Bảo tồn di sản ca trù: Vẫn ngổn ngang trăm mối

Năm 2009, UNESCO vinh danh và đưa ca trù của người Việt vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của thế giới. Song, cho tới thời điểm này, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này vẫn còn ngổn ngang trăm mối. Ngày 22-10, tại Hà Nội, một lần nữa việc bảo tồn loại hình ca trù lại được các nhà quản lý, nhà khoa học và các nghệ nhân của môn nghệ thuật truyền thống này phân tích mổ xẻ.
Bảo tồn di sản ca trù: Vẫn ngổn ngang trăm mối

Năm 2009, UNESCO vinh danh và đưa ca trù của người Việt vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của thế giới. Song, cho tới thời điểm này, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này vẫn còn ngổn ngang trăm mối. Ngày 22-10, tại Hà Nội, một lần nữa việc bảo tồn loại hình ca trù lại được các nhà quản lý, nhà khoa học và các nghệ nhân của môn nghệ thuật truyền thống này phân tích mổ xẻ.

Việc bảo tồn di sản ca trù vẫn gặp nhiều khó khăn

Nguy cơ chỉ còn “vỏ rỗng”

Ca trù đã trải qua quá trình phát triển ít nhất từ thế kỷ 15 đến nay và được biểu diễn trong không gian văn hóa đa dạng ở các giai đoạn lịch sử khác nhau và được chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thông qua các tổ chức giáo phường, ca trù tạo nên nét đặc trưng với sức sống bền bỉ trước những biến động của lịch sử. Đã có lúc, ca trù mai một, gần như biến mất.

Sau năm 2009, khi ca trù được vinh danh là di sản văn hóa thế giới thì sức sống của môn nghệ thuật truyền thống này sau giấc ngủ đông dài đã bừng tỉnh trở lại. Các câu lạc bộ ca trù mọc lên như nấm ở 15 địa phương có loại hình nghệ thuật này, riêng Hà Nội có tới 14 câu lạc bộ và nhóm ca trù cùng hoạt động. Việc thực hành di sản ca trù ở thủ đô - một trong những địa phương “sở hữu” nhiều di sản ca trù nhất cả nước, có tới 50 người có khả năng truyền dạy, 220 người thực hành và hàng trăm người theo học... Song tiếc thay, như Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Trương Minh Tiến nhận định thì phần lớn các nhóm, câu lạc bộ đều hoạt động tự phát dựa vào tấm lòng yêu di sản của chính các nghệ nhân.

Ca nương Phạm Thị Huệ (CLB Ca trù Thăng Long) nhìn nhận, sau nhiều năm miệt mài truyền dạy, nhiều em đã trưởng thành nhưng cũng không ít trường hợp học xong lại chuyển hướng. Hơn thế, chị Huệ cũng cho rằng, cổ nhạc không thể bảo tồn bằng hô hào. Ca nương, kép đàn không thể chỉ “hít” không khí mà giữ nghiệp được. Còn những người yêu di sản sau một thời gian bươn chải để giữ nghề, truyền nghiệp, nhiều người cũng đã kiệt sức. Vì thế nên có nhiều giải pháp kịp thời như hỗ trợ kinh phí đào tạo, giúp đỡ in ấn các ấn phẩm, đồ lưu niệm, xây dựng không gian riêng để quảng bá, giới thiệu nghệ thuật ca trù...

Đồng tình với quan điểm này, nghệ nhân ca trù Nguyễn Thúy Hòa(CLB Ca trù Thái Hà) cũng cho rằng, nếu người theo đuổi nghệ thuật ca trù vẫn phải luẩn quẩn với mối lo mưu sinh, chất lượng ca trù bị thả nổi như hiện nay thì chẳng bao lâu nữa, di sản sẽ đối mặt với nguy cơ chỉ là "vỏ rỗng". Không chỉ thế, tâm tư của phần lớn những người đang theo đuổi, nuôi dưỡng nghệ thuật ca trù là nhận được sự hỗ trợ về chuyên môn, tài chính để hoạt động của họ không lâm vào cảnh lay lắt, cầm chừng.

Chưa có chiến lược bảo vệ ca trù

Là người tâm huyết, gắn bó với di sản phi vật thể của dân tộc, TS Lê Thị Minh Lý chia sẻ:“Trong khi hát xoan đã xây dựng được chiến lược bảo tồn nghệ thuật với định hướng cụ thể đến năm 2020 và kinh phí dự tính lên tới 165 tỷ đồng thì đến nay, ca trù vẫn chưa làm được điều này. Có lẽ vì vậy các hoạt động liên quan tới việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản ca trù vẫn tự phát. Cho tới thời điểm này, chưa có một thống kê, đánh giá toàn diện nào về sức sống của ca trù, như có bao nhiêu nghệ nhân, bao nhiêu câu lạc bộ, sự lan tỏa của nghệ thuật ca trù trong cộng đồng như thế nào...”.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh cũng trăn trở: “Bao năm nay chúng ta giáo dục hiện đại hóa, cải tiến cải biên... khiến thế hệ trẻ khó yêu được các giá trị cổ. Tân nhạc dễ học, chứ ca trù phải nắn nót từng chút một. Nhưng dù sao để hát được cũng chỉ cần khóa đào tạo năm bảy tháng. Chứ còn ngón đàn quả là phải có năng khiếu và khổ luyện; chính vì thế, ở các làng còn lưu giữ ca trù, việc tìm kiếm lớp trẻ để chân truyền luôn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đã có nhận thức đúng hơn về ca trù thì tin rằng, sẽ có cơ phục hồi. Khi ca trù được chú ý sẽ có sự đầu tư, như vậy nghệ thuật này có cơ hội để phát triển. Điều tôi quan tâm hơn là rất cần sự bảo tồn lực lượng nghệ nhân tinh hoa hiện đã cao tuổi để có thể gìn giữ vẻ đẹp ca trù đích thực và lưu truyền nguyên dạng vẻ đẹp của ca trù cổ”.

Năm 2017 sắp tới, là thời điểm Việt Nam một lần nữa phải gửi báo cáo lên UNESCO về việc ca trù có thể thoát ra khỏi danh sách di sản cần được bảo vệ khẩn cấp hay không. Thời gian không còn nhiều, các nhà khoa học, những người yêu di sản hy vọng  với việc Hà Nội - cái nôi của ca trù, có thể đưa ra một đề án chiến lược bảo tồn nghệ thuật ca trù với những kế hoạch, lộ trình cụ thể về việc truyền dạy, thống kê tư liệu hóa các dữ liệu về di sản, tạo điều kiện cho các nghệ nhân ca trù được tham gia các cơ hội biểu diễn... thì ca trù của người Việt sẽ được tiếp thêm luồng sinh khí mới.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục