Do nhu cầu đi lại nên ở những huyện nghèo của tỉnh Gia Lai như Kbang, Kông Chro, Krông Pa, từ lâu đã hình thành những bến đò ngang đưa người và hàng hóa qua sông. Mặc cho những rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào, tại các bến đò này, người dân hầu như không cần biết đến các biện pháp an toàn nào để bảo vệ mình, trong khi chủ phương tiện cũng làm ngơ trước những quy định của nhà nước.
Hiểm họa trên sông
Có mặt tại bến đò ngang làng Lợk, từ xã Nghĩa An qua xã Đăk Hlơ (huyện Kbang), chúng tôi mới thấu hiểu được nỗi khổ của người dân nơi đây. Trên con đò chòng chành, những chiếc xe máy và hàng hóa chen chúc nhau. Bên cạnh đó, gần chục phụ nữ và học sinh ướt đẫm mồ hôi đang nôn nóng, hối thúc chủ đò nhổ neo. Trên đò, những chiếc áo phao còn mới tinh, thế nhưng không một ai mặc chúng vào người.
Gia Lai đã bước vào mùa khô, nhưng do ảnh hưởng của cơn bão số 10 và 11, nên con sông Ba cuồn cuộn, đục ngầu. Con đò nhỏ vật vờ, chòng chành tưởng như bị dòng nước nuốt chửng vào lòng. Chứng kiến hình ảnh này, chúng tôi không khỏi rùng mình, lo sợ. Thế nhưng, với người dân nơi đây, việc hàng ngày qua lại trên con đò ngang này đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”, bởi họ không còn một sự lựa chọn nào khác.
Chị Đinh Lyun, người dân tộc Ba Na sống ở làng Lợk (xã Nghĩa An, huyện Kbang), tâm sự: “Mỗi ngày mình qua lại trên bến đò này ít nhất cũng vài lần. Lên rẫy, đi chợ, đưa con nhỏ đến trường, tất cả đều phải qua đò. Mỗi lần đi về hết khoảng 2.000 đồng, ngày nào đi nhiều cũng mất cả 10.000 đồng. Với số tiền này mình có thể dùng mua mắm, muối dùng trong vài ngày. Mình và bà con trong làng lo sợ nhất là những ngày trời mưa, nước lớn, con đò rất nguy hiểm. Không biết tai nạn sẽ xảy đến lúc nào”.
Tình cảnh tương tự cũng xảy ra với người dân ở xã An Trung (huyện Kông Chro). Nhiều năm qua, người dân nơi đây dường như đã quen mắt với những con đò qua lại trên dòng sông Ba. Do phần đông dân cư nằm phía Đông của dòng sông nên việc đi lại, hay giao thương của người dân nơi đây đều phải qua đò ngang. Vì thế, để thuận tiện cho việc đi lại, nhiều hộ dân đã có “sáng kiến” đóng những chiếc đò nhỏ bằng tôn, thậm chí là lấy cả thùng phuy đập dẹp, dùng cây sào chống qua sông. Việc đi lại của người dân ở vùng đất nghèo này chủ yếu phụ thuộc vào đò, bè. Cứ như vậy, mùa mưa hay nắng, nước lớn hay nhỏ, người dân vẫn ngày ngày chòng chành trên những chiếc thuyền tự chế vượt dòng sông Ba.
Khu vực ven sông Ba thuộc các xã Ia Kdăm, Ia Trôk, Ia Ma Rơn (huyện Ia Pa), ở các bến sông có nhiều đò tư nhân hoạt động. Đây là bến đò tự phát nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân 3 xã ven sông. Những chiếc đò này hoạt động từ 5 giờ sáng tới 21 giờ đêm. Vì lượng khách đi lại nhiều nên ở các bến đò này lúc nào cũng tấp nập người lên xuống. Cứ mỗi lượt qua sông 2.000 đồng đến 4.000 đồng (cả xe đạp hoặc xe máy). Trung bình một chuyến trên dưới 10 người không kể xe đạp, xe máy và hàng hóa đi kèm, thế nhưng hầu như người đi đường không hề có áo phao hay các phương tiện bảo hộ nào khác.
Mơ ước những cây cầu
Nhiều năm nay, các thế hệ học sinh xã Ia Rmok (huyện Krông Pa) phải đến trường trên những chuyến đò ngang mong manh, có rất ít phao cứu sinh và phương tiện cứu hộ. Do con sông Ba chảy qua, chia vùng đất khô khát này thành 2 vùng rõ rệt nên hầu hết các hoạt động thường ngày của người dân như đến trường, lên rẫy... đều phải trong cảnh “qua sông... lụy đò”.
Cầu Bung, cây cầu duy nhất nối liền 2 bờ sông đã bị sập, do bị rút ruột công trình. Mặc dù địa phương đã đầu tư xây dựng cầu mới nhằm giúp việc lưu thông của người dân được thuận lợi hơn nhưng nhiều năm đã trôi qua, cây cầu trong mơ vẫn chưa hoàn thành. Nếu muốn qua thị trấn Phú Túc (huyện lỵ của huyện Krông Pa), thay vì chỉ tốn vài ba chục phút nếu có cầu, họ phải vượt quãng đường vòng trên dưới 50km.
Còn tại khu vực các xã Ia Kđăm, Chư Mố, Ia Broăi, Ia Tul (thuộc huyện nghèo Ia Pa), đã vài chục năm qua, mơ ước về một cây cầu thông thương qua sông Ba luôn là nỗi day dứt khôn nguôi. Nếu có cây cầu, từ các xã này về trung tâm huyện Ia Pa chỉ mất khoảng 15 phút nhưng bao năm qua, người dân phải đi về thị xã Ayun Pa, rồi lặn lội quãng đường xa cả tiếng đồng hồ, mới về đến huyện để ký giấy tờ, giải quyết công việc. Đó là chưa kể lúc bão lụt, hầu như việc đi lại, mua bán với vùng huyện lỵ bị cắt đứt hoàn toàn, do nước sông Ba dâng cao.
Với mục tiêu giúp người dân các xã vùng sâu đi lại, vận chuyển, lưu thông hàng hóa với trung tâm huyện, năm 2011, dự án cầu bắc qua sông Ba được khởi công, trong niềm vui khôn tả của nhân dân vùng phía Bắc huyện Ia Pa, với hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nhưng, tiến độ xây dựng cây cầu mơ ước này hiện quá chậm so với kế hoạch đề ra, khiến nhân dân trong vùng đi lại rất khó khăn, nhất là trong mùa mưa bão.
Theo thiết kế, tại vị trí đầu thị trấn Ia Pa, phía bên kia là xã Ia Kđăm (huyện Ia Pa), cầu bắc qua sông Ba có quy mô xây dựng vĩnh cửu, bề rộng 8m, chiều dài 317,50m tính từ đuôi mố cầu; mặt đường bê tông nhựa 6m, nền rộng 9m. Tính cả đường dẫn lên hai đầu cầu, tổng chiều dài toàn tuyến là gần 1,4km, tổng trị giá dự toán xây dựng cây cầu xấp xỉ 50 tỷ đồng, từ nguồn vốn JICA (Nhật Bản) và vốn đối ứng của tỉnh. Công trình do Ban quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng chuyên ngành giao thông (Sở GT-VT tỉnh Gia Lai) làm chủ đầu tư, nhà thầu thi công là Công ty cổ phần Xây dựng công trình 510. Theo giao kết, công trình sẽ được đưa vào sử dụng vào tháng 10-2012, nhưng đến nay, công trình vẫn chưa hoàn thành, sứ mệnh “nối những bờ vui” chưa biết đến khi nào mới thành hiện thực.
Ông Nguyễn Ngọc Phú, một lão nông ở xã Ia Kđăm (huyện Ia Pa), than: “Đầu năm 2011, bà con chúng tôi chứng kiến lễ khởi công cây cầu thì mừng lắm, mừng vì sẽ có ngày chấm dứt cảnh đò giang cách trở. Nhưng rất buồn vì đã lâu rồi, cây cầu thi công mãi chưa xong. Mùa mưa bão năm 2013 đã xảy ra cảnh lụt lội, chia cắt; nếu cuối năm nay hoặc những năm tới mà cầu vẫn chưa thi công xong, chắc chắn bà con nông dân chúng tôi vẫn khổ dài dài...”.
ĐỨC TRUNG