Bảo tồn cầu Long Biên: Muốn bảo tồn nguyên trạng phải xây thêm cầu mới

Ngày 21-2, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh 3 phương án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 có liên quan tới việc bảo tồn cầu Long Biên đang được dư luận quan tâm thời gian qua. * Phóng viên:

Ngày 21-2, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh 3 phương án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 có liên quan tới việc bảo tồn cầu Long Biên đang được dư luận quan tâm thời gian qua.

* Phóng viên:
Vì sao Bộ GTVT lại đưa ra 3 phương án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1, thưa ông?

* Thứ trưởng NGUYỄN NGỌC ĐÔNG:
Trước kia, có quan điểm xây dựng trùng vào cầu cũ, nhưng sau đó có ý kiến giữ lại để bảo tồn. Bộ GTVT đã nghiên cứu ý kiến làm cầu mới cách 30m, 50m, 100m và trong vòng 200m trở lại, tách ra khỏi cầu cũ và giữ lại cầu cũ để Hà Nội có các phương án nâng cấp, bảo tồn. Phương án này đã được Hà Nội đồng ý và Chính phủ phê duyệt dự án khả thi. Tuy nhiên, sau đó vẫn có quá nhiều ý kiến cho rằng xây dựng cầu mới song song sẽ làm ảnh hưởng tới không gian kiến trúc của cầu cũ nên đề nghị nghiên cứu dịch ra khoảng 200m. Nhưng phương án này lại gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng nên UBND TP Hà Nội đã đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu phương án xây cầu mới. Vì vậy, Bộ GTVT mới đưa ra 3 phương án gần đây.

* Dư luận không đồng tình với cả 3 phương án mà Bộ GTVT vừa đưa ra. Nhiều nhà sử học, văn hóa nghiêng về bảo tồn nguyên vẹn. Theo ông, có thể hài hòa được mục tiêu bảo tồn và đảm bảo giao thông hay không?

* Cầu Long Biên vốn đã rất cũ nên phải có gia cố, tăng cường. Thêm vào đó, công năng của cầu cũng phải thay đổi để giao thông thủy đảm bảo an toàn. Nếu vừa xây dựng vừa bảo tồn thì phải có sự tôn tạo nhất định để đảm bảo công năng khai thác, nếu xây cầu mới trùng tim cầu cũ để bảo tồn y nguyên như ngày xưa thì lại không đáp ứng được nhu cầu thực tế cần có cầu đường sắt đôi bắc qua sông Hồng. Ý kiến của các nhà sử học cũng rất đúng và phải tôn trọng, vì cầu Long Biên là hình ảnh đã đi vào lòng người dân Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng. Trong các phương án đưa ra chúng tôi đều nghĩ tới bảo tồn cây cầu nhưng bảo tồn ở mức độ nào thì cần nghiên cứu kỹ. Vừa đảm bảo mục tiêu giao thông thông suốt vừa giữ được hình ảnh cầu Long Biên là một vấn đề khó.

* Vậy theo ông, phương án nào khả thi hơn?

* Bộ GTVT vẫn kiến nghị xây dựng cầu mới cạnh cầu cũ. Chắc chắn phải xây dựng cầu đường sắt vượt sông Hồng nhưng xây dựng ở vị trí nào thì phải nghiên cứu để có câu trả lời. Là tuyến đường sắt số 1, tức là tuyến quan trọng số 1 của Hà Nội nên việc dịch chuyển và tìm vị trí xây dựng cũng không thể quá xa so với cầu cũ để đảm bảo việc đi lại thuận lợi và phạm vi ảnh hưởng. Nếu không đụng đến cầu Long Biên thì Bộ GTVT nghiêng về phương án trước kia đã xây dựng là dịch xa ra 30m. Kiến trúc xây dựng cầu mới sẽ hài hòa và không làm ảnh hưởng tới kiến trúc của cầu cũ và cầu cũ vẫn tiếp tục khôi phục để bảo tồn.

BÍCH QUYÊN (ghi)

Tin cùng chuyên mục