Triển vọng kinh tế toàn cầu: Tích cực và thận trọng

Ngày 15-7, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) công bố báo cáo mới nhất cho thấy thương mại hàng hóa toàn cầu trong quý 1-2025 đã phục hồi mạnh mẽ, vượt xa kỳ vọng ban đầu. Cùng ngày, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng bày tỏ sự lạc quan về đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong nửa cuối năm 2025, dù vẫn còn những bất ổn từ thương mại và địa chính trị.

Thương mại hàng hóa tăng mạnh

Theo số liệu của WTO, trong quý 1-2025, khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu tăng 3,6% so với quý 4-2024 và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ Bắc Mỹ, nơi các doanh nghiệp tăng mạnh hoạt động nhập khẩu trước khi Mỹ áp đặt các mức thuế mới đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và một số đối tác khác. Riêng nhập khẩu của Mỹ trong quý này đã tăng tới 25% so với cùng kỳ.

Q12c.jpg
Container hàng hóa tại cảng Thiên Tân ở Thiên Tân, miền Bắc Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Trong báo cáo “Triển vọng và Thống kê thương mại toàn cầu” công bố tháng 4-2025, WTO từng dự báo khối lượng thương mại hàng hóa thế giới có thể giảm 0,2% trong năm nay - mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2020. Tuy nhiên, với đà phục hồi mạnh ngoài dự đoán trong quý 1, tổ chức này hiện điều chỉnh dự báo, cho rằng thương mại hàng hóa toàn cầu có thể đạt mức tăng nhẹ 0,1% trong năm 2025.

WTO đồng thời cảnh báo các dấu hiệu cho thấy hoạt động nhập khẩu đang có xu hướng chững lại trong quý 2-2025. Trong quý 1-2025, nhập khẩu của Mỹ tăng tới 25% so với cùng kỳ, song mức tăng này đã giảm mạnh, chỉ còn 1% trong 2 tháng đầu quý 2-2025. WTO chỉ rõ, nếu Mỹ áp đặt “thuế đáp trả” hoặc rủi ro từ bất ổn chính sách thương mại lan rộng, thương mại thế giới năm 2025 có thể sụt giảm đến 1,5% so với dự báo.

Đề cao tính minh bạch

Trong báo cáo tháng của OPEC, tổ chức này giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2025 và 2026 sau khi điều chỉnh giảm nhẹ hồi tháng 4. Theo đó, các nền kinh tế lớn như Ấn Độ, Trung Quốc và Brazil đang tăng trưởng vượt kỳ vọng. Mỹ và khu vực Eurozone cũng đang phục hồi so với năm 2024. Với triển vọng như vậy, OPEC đánh giá đà tăng trưởng của kinh tế thế giới trong nửa cuối năm 2025 có thể sẽ tốt hơn dự báo trước đó.

Tháng 6-2025, sản lượng khai thác của OPEC+ (gồm 12 thành viên OPEC và các đồng minh như Nga) đạt 41,56 triệu thùng/ngày, tăng 349.000 thùng/ngày so với tháng 5. Mức tăng này tuy chưa đạt mục tiêu 411.000 thùng/ngày theo kế hoạch nâng sản lượng, nhưng vẫn cho thấy nỗ lực của liên minh nhằm giành lại thị phần sau thời gian dài cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá.

Trong trung hạn, đến năm 2030, nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến đạt 113,3 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, OPEC cũng lưu ý trong giai đoạn 4 năm tới, nhu cầu dầu có thể giảm tại Trung Quốc - nền kinh tế đang trong quá trình chuyển dịch sang năng lượng tái tạo và điện khí hóa phương tiện giao thông.

Sự hồi phục thương mại và kỳ vọng tăng trưởng tiêu dùng năng lượng toàn cầu là những dấu hiệu tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn đối mặt với nhiều bất định. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, biến động giá cả và xu hướng chuyển đổi năng lượng có thể tác động lớn đến cả cung và cầu toàn cầu trong nửa cuối năm.

Theo các chuyên gia của Bloomberg Economics, việc Mỹ áp thuế mới có thể kích thích nhu cầu tạm thời nhưng gây tác động tiêu cực về dài hạn. Các doanh nghiệp sẽ cần tái cấu trúc chuỗi cung ứng và chi phí sẽ tăng. Cả WTO và OPEC đều kêu gọi các nước duy trì chính sách thương mại và năng lượng minh bạch, tránh các cú sốc chính sách gây gián đoạn thị trường.

Tin cùng chuyên mục