Bảo vệ trẻ em trong thời đại dịch Covid-19

Trước bất kỳ biến cố nào, trẻ em luôn là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Đại dịch Covid-19 cũng không phải là ngoại lệ khi đang tác động tới mọi mặt đời sống của trẻ em trên toàn thế giới, ảnh hưởng tới nỗ lực toàn cầu nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững cho trẻ em.

“Bài sát hạch” khắc nghiệt

Tình trạng y tế cộng đồng khẩn cấp trên thế giới do đại dịch Covid-19 gây ra đã biến thành một “bài sát hạch” khắc nghiệt đối với sự phát triển toàn cầu cũng như những triển vọng của thế hệ trẻ ngày nay. Dịch bệnh đã khiến trẻ em đứng trước nguy cơ nghèo đói cao. Hoạt động kinh tế đình trệ tại hầu khắp các quốc gia khiến thu nhập giảm sút, đe dọa sinh kế của hàng triệu hộ gia đình có trẻ em trên toàn thế giới. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), dịch Covid-19 đang đẩy khoảng 1,6 tỷ người lao động, đại diện cho gần 1/2 lực lượng lao động toàn cầu, đứng trước nguy cơ mất kế sinh nhai. Những “cú sốc” thu nhập như vậy ở cấp độ hộ gia đình, dù chỉ là tạm thời, vẫn có thể để lại hậu quả tàn phá đối với trẻ em.

Bảo vệ trẻ em trong thời đại dịch Covid-19 ảnh 1 Học sinh trở lại trường học ở Cộng hòa Czech sau khi nới lỏng phong tỏa
Covid-19 cũng tác động tiêu cực tới những tiến bộ trong vấn đề phúc lợi dành cho trẻ em, đặc biệt là giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Giải pháp dạy học trực tuyến đã được nhiều nước triển khai, song lại cho thấy sự chênh lệch về công nghệ số - đó là khoảng cách giữa những trẻ có thiết bị và vào được Internet với những trẻ không có cả hai điều kiện trên.

Về mặt chăm sóc sức khỏe, đại dịch Covid-19 đã khiến hàng trăm triệu trẻ em không được tiêm phòng vaccine hoặc không có khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế thiết yếu khác. Trẻ em cũng phải đối mặt với tình hình mất an ninh lương thực. Một nghiên cứu chung của Tổ chức Save the Children và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) đã chỉ ra rằng, tính đến cuối năm 2020, khoảng 86 triệu trẻ em có thể bị đẩy vào tình trạng nghèo đói. Đại dịch cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự an toàn của trẻ. Nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ đã ghi nhận trong thời gian các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội được áp đặt, nguy cơ bạo lực gia đình gia tăng đối với trẻ em và phụ nữ.

Mở rộng hỗ trợ

Trước tình hình này, Ủy ban Liên hiệp quốc về quyền trẻ em đã kêu gọi các nước cần đặt quyền và nhu cầu phát triển của trẻ vào vị trí trọng tâm của các giải pháp ứng phó dịch. UNICEF đã đề xuất một kế hoạch hành động khẩn trương gồm ba nội dung chính. Thứ nhất, trợ cấp tiền mặt trên diện rộng cho trẻ em, theo đó khẩn trương hỗ trợ để các gia đình bị mất thu nhập do dịch bệnh có tiền mặt mua thực phẩm dinh dưỡng, được chăm sóc y tế, chăm sóc trẻ em và được tiếp cận các dịch vụ khác. Thứ hai là khẩn trương có những chính sách tài chính mạnh mẽ để tiếp tục cung cấp những dịch vụ xã hội có chất lượng, dễ dàng tiếp cận và với giá hợp lý, bao gồm cả lĩnh vực y tế, giáo dục. Cuối cùng, tiếp cận toàn xã hội là yếu tố hết sức quan trọng để hỗ trợ trẻ em và gia đình dễ bị tổn thương nhất. UNICEF cũng  kêu gọi nguồn viện trợ 1,6 tỷ USD nhằm giúp đỡ những trẻ em vốn đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng nhân đạo nay lại chịu tác động của đại dịch Covid-19.

Nhiều quốc gia cũng đã triển khai và mở rộng các chương trình hỗ trợ xã hội cho các gia đình bị mất thu nhập, trong đó hơn 80 nước cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em và gia đình các em. Đơn cử như Bolivia, quốc gia Nam Mỹ này đã triển khai chương trình Bono Familia để hỗ trợ các gia đình thu nhập thấp có con em không được hưởng các bữa ăn dinh dưỡng tại trường học trong thời gian cách ly.  Chính phủ Đức cũng tạo điều kiện để những gia đình mất thu nhập do dịch bệnh có thể dễ dàng tiếp cận khoản trợ cấp dành cho trẻ em. Kể từ khi các trường học trên khắp cả nước đóng cửa vào tháng 3, Chính phủ Anh đã triển khai chiến lược phiếu ăn quốc gia nhằm đảm bảo những bữa ăn dinh dưỡng cho 1,3 triệu học sinh.

Tin cùng chuyên mục