Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu tôm sú chạm ngưỡng 2 tỷ USD. Đây là con số bất ngờ và thú vị. Bởi, ngay từ cuối năm 2009, khi đưa ra con số dự báo này, không ít người cho là viển vông. Dù tôm đã trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị kim ngạch cao nhất trong ngành thủy sản trong thời gian dài, năm nay chiếm đến 40,7% trong tổng số 4,94 tỷ USD giá trị xuất khẩu USD của ngành thủy sản (năm 2009 là 4,2 tỷ USD), nhưng mấy năm qua, con tôm, đặc biệt là tôm sú, dường như thoái trào. Giá tôm trên thị trường thế giới giảm mạnh, có giai đoạn giá tôm sú còn thấp hơn tôm thẻ chân trắng. Người nuôi bị phá sản không chỉ vì dịch bệnh, môi trường bị ô nhiễm mà còn vì phải bán dưới giá thành.
Ủy ban Tôm của VASEP (Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam) đã có buổi tổng kết một năm đầy thành công của ngành hàng tôm. Chủ tịch VASEP Trần Thiện Hải cho biết, với con số này, kim ngạch xuất khẩu năm nay của con tôm tăng khoảng 20% về giá trị và 15% về số lượng, đặc biệt, giá trị xuất khẩu của con tôm thẻ chân trắng cũng đã qua ngưỡng 500 triệu USD.
Nhu cầu thị trường thế giới bắt đầu quay lại mặt hàng này. Giá tôm xuất khẩu luôn ở mức cao, bình quân 8.530 USD/tấn, cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là điều khá bất ngờ trong bối cảnh nền kinh tế thế giới dù đã hồi phục nhưng còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, theo nhận định của VASEP, nhu cầu tôm trên thị trường thế giới năm 2011 được nhận định là vẫn tốt. Kim ngạch năm 2011 ổn định khoảng 2,1 tỷ USD, phấn đấu đến năm 2015 sẽ là 3 tỷ USD. Dự báo, giá tôm sú tiếp tục tăng thời gian tới do nguồn nguyên liệu này ở khu vực ĐBSCL tiếp tục khan hiếm. Giờ đây, người dân ven biển đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu nuôi lại tôm sú khi mà giá tôm sú đang ở mức giá cao nhất trong 10 năm qua. Kèm theo nhu cầu tăng trở lại, yêu cầu về chất lượng như một rào cản thương mại, ngày càng khắt khe, từ vấn đề dư lượng Chloramphenicol, Malachite green trước đó, giờ đây đến lượt Trifluralin. Nhiều vấn đề cần phải giải quyết về con tôm như nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc, tạp chất… và quan trọng nhất là mối liên kết giữa người nuôi và nhà chế biến xuất khẩu. Điều này phải làm và làm cho được trong thời gian tới. Có như vậy con tôm mới có thể phát triển bền vững.
CÔNG PHIÊN