(SGGPO).- Sáng nay, 5-3, hai cha con ông Trần Văn Đực và Trần Văn Quang (cùng trú thôn Phú Một, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên)- chủ tàu câu PY 13066- đã bắt được một con cá nhám khổng lồ tại vùng biển gần khu vực Bãi Xép (thuộc phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn).
Theo ông Đực, hai cha con ông đã phát hiện con cá nhám mắc vào lưỡi câu của mình đang giăng tại vùng biển Bãi Xếp khoảng 6 giờ sáng cùng ngày. Khi bị phát hiện, con cá nhám vẫn còn khoẻ mạnh nên hai cha con ông phải gọi thêm các thuyền câu xung quang cùng 7 ngư dân khác đập cho con cá chết rồi mới đưa vào bờ.
Nhiều ngư dân có mặt tại hiện trường cho biết là họ thường xuyên đánh bắt được cá nhám tại vùng biển này nhưng không có con nào to như thế, thường cá chỉ nặng khoảng 60 đến 70 kg. Cũng có người nói rằng đã nhìn thấy con cá khổng lồ này tại vùng biển Bãi Xếp trong mấy ngày qua.
Ngay sau khi bắt được con cá, ngư dân đã gọi điện báo với Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Bình Định, UBND TP Quy Nhơn để chờ nhận thưởng. Tuy nhiên, do các cơ quan nói trên vẫn chưa đưa ra quyết định nào nên các ngư dân bàn nhau đem con cá ra chợ Hàm Tử (thuộc KV 1, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) để bán.
Ông Nguyễn Hữu Hào- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Bình Định- khẳng định, con cá vừa bị bắt được thuộc họ cá nhám, nặng khoảng 500 kg, dài 2,7 m, chu vi 1,7m.
Ông Hào cho rằng: “Con cá vừa bị bắt cũng giống với con cá nhám mà ngư dân Phú Yên đã bắt tại vùng biển thị trấn Sông Cầu trước đây (SGGP đã thông tin). Loại cá này đã được Viện hải dương học Nha Trang khẳng định là không sống gần bờ nên không thể sống thường xuyên ở vùng biển Bãi Xếp và gây ra các vụ cắn người hàng loạt trong thời gian qua. Chu vi vàm họng con cá nhám bị bắt rộng hơn 50 cm trong khi các vết cắn do cá để lại trên người các nạn nhân tại bờ biển Quy Nhơn khoảng chừng 17 cm. Tuy nhiên, việc cá nhám xuất hiện ngày càng nhiều tại vùng biển Quy Nhơn cũng rất cần các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét. Có thể là do vùng biển này bị ô nhiễm, có nhiều đồ ăn hoặc do một sự biến đổi khí hậu nên loài cá này mới vào gần bờ như thế”.
HOÀNG TRỌNG