Bài 1: Bán non, hái trái xanh: Thiệt cả đôi đường
Tây Nguyên là vùng nguyên liệu cà phê xuất khẩu lớn nhất nước ta với diện tích hơn 500.000ha. Trong những năm qua, cây cà phê đã góp phần đưa đời sống người dân nơi đây vượt qua nghèo khó, vươn lên làm giàu và từ đó đã góp phần thay đổi bộ mặt Tây Nguyên. Thế nhưng, ngành sản xuất cà phê Tây Nguyên vẫn chưa phát triển bền vững vì còn nhiều vấn nạn khó chữa.
Cứ đến mùa thu hoạch cà phê là Tây Nguyên phải đối mặt với vấn nạn bán non, thu hái cà phê xanh của nhà nông. Thói quen này làm giảm chất lượng cà phê, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê và thương hiệu cà phê của nước ta. Thế nhưng, hiện các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục vấn nạn này.
Nhà nông và doanh nghiệp đều thiệt…
Có mặt trên những mảnh vườn cà phê Tây Nguyên vào cuối năm 2010, chúng tôi chứng kiến cảnh nhà nông thu hái cả những quả cà phê chín lẫn cà phê xanh. Dọc tuyến quốc lộ 14 đi từ Đắc Nông tới Kon Tum, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp những cảnh tượng như thế. Thậm chí, có những mảnh vườn cà phê được nhà nông bán non cho thương lái và bị “tuốt sạch” không kể cà phê đã chín hay chưa…
Mấy ngày trước, do thiếu tiền gửi cho con đang học đại học ở TPHCM và để trừ tiền mua phân bón, chị Nguyễn Thị Vân (ở xã Đắk Sắc, huyện Đắk Min, Đắk Nông) đã bán non cả rẫy cà phê cho thương lái. Gia đình chị Vân đã gắn bó với cà phê hơn 10 năm qua nên rất chú trọng đến các khâu chăm sóc vườn cây. Vì vậy, năng suất khá cao, thường đạt 15 - 16 tấn tươi/ha. Mỗi vụ thu hoạch, rẫy cà phê của chị thường đem về 45 - 48 tấn tươi, tương đương với 10 - 11 tấn nhân/năm. Nhưng do phải bán non, người mua cho rằng năng suất rẫy của chị chỉ đạt 13 - 14 tấn/ha, ra giá 4.400 đồng/kg tươi, sau khi khấu trừ chi phí, họ trả chị 580 triệu đồng, ứng trước 400 triệu đồng.
Cũng như hoàn cảnh của chị Vân, vợ chồng anh Trần Thanh Hùng ở xã Ea Nam (huyện Ea H’leo, Đắc Lắc) trồng được hơn 2ha cà phê đang cho thu hoạch năm thứ tư. Cách đó mấy hôm, anh chị phải bán non 1,5ha cà phê để lấy tiền cho 3 con ăn học. Giá cà phê đã thấp lại phải bán non vườn cà phê chưa đến ngày thu hoạch, đó là “thảm cảnh” với không ít người trồng cà phê ở Tây Nguyên, nhất là với những hộ nông dân nghèo, ít vốn.
Ngoài vấn nạn “bán non”, người trồng cà phê Tây Nguyên còn có thói quen thu hái cà phê xanh và đó là nguyên nhân chính làm giảm chất lượng cà phê nước ta. Với tâm lý lo sợ nạn trộm cà phê và đồng thời muốn giảm chi phí công hái, rất nhiều chủ vườn cà phê đã cho “tuốt sạch” một lần cả quả chín lẫn quả xanh - có vườn, lượng quả xanh chiếm đến 60%-70% sản lượng thu hoạch. Anh Cao Thế Thành (ở xã Quảng Tiến, huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk) phân trần: “Chúng tôi cũng biết rằng thu hái cà phê xanh sẽ làm giảm chất lượng quả, nhưng không thế thì mất nhiều thời gian để thu hái và còn bị trộm tuốt sạch cả cành”.
Cũng có một thực tế, nông dân vẫn thu hái cà phê xanh vì đợi chín cũng chẳng được lợi hơn. Ông Nguyễn Văn Nam (chủ trang trại cà phê 10ha ở xã Ea Kty, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) tâm sự: “Giá bán cà phê chín cũng đâu có hơn gì cà phê xanh, thà chấp nhận giảm sản lượng còn hơn thuê người canh giữ thêm mấy tháng”.
Giải pháp để phát triển bền vững
Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, hái cà phê xanh sẽ làm giảm chất lượng quả vì hương sẽ không thơm, vị sẽ nhạt, nhân không đẹp, không mẩy bóng mà teo tóp và làm giảm sản lượng 10%-15%; khi xuất khẩu sẽ bị khách hàng chê, bị trừ lùi cao (1 tấn mất 50 - 100USD). Hàng năm, cà phê kém chất lượng của Việt Nam bị thải loại trên thị trường chiếm tới gần 80% số lượng bị thải loại của cả thế giới, cho nên tính ra mỗi năm ngành cà phê Việt Nam bị thiệt hại hàng trăm triệu USD. Còn theo tính toán của Bộ NN-PTNT, việc thu hái cà phê xanh sẽ làm ngành cà phê Việt Nam thiệt hại khoảng 100 triệu USD/vụ.
|
Cứ đến vụ thu hoạch cà phê, các tỉnh Tây Nguyên lại ban bố hết công văn này đến chỉ thị khác khuyến cáo người người dân không được hái cà phê xanh và nếu ai vi phạm sẽ bị phạt. Nhà nông cũng biết những khuyến cáo đó, nhưng vì sao họ vẫn cứ hái cà phê xanh? Rất đơn giản, hái cà phê xanh thì đỡ bị mất trộm hơn, giảm được công hái, phơi sấy một lúc, tiết kiệm được chi phí và điều quan trọng nhất là vẫn bán được, vẫn có người mua, tuy giá có thấp hơn chút ít, nhưng lại lợi ở nhiều khâu khác... Vì thế cứ tuốt quả xanh đưa về nhà cho chắc, “xanh nhà hơn già đồng”.
Ông Nguyễn Văn Sinh cho rằng, sẽ rất khó nếu chỉ đưa ra những khuyến cáo để người dân không còn bán non và thu hái cà phê xanh. Để phát triển bền vững, ngành sản xuất cà phê ở Tây Nguyên, trước hết chúng ta phải tổ chức lại để các nông hộ sản xuất cà phê đơn lẻ hiện nay đứng vào một tổ chức, từ đó thống nhất được một cách làm (80% sản lượng cà phê Việt Nam hiện nay là do các hộ sản xuất tạo ra). Sau đó, áp dụng tiêu chuẩn 4193-2005 vào xuất khẩu, người sản xuất không bảo đảm tiêu chuẩn đó sẽ không bán được hàng. Đó mới là giải pháp quan trọng để ngăn chặn vấn nạn bán non, thu hái cà phê xanh của người dân Tây Nguyên.
CÔNG HOAN
Bài 2: Thiếu nước tưới, nguy cơ cận kề
Cứ đến mùa khô, Tây Nguyên lại thiếu nước tưới cà phê, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm sản lượng và chất lượng cà phê vùng này trong thời gian qua.
Tây Nguyên... khát!
Mới bước vào những ngày đầu mùa khô, nhưng dường như Tây Nguyên nóng hơn, khô khốc hơn và nguồn nước tưới cho cà phê bắt đầu cạn sớm hơn những năm trước. Tại Đắc Lắc, nhiều hộ trồng cà phê tại các huyện, thị như: Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, Cư M’gar, Krông Búc, Ea H’leo… đang tất bật tưới nước cho cây cà phê.
Ông Trần Văn Diên (ở phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột) lo lắng: “Năm ngoái, giếng khoan nhà tôi tưới cho vườn cà phê đến đợt 3 mới cạn. Bây giờ mới tưới được nửa vườn nhưng nước trong giếng chỉ còn khoảng 4m. Nếu trời không mưa, 2 đợt tưới còn lại không biết lấy nước ở đâu”. Ngoài các giếng khoan, nguồn nước tưới cà phê của khối 8 và khối 9 phường Tân Lợi chỉ trông mong vào 3 hồ thủy lợi cạnh nhà ông Trần Hữu. Vậy mà 3 hồ này cũng đang cạn dần trong khi người dân mới tưới được nửa diện tích cà phê của khối. “Năm ngoái, 3 hồ này tưới đủ cho 65ha của khối 8 và khối 9. Bây giờ mới tưới được hơn 30ha mà sắp cạn nước rồi” - ông Hữu trăn trở.
Chi cục Thủy lợi Đắc Lắc cho biết, công trình thủy lợi của tỉnh chỉ đáp ứng tưới khoảng 36.000ha cà phê, hơn 150.000ha cà phê còn lại được người dân tưới từ các giếng khoan, suối và hồ đập nhân tạo. Vì thế, năm nào tỉnh cũng thiếu nước tưới cà phê vào mùa khô.
Ở Gia Lai, người dân các huyện: Ia Grai, Chư Pah, Đắc Đoa, Chư Sê, Chư Prông, Đức Cơ… cũng đang thiếu nước tưới cho cây cà phê. Toàn tỉnh có 279 công trình thủy lợi lớn nhỏ với tổng công suất tưới tiêu khoảng 40.000ha cây trồng. Nhưng đến thời điểm này, mực nước hầu hết các hồ chứa trên địa bàn tỉnh còn lại rất ít, thậm chí nhiều hồ đã… trơ đáy! Đến nay, trên 3.000ha cà phê không còn khả năng có nước tưới.
Anh Trần Văn Vũ (xã Ia Sao, huyện Ia Grai) tâm sự: “Năm nay, thời tiết nắng nóng nên gia đình phải tranh thủ tưới sớm cho cây cà phê kịp nở hoa. Nhưng tôi thấy, mực nước ở suối năm nay thấp hơn khoảng 20-25cm so với mọi năm. Với tình trạng này khả năng thiếu nước tưới cho cà phê rất cao”. Ông Nê Y Kiên, Phó Trưởng phòng NN - PTNT huyện Chư Pah, cho biết: “Trên địa bàn huyện có gần 7.000ha cà phê, việc tưới cho cà phê chủ yếu dựa vào nguồn nước từ các ao, hồ, suối và giếng. Trên địa bàn huyện chưa bao giờ xảy ra tình trạng thiếu nước tưới. Nhưng năm nay tại 2 xã Ia Nhin, Ia Ka mới đầu vụ đã thiếu nước, nước tại các giếng bị khô cạn”.
Ở các tỉnh Đắc Nông, Lâm Đồng và Kon Tum, người trồng cà phê hiện cũng gặp cảnh tương tự. Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNN tỉnh Đắc Nông, cho biết: “Hiện nguồn nước trên địa bàn tỉnh đang cạn nhanh. Nếu trong vòng 1 tháng nữa không có mưa, hơn 10.000ha cà phê của các huyện Đắc Min, Cư Jút không có nước tưới”.
Nước ít, tưới nhiều
Lượng mưa ngày càng ít, trong khi những cánh rừng đầu nguồn Tây Nguyên đang bị đốn hạ để làm nương rẫy (trong đó phần lớn để trồng cà phê) cũng là nguyên nhân làm cho các sông, suối, hồ, đập… sớm cạn kiệt nguồn nước. Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm 5 tỉnh Tây Nguyên, từ năm 2000 đến nay, diện tích rừng của vùng đã giảm hơn 30%. Nếu không giữ được những cánh rừng đầu nguồn và tiết kiệm nguồn nước tưới, trong những năm tới Tây Nguyên sẽ tiếp tục đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới cho các loại cây công nghiệp. |
Những năm trở lại đây, năm nào các tỉnh Tây Nguyên cũng thiếu nước tưới vào mùa khô và đây là một trong những nguyên nhân làm giảm sản lượng cà phê của vùng. Niên vụ 2010-2011, ước tính sản lượng cà phê Tây Nguyên giảm khoảng 15% so với niên vụ trước và nguyên nhân chính cũng do hạn hán.
Theo khảo sát của Đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước 704 (trụ sở tại TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc) vào cuối năm 2010, nguồn nước ngầm của Tây Nguyên hiện đã giảm sút nghiêm trọng.
Trưởng đoàn Lê Ngọc Đỉnh, cho biết: “Trước đây giếng khoan ở nhiều điểm thuộc khu vực Tây Nguyên đạt công suất 600.000m³/ngày, nhưng nay chỉ còn khoảng 400.000m³/ngày. So với năm 2006, mực nước ngầm trong khu vực đã sụt xuống khoảng 3 - 5m. Với độ sâu 30m, giếng khoan của nông dân trước đây có thể cung cấp đủ nước tưới 2 - 3ha cà phê, nhưng nay lượng nước không đủ tưới cho 1ha. Nguồn nước ngầm giảm sút chủ yếu do lượng mưa hàng năm ít dần, diện tích rừng ngày càng thu hẹp, nhà nông tưới tiêu lãng phí nước…”.
Hiện người trồng cà phê ở Tây Nguyên vẫn có thói quen tưới 5 lần trong một mùa khô, khối lượng nước cho mỗi lần lên tới 600-700 lít/gốc. Với thói quen này, lượng nước tưới gây lãng phí lên tới 300-400 lít/gốc. Theo quy trình tưới nước tiết kiệm cho cây cà phê do Viện KH-KT nông lâm nghiệp Tây Nguyên đưa ra và khuyến cáo nên áp dụng, đối với cà phê trồng mới, trong năm đầu chỉ cần tưới 120 lít nước/gốc/lần, chu kỳ tưới 20-22 ngày và 2 năm tiếp theo, nâng gấp đôi lượng nước tưới với chu kỳ 22-25 ngày. Đối với cà phê thời kỳ kinh doanh, lượng nước tưới mới cần khoảng 500 lít/gốc/lần.
Một vấn đề quan trọng là phải xác định đúng thời điểm tưới nước đầu vụ để bố trí lịch tưới thích hợp. Tưới nước sớm quá sẽ làm đảo lộn chu kỳ sinh trưởng khiến việc ra hoa, đậu quả thấp; tưới quá muộn khiến cây cà phê không phục hồi được để phát triển bình thường. Cũng theo các nhà khoa học, điều kiện để cây cà phê phát triển tốt, cho năng suất cao là cần trồng các loại cây che bóng chắn gió và che nắng, vì vậy họ luôn khuyến cáo người trồng cà phê phải trồng thêm cây lấy bóng mát.
Công Hoan
Cà phê Buôn Ma Thuột: Lịch sử và thương hiệu
Cây cà phê đã có mặt trên mảnh đất cao nguyên Buôn Ma Thuột hơn 100 năm. Ngày nay, không những ai cũng biết tới thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột mà còn trở thành nguồn cảm hứng của thi ca, nhạc họa…
Cây cà phê du nhập vào Việt Nam khá sớm (từ năm 1857) thông qua một số linh mục thừa sai người Pháp. Nhưng mãi tới những năm đầu thế kỷ XX, người ta mới bắt đầu khai thác vùng đất màu mỡ Tây Nguyên để trồng cà phê. Các nhà thám hiểm như: bác sĩ Yersin, giám mục Cassaigne, linh mục Pierre dourisboure... đều nhận định đây là vùng đất tốt nhất thế giới để mở các đồn điền trồng cây công nghiệp. Vì thế, ngày 2-11-1901, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định về “Quyền bảo hộ và khai thác Tây Nguyên”, mở đường cho tư bản Pháp vào lập đồn điền.
Đến những năm 1912-1914, cây cà phê chè mới thực sự ghi dấu ấn tại Buôn Ma Thuột. Cây cà phê Buôn Ma Thuột trồng trên vùng đất tốt, khí hậu thích hợp, ở độ cao 400-500m đã cho sản phẩm tuyệt vời ngoài sự mong đợi của các công ty Pháp. Vì thế, ngày 12-2-1925, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định về chế độ khai thác kinh tế ở Tây Nguyên, trọng tâm là định ra các nhượng địa để cho tư bản Pháp vào đầu tư. Ngay sau đó, có thêm 26 đồn điền được thành lập ở khu vực Buôn Ma Thuột với tổng diện tích khai thác lên đến 200.000ha.
Theo ông Lê Anh Tuấn (Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Giám định cà phê và hàng hóa xuất nhập khẩu - Cafecontrol), có thể dựa vào 2 chỉ tiêu là kích cỡ và thử nếm để phân biệt. Hạt cà phê Buôn Ma Thuột có kích cỡ tương đối lớn và mùi thơm có cường độ mạnh hơn cà phê các nơi khác. Nếu so sánh theo phương pháp cho điểm tính trên 3 chỉ tiêu (hương vị, thể chất, mùi và độ acid), cà phê Buôn Hồ - Đắc Lắc 12 điểm, cà phê Di Linh - Lâm Đồng 9 điểm, cà phê Ia Sao - Gia Lai 8 điểm và cà phê Xuân Lộc - Đồng Nai 6 điểm.
Tất nhiên, để thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước, ông Đoàn Triệu Nhạn (chuyên gia cao cấp Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam), cho biết, trước hết, cần xây dựng và công bố một quy chế cấp chứng chỉ cà phê Buôn Ma Thuột. Cà phê được “dán tem” Buôn Ma Thuột là thứ cà phê được sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt thực hành nông nghiệp tốt (GAP), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), quản lý bệnh tổng hợp (IPM), thực hành thu hái chế biến tốt (GMP) và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu làm tốt điều này, trong một tương lai không xa, Đắc Lắc sẽ có nhiều sản phẩm cà phê hảo hạng có mặt trên thế giới.
Trần Công