Bay lên cung trăng cùng... Rod Stewart

Giọng ca có một không hai, khàn đục mà có hấp lực rất mạnh của Rod Stewart đã trở lại đỉnh cao với tuyệt tác bất hủ phi thời gian Fly me to the Moon.
Bay lên cung trăng cùng... Rod Stewart

Giọng ca có một không hai, khàn đục mà có hấp lực rất mạnh của Rod Stewart đã trở lại đỉnh cao với tuyệt tác bất hủ phi thời gian Fly me to the Moon.

Là người yêu thích ca nhạc, chắc bạn thừa biết Fly me to the Moon, một sáng tác của Bart Howart vào năm 1954, đã trở thành một trong những tình ca đầy lạc quan yêu người, yêu đời được nhiều nghệ sĩ trình bày nhất. Không ít danh ca được yêu nhớ mãi cũng vì đã có lần cover ca khúc này, từ Nat King Cole, Johnny Mathis qua Frank Sinatra, Tony Bennett đến Connie Francis, Dinah Washington, Patti Page, Doris Day… Mới năm 2004, boyband Westlife cũng đã ghi âm tuyệt tác này. Rồi còn nữ dương cầm jazz Diana Krall và nữ danh ca Hồng Công Linda Chung… Còn trong thời gian cuối năm 2010 này, bạn nghe Fly me to the Moon với giọng ca đặc biệt của Rod Stewart.

Bay lên cung trăng cùng... Rod Stewart ảnh 2

Album It had to be you và As time goes by

Ca khúc trứ danh này được ghi âm trong album cùng tên vừa mới được Rod Stewart phát hành hồi hạ tuần tháng 10 qua. Có thể chính vì ca khúc không thể nào quên này mà album thứ năm thuộc tuyển tập Great American Songbook (Rod bắt đầu thực hiện từ năm 2002) đã vọt lên hạng tư trên Billboard Top 200 Albums vào tuần cuối tháng 10, chỉ một hạng sau album The Union của Elton John và Leon Russell. Thành tích này khiến Rod rất vui vì năm nay ông đã 65 tuổi và mừng đúng một thập niên thoát khỏi căn bệnh ung thư hiểm nghèo. “Cầu xin thượng đế thương xót cho bạn khi bạn đã 65 tuổi mà vẫn chưa chịu sắp xếp lại cuộc sống của mình” – Rod nói với các nhà báo người Anh từ London bay sang Los Angeles phỏng vấn ông nhân dịp tung album mới.

Rod Stewart (họ tên đầy đủ Roderick David Stewart), con trai út của một thợ xây dựng từng có lúc kiếm sống bằng nghề đào huyệt, đã trở thành ca sĩ lừng danh thế giới trong gần 50 năm với thành tích đã tiêu thụ được hơn 100 triệu đĩa nhạc. Rod đã được lưu danh vào Rock and Roll Hall of Fame từ năm 1994.

Năm 2008, trong danh sách Billboard Top 100 nghệ sĩ xuất sắc mọi thời, Rod Stewart xếp hạng 17, còn trong danh sách Q Top 100 Ca sĩ vĩ đại mọi thời, ông xếp hạng 33. Từ khi hát solo đến nay, Rod đã có tổng cộng sáu album hạng nhất tại Anh; 62 single bán rất chạy (gồm sáu đĩa đơn hạng nhất) ở Anh và 16 single bán chạy ở Mỹ (trong đó có bốn đĩa đơn hạng nhất). Nhờ số đĩa này mà tài sản của Rod nay lên đến 100 triệu bảng Anh.

Về đời tư, Rod có thể khoe rằng ông là chồng cũ, người tình cũ của những siêu mẫu và ngôi sao màn bạc Britt Ekland, Dee Harrington, Bebe Buell, Alana Hamilton, Kelly Emberg, Rachel Hunter…, là bố của bảy người con (sắp có con thứ tám). Một thời nổi tiếng là nam ca sĩ có nhiều vợ và nhiều người tình nhất thế giới – các fan bóng đá Anh nên biết rằng trước khi có WAGs (vợ và người tình) thì đã có SWAGs, viết tắt của “Vợ và những người tình của Stewart” – Rod nay chỉ có một người đẹp trong cuộc sống hằng ngày. Đó là Penny Lancaster, giai nhân người Anh mà ông quen năm 1997 và chọn làm vợ vào năm 2007. Penny sắp làm mẹ lần thứ hai, cho Rod thêm một con trai.

Bay lên cung trăng cùng... Rod Stewart ảnh 3

Album Fly me to the Moon

“Tôi không ngờ mình vẫn còn may mắn có được nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc” – Rod tâm sự. Những người con mà ông đã có với các vợ trước đều đã có cuộc sống tốt hơn khi trưởng thành. Mẹ của họ cũng đều đã làm hòa với nhau và thường xuyên liên lạc thân thiện với người chồng cũ rất nổi tiếng. Gia đình riêng của cặp Rod-Penny sắp dọn về nước Anh sống sau mấy chục năm Rod “lưu lạc” bên Mỹ vì… trốn thuế.

Bỏ học khi mới 15 tuổi, Rod lân la kết thân với các tay đàn, tay trống để rồi đã có lúc là thành viên ca sĩ của nhóm Jeff Beck Group và nhóm Faces. Năm 1969, Rod tung album solo đầu tay An old raincoat won’t let you down (bản phát hành ở Mỹ mang tên The Rod Stewart Album) và nhanh chóng nổi tiếng với giọng ca khan đặc trình bày những bài ca folk pha trộn với rock và country blues. Hai năm sau, album solo thứ hai của Rod, Every picture tells a story, trở thành đĩa nhạc bán rất chạy nhờ có ca khúc luôn chiếm lĩnh các làn sóng radio là Maggie May. Bài này được phát hành cùng single Reason to believe.

Năm 1975, khi đang ở đỉnh cao thành công, Rod sang Mỹ sống, xin nhập quốc tịch Mỹ vì không chịu nổi chính sách tính thuế thu nhập cá nhân của chính quyền London, đẩy mức thuế lên đến 98%. Khi đã yên sống tại Los Angeles, Rod phát hành album Atlantic Crossing mà nay được xem là một “đĩa nhạc classic” của Rod Stewart với những bài khó quên This old heart of mine, I don’t want to talk about it... Ca khúc thành công nhất của album này chính là bài ca buồn ray rứt lòng Sailing của Sutherland Brothers. Nhưng bây giờ ít ai nhớ đến nhóm này, chỉ biết rằng Sailing là một trong những ca khúc trứ danh của Rod Stewart. Còn chàng ca sĩ với mái tóc bù xù dựng ngược này kể rằng: “Sailing là ca khúc duy nhất tôi ghi âm mà trước đó không hề uống ly rượu nào. Ngay cả bây giờ, khi đã lớn tuổi nhưng mỗi lần chuẩn bị bước lên sân khấu tôi đều pha cho mình ly Bacardi với Coca-Cola. Nhưng Sailing được ghi âm ở Muscle Shoals, bang Alabama, một nơi không bán rượu mạnh. Vậy mà Tommy (nhà sản xuất Tommy Dowd mà Rod hợp tác từ khi sang Mỹ sống) đã đánh thức tôi dậy bắt tôi hát bài ấy lúc 10 giờ rưỡi sáng. Nhưng không ngờ, bài ca không có hơi men ấy lại là bài ca thành công nhất của tôi, được nhiều người yêu thích nhất”.

Chắc Rod Stewart không thể ngờ rằng lúc này ông lại chuẩn bị ghi âm những album country và blues. Đã lớn tuổi nhưng Rod vẫn nổi tiếng vì như các đồng nghiệp cùng xuất phát ở Anh, từ Rolling Stones, Elton John đến Phil Collins và Sting, ông không ngại du diễn, không biếng nhác bước ra sân khấu ca nhạc. Kể cả việc nhận làm giám khảo của loạt sô tuyển chọn tài năng ca nhạc The X Factor. “Đáng buồn là ngày nay người ta không còn tạo ra những nghệ sĩ như chúng tôi. Hầu hết tài năng trẻ hôm nay đều lười biếng. Mới gặt hái thành công đã muốn hưởng nhàn, tránh né du diễn, ngại tiếp xúc đám đông. Nhìn quanh, tôi chỉ thấy có vài tài năng trẻ đáng giá, chẳng hạn Beyoncé, Pink và Amy Winehouse. Chính vì vậy mà những nghệ sĩ lớn tuổi càng trở nên thân nhau hơn. Tôi đã bắt liên lạc lại với Elton, thường xuyên trò chuyện với Ronnie (Ronnie Wood của nhóm Rolling Stones) và cũng đã thăm hỏi Plant (Robert Plant, cột trụ nhóm Led Zeppelin rất nổi những năm đầu thập niên 70)”.

Thứ hạng cao nhất các album: Great American Songbook đạt được tại Mỹ:

2002: It had to be you (The Great American Songbook) hạng 4

2003: As time goes by (The Great American Songbook 2) hạng 2

2004: Stardust (The Great American Songbook 3) hạng 1

2005: Thanks for the memory (The Great American Songbook 4) hạng 2

2010: Fly me to the Moon (The Great American Songbook 5) hạng 4

ANH LĨNH

Tin cùng chuyên mục