chỉ huy quân sự huyện Vân Đồn đã cứu được 8 người bị mắc kẹt trên khu lồng bè nuôi thủy sản, trong đó có 5 người trên bè nuôi trồng thuỷ sản bị vỡ và 3 người trôi dạt của Công ty ngọc trai Vân Đồn). Hiện UBND huyện Vân Đồn đang triển khai tìm kiếm 2 nạn nhân bị mất tích.

Riêng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Nam Định cho biết, ở đây đã có 2 người dân bị thiệt mạng thuộc huyện Hải Hậu và Giao Thủy, 2 người dân khác bị thương, 3 vị trí đê biển bị sạt lở nặng.

PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục