Bảo vệ “biên cương văn hóa” Tổ quốc từ sớm, từ xa

Tại hội thảo “Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ” do Trung ương Đoàn phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội và Bộ VH-TT-DL tổ chức ngày 11-5, các ý kiến tham luận đã phân tích nguyên nhân, đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp xung quanh vấn đề bảo vệ “biên cương văn hóa”, tư tưởng trong kỷ nguyên số. 
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TTXVN
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TTXVN

Ngăn chặn để giảm thiểu tác hại

Các ý kiến tham luận đều tập trung vào phân tích thực trạng không gian mạng hiện nay và những ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ. Nguyên nhân được nhận định là các kênh truyền thông cực đoan của thế lực thù địch vẫn đang phát hành tự do, thoải mái trên mạng. Việc gỡ bỏ, ngăn chặn các kênh thông tin xấu độc này rất khó khăn. Bên cạnh đó, quyền tự do thông tin trên mạng, quyền lưu hành quảng bá, phổ biến các sáng tạo văn hóa nghệ thuật cũng dẫn tới tình trạng dân chủ quá trớn, phát ngôn vô trách nhiệm, tung tin thất thiệt hay thể hiện sự bất mãn, ẩn ức cá nhân, sản phẩm độc hại lan truyền với tốc độ cao… Nếu không tỉnh táo, bản lĩnh, có sức đề kháng tốt, giới trẻ rất dễ bị cuốn theo các luồng thông tin tiêu cực, dẫn đến hoang mang, dao động, mất niềm tin vào hệ tư tưởng chính thống, vào sự ưu việt của chế độ xã hội, xói mòn lòng tin.

Tại hội thảo, các ý kiến cũng cho rằng, việc đối phó, đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái trên mạng xã hội cần khách quan, nhìn nhận theo hướng đối phó, đấu tranh, ngăn chặn để giảm thiểu tác hại vì không thể tiêu diệt được triệt để. Trong môi trường thông tin số, việc xác định “sống chung với lũ”, thích ứng và có giải pháp căn cơ, bền vững, lâu dài là tư duy đúng đắn nhất.

Mặc dù xác định “sống chung với lũ” nhưng ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT-TT), vẫn nhấn mạnh, internet là mặt trận chính, là tuyến đầu trong đấu tranh ý thức hệ, trong công tác tuyên truyền tư tưởng hiện nay. Chúng ta cần hành động ngay, một cách sòng phẳng, quyết liệt và đồng bộ, để bảo vệ các giá trị văn hóa, tư tưởng, sáng tạo của người Việt trên môi trường mạng. 

Cần giải pháp mạnh hơn

Với quan điểm tăng “sức đề kháng” cho thanh thiếu niên, hình thành cơ chế “tự miễn dịch” trước thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch, Bí thư Thành đoàn TPHCM Phan Thị Thanh Phương cho biết, Thành đoàn TPHCM đã kiên trì triển khai, đẩy mạnh cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, tạo xu hướng lan tỏa những thông tin tích cực trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội. Bên cạnh đó, Thành đoàn TPHCM cũng thường xuyên tổ chức các chương trình phát sóng trực tuyến trên các trang cộng đồng để nâng cao văn hóa thưởng thức cho đoàn viên, thanh thiếu nhi như các chương trình “Thành phố 18h”, “Âm nhạc dân tộc học đường”, “Hát về thời hoa đỏ”, “Thế hệ mới - Thích ứng - Kết nối và Chia sẻ”, không gian “Âm nhạc - Kết nối”, “Câu chuyện truyền cảm hứng”… Đây cũng là cách làm hay mà Trung ương Đoàn mong muốn sẽ lan tỏa ở các địa phương khác trong cả nước. 

Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng cường các yếu tố tích cực, các ý kiến tham luận tại hội thảo vẫn cho rằng cần có nhiều biện pháp mạnh hơn nữa để bảo vệ văn hóa, tư tưởng. Đại diện Trung ương Đoàn đề xuất, cần có cơ chế làm việc liên ngành giữa Bộ TT-TT với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng... kiểm tra, rà soát và yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên quan xử lý các kênh thông tin có nội dung tiêu cực, thông tin sai sự thật, xuyên tạc. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần kiểm soát, xử lý nghiêm các nhà sản xuất, cung cấp các trò chơi trực tuyến, ấn phẩm sách, báo, video có yếu tố bạo lực, khiêu dâm.

Đại diện Trung ương Đoàn cũng cho biết, thời gian tới, Tổng đài hỗ trợ và ứng cứu thanh thiếu nhi trên không gian mạng cũng sẽ được tổ chức nhằm hỗ trợ, xử lý các tác động tiêu cực đến thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trong quá trình tham gia các hoạt động trên không gian mạng. 

Tại hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, trong thời gian tới, các tổ chức Đoàn cần tập trung nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa, nhất là các ngành liên quan đến xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, trò chơi trực tuyến; tổ chức cuộc thi khởi nghiệp về văn hóa; hỗ trợ các dự án khởi nghiệp về văn hóa. Đây cũng là cách giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ “biên cương văn hóa” Tổ quốc từ sớm, từ xa. Các đề xuất, kiến nghị tại hội thảo sẽ được ghi nhận để tham mưu, đề xuất với Đảng, Chính phủ về chủ trương, chính sách, chế tài cụ thể nhằm quản lý các sản phẩm văn hóa, định hướng văn hóa cho thế hệ trẻ, phát huy vai trò của tuổi trẻ trong sự nghiệp phát triển văn hóa dân tộc.

Tin cùng chuyên mục