Mặc dù một khu tái định cư đã được khởi công xây dựng… nhưng vì thiếu vốn nên phải tạm ngưng. Trong khi đó, một số hạng mục của dự án triển khai từ 6 năm qua đã hư hỏng, xuống cấp.
Dự án “rùa bò”
Tháng 3-2009, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Dự án xây dựng làng định canh định cư (ĐCĐC) cho đồng bào dân tộc tại xã Châu Thành (huyện Quỳ Hợp). Dự án triển khai tại khu vực bản Piềng Luống với diện tích 75,44ha để đưa 50 hộ dân vùng sạt lở, thiên tai đến ĐCĐC. Công trình có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 14 tỷ đồng và đến tháng 5-2010 tăng lên gần 19 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua 6 năm kể từ khi dự án được phê duyệt, người dân vẫn phải sống trong cảnh “đi cũng dở ở không xong”.
Khảo sát địa điểm triển khai dự án, chúng tôi nhận thấy về cơ bản mặt bằng khu ĐCĐC đã hoàn thành, đường vào khu vực ĐCĐC được đổ bê tông, hệ thống điện cũng đã kéo đến nơi… Tuy nhiên, do tạm dừng thi công đã lâu nên một số hạng mục như bể chứa nước, đường giao thông nội bộ đã xuống cấp. Hơn nữa có việc khá bất hợp lý, đó là địa điểm xây dựng khu ĐCĐC Piềng Luống chỉ cách trung tâm xã Châu Thành chưa đầy 1km và ở trung tâm xã đã có trường mầm non, trường tiểu học. Thế nhưng, không hiểu sao trong dự án ĐCĐC Piềng Luống, người ta cũng “vẽ” thêm vào đó các hạng mục: trường mầm non với diện tích 182m2, trường tiểu học 182m2, nhà ở giáo viên 144m2… góp phần dẫn đến việc tăng vốn đầu tư và nay thiếu kinh phí thi công.
Dự án định canh định cư Piềng Luống đang giậm chân tại chỗ do thiếu vốn
“Điệp khúc” thiếu vốn
Ông Hà Đăng Ninh, Chủ tịch UBND xã Châu Thành, cho biết: “Dự án ĐCĐC Piềng Luống do UBND huyện làm chủ đầu tư, còn nhiệm vụ của xã chỉ là lựa chọn địa điểm, giải phóng mặt bằng và rà soát, lựa chọn các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, nằm trong vùng bị sạt lở để đưa đến nơi ở mới”. Ông Ninh cũng thừa nhận việc xây dựng trường mầm non, tiểu học và nhà ở giáo viên tại đây không cần thiết, vì ở ngay trung tâm xã đã có đầy đủ các công trình này rồi. Mặt khác, số lượng học sinh ngày càng ít dần nên xã đang có hướng sáp nhập các điểm trường lẻ về một nơi. Vì những lý do đó, việc “vẽ” ra thêm các hạng mục này vào dự án đã gây tốn kém không cần thiết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Doãn, Trưởng phòng Dân tộc thuộc UBND huyện Quỳ Hợp (đơn vị quản lý dự án) cho biết, nguyên nhân đến nay dự án chưa hoàn thành là do thiếu vốn. Tính đến năm 2013, số vốn được cấp cho dự án mới được 7,038 tỷ đồng (đạt 37,7% so với tổng mức đầu tư), trong đó trung ương hỗ trợ 6,038 tỷ đồng (đạt gần 100%); còn vốn địa phương 12,554 tỷ đồng nhưng mới cấp được… 1 tỷ đồng”. Trước câu hỏi của chúng tôi về việc tại sao đã có trường mầm non, tiểu học gần điểm ĐCĐC nhưng trong thiết kế và quy hoạch vẫn “vẽ” vào, ông Doãn khẳng định không biết, vì quyết định phê duyệt dự án đã có từ trước. Sắp tới, khi có vốn sẽ ưu tiên xây dựng những hạng mục cần thiết trước, các điểm trường sẽ kiến nghị xem xét lại.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, ngoài dự án ĐCĐC Châu Thành (huyện Quỳ Hợp) chậm triển khai vì thiếu vốn, nhiều dự án ĐCĐC khác trên địa bàn tỉnh này cũng đang chịu cảnh tương tự. Đơn cử như các dự án ĐCĐC: Thung Chanh (huyện Anh Sơn), Khe Nóng, Thạch Ngàn (huyện Con Cuông), Cốc Lốc (huyện Kỳ Sơn)…
Duy Cường