Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), việc kết hợp sử dụng đúng mức và chia nhỏ các vấn đề cần AI giải quyết có thể cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng của AI tới 90% mà không làm giảm hiệu suất. Giám đốc điều hành OpenAI, ông Sam Altman, gần đây đã tiết lộ rằng mỗi yêu cầu được gửi đến ứng dụng AI trên ChatGPT tiêu thụ trung bình 0,34Wh điện, gấp từ 10 đến 70 lần một tìm kiếm trên Google.
Mỗi ngày, ChatGPT nhận được khoảng một tỷ yêu cầu, tương đương với 310GWh điện mỗi năm, bằng mức tiêu thụ điện hàng năm của 3 triệu người ở Ethiopia. Hơn nữa, UNESCO tính toán nhu cầu năng lượng của AI đang tăng gấp đôi sau mỗi 100 ngày khi các công cụ AI tạo sinh được tích hợp vào cuộc sống hàng ngày.
UNESCO cảnh báo sự tăng trưởng theo cấp số nhân về nhu cầu để chạy các mô hình AI đang gây áp lực ngày càng lớn lên các hệ thống năng lượng toàn cầu, tài nguyên nước và các khoáng sản quan trọng, làm dấy lên lo ngại về tính bền vững môi trường.

Nhiều mô hình AI, như ChatGPT, là các mô hình đa năng được thiết kế để phản hồi về nhiều chủ đề khác nhau, nghĩa là nó phải sàng lọc một khối lượng thông tin khổng lồ để xây dựng và đánh giá các phản hồi. Việc sử dụng các mô hình AI nhỏ hơn, chuyên biệt hơn giúp giảm đáng kể lượng điện cần thiết để tạo ra phản hồi. Việc cắt giảm độ dài các câu hỏi từ 300 từ xuống còn 150 từ cũng vậy.
Nhận thức được vấn đề năng lượng, các gã khổng lồ công nghệ hiện nay đều cung cấp các phiên bản thu nhỏ của AI với ít tham số hơn. Ví dụ, Google có Gemma, Microsoft có Phi-3 và OpenAI có GPT-4o mini. Các công ty AI của Pháp cũng đã làm tương tự, chẳng hạn như Mistral AI đã giới thiệu mô hình Ministral.
Bên cạnh đó, việc tập trung đầu tư phát triển lưới điện cũng được nhiều công ty quan tâm. Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố khoản đầu tư 92 tỷ USD từ các công ty tư nhân vào lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng dữ liệu. Cụ thể, một số công ty sẽ đầu tư 36 tỷ USD vào các dự án trung tâm dữ liệu và 56 tỷ USD vào các cơ sở sản xuất điện.
Ngành công nghệ tại Mỹ đã và đang dồn hết sức lực vào việc phát triển AI tạo sinh, nhưng lo ngại rằng cơ sở hạ tầng hiện có sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện khổng lồ từ AI. Chính quyền Tổng thống Donald Trump ước tính đến năm 2028, nhu cầu điện năng của các công ty công nghệ dành cho AI sẽ tương đương với nhu cầu của 5 triệu hộ gia đình.
Ngoài ra, “Khuyến nghị về đạo đức của trí tuệ nhân tạo” của UNESCO được 194 quốc gia thành viên nhất trí thông qua vào tháng 11-2021, cũng bao gồm một chương dành riêng cho tác động môi trường của AI. Báo cáo mới của UNESCO kêu gọi các chính phủ và doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển AI hiệu quả hơn, có đạo đức và dễ tiếp cận hơn, cũng như giáo dục người dùng để họ nhận thức được sự cần thiết phải tiết kiệm năng lượng từ các hoạt động tương tác với AI nói riêng và kỹ thuật số nói chung.