
Mấy năm vừa qua, đến mùa nước nổi, An Giang đã có từ 150.000 đến 160.000 hộ, tương ứng với khoảng 500.000 lao động tham gia thực hiện Đề án 31 của tỉnh, khai thác lợi thế mùa nước nổi để xóa đói giảm nghèo và làm giàu, tạo ra giá trị khoảng 1.500 đến 1.600 tỷ đồng/năm.
Từ tận dụng lũ - đủ ăn, hết nghèo…
Qua mùa lũ năm 2000, khái niệm “sống chung với lũ” hình thành rõ nét hơn – Muốn sống chung với ai, ta phải hiểu người, hiểu ta. Đó cũng chính yêu cầu xác định quy luật của lũ và biết cách chế ngự nó.

Trong cụm dân cư vượt lũ, người dân còn nuôi lươn trước nhà.
Bước đầu, An Giang đã chi gần 500 tỷ đồng cho 96.750 hộ vay để tôn nền nhà, cất nhà trên cọc vượt lũ. Nhờ đó mà sang mùa lũ năm 2001 chỉ còn 31.975 nhà bị ngập, thế nhưng vẫn còn đến 101 người chết. Vì sao số nhà bị ngập đã giảm nhưng số người chết vẫn còn nhiều?
Thực tế cho thấy tuy nhà không bị ngập nhưng dưới sàn nhà, xung quanh nhà đều là nước, trẻ em lơ đễnh một chút là có thể bị thiệt mạng. Trong khi đó, tại các cụm tuyến dân cư nhà cất trên nền đất, không có trường hợp trẻ em bị chết vì lũ. Cho nên việc xây dựng các cụm tuyến dân cư vượt lũ đã được xem là giải pháp không thể thiếu trên con đường chinh phục lũ ở An Giang.
Dự kiến, toàn tỉnh sẽ xây dựng 203 cụm tuyến dân cư với diện tích 693ha, có thể bố trí 38.500 nền nhà. Tính đến tháng 8-2008, An Giang đã xây được 29.050 căn nhà và đã có 28.100 hộ vào ở trong các cụm tuyến dân cư này.
Tận dụng lũ để xóa đói giảm nghèo, An Giang thực hiện đề án 31, giải quyết việc làm cho dân nghèo mưu sinh trong mùa nước nổi. An Giang có chính sách xét cho hộ nghèo vay vốn thực hiện hàng ngàn dự án nhỏ (được lập từ mỗi ấp, mỗi xã - phường trong tỉnh), với những mô hình nuôi các loại thủy sản như cá, lươn, ếch, ba ba hoặc nuôi bò, nuôi dê…; trồng sen, rau nhút, nấm rơm…; ngành nghề thủ công như đan võng, vót đũa, làm lưỡi câu, đóng xuồng v.v… Nhờ đó đã tạo nên không khí nhộn nhịp khắp các làng quê, không còn cảnh nông dân thất nghiệp nằm nhà… nghe cải lương chờ cứu trợ nữa!
Nhờ có vốn vay, nông dân thực hiện nhiều mô hình nuôi, trồng trong mùa lũ. Nhờ đó, qua mùa nước nổi, hằng năm An Giang đã có gần 5.000 hộ thoát nghèo, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh .
Đến đợi lũ - rủ làm giàu
Ông Nguyễn Phước Nên, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú, khi cùng tôi đi thăm những hộ nuôi cá lóc đã cho biết: “Hồi trước, khi lũ về bà con chỉ biết đánh bắt cá tự nhiên, chỉ cần đánh bắt đủ ăn rồi nằm nhà nghe cải lương chờ nước rút để làm ruộng. Còn bây giờ, đa số hộ đều nuôi cá theo quy mô nhỏ, với chiếc mùng lưới cước, kích thước chiều sâu và chiều rộng 2,5m, chiều dài 5m là có thể thả nuôi 2.000 con cá lóc. Nếu chăm sóc tốt, qua mùa lũ có thể thu lãi trên 5 triệu đồng. Từ đây đặt ra cho chúng tôi suy nghĩ, phải biết tận dụng lợi thế của lũ để giúp người dân thoát nghèo…”. |
Trong mùa lũ năm 2002, An Giang có 248 hộ nuôi tôm càng xanh với diện tích mặt nước trên 270ha, đa số theo mô hình nuôi tôm đăng quần, nuôi trên chân ruộng, nhiều hộ đạt năng suất từ 1-1,5 tấn/ha. Thành công này mở ra cho người dân An Giang một hướng đi mới: “Đợi lũ - rủ làm giàu”.
Mùa lũ năm 2004, nông dân An Giang trúng lớn với 700ha nuôi tôm càng xanh, năng suất bình quân ước tính khoảng 1-1,2 tấn/ha. Những năm tiếp theo, An Giang luôn có khoảng 800 đến 1.000ha nuôi tôm càng xanh và rất nhiều hộ giàu lên nhờ tôm.
Trước đây, trong mùa lũ cư dân đi lại bằng xuồng, bây giờ đường giao thông nông thôn đã được tôn cao, mở rộng, kết hợp làm đê bao chống lũ nên bà con chạy xe thoải mái. Hai bên đường, nhiều căn nhà mới được nâng cao cho bằng mặt đường, nhiều ngôi nhà tường kiên cố, khang trang, vững chắc hình thành những tuyến dân cư . Phía sau những tuyến dân cư là những vùng sản xuất vụ ba, đồng ruộng xanh một màu xanh của lúa, của nếp, của hoa màu các loại… mà hầu như thứ nào cũng trúng giá.
Sau những thành công của mùa lũ năm 2006 và 2007, năm 2008 An Giang đã triển khai 32 mô hình sản xuất mùa nước nổi, trong đó có 8 mô hình chính: Nuôi cá ao hầm 2.166ha, nuôi cá đăng quần 80ha, nuôi cá chân ruộng 1.000ha, nuôi cá lóc trong mùng, vèo 2.600 cái, nuôi cá lồng bè loại nhỏ 2.500 cái, nuôi lươn trong bể đất 15ha, nuôi ếch 15ha, ương giống thủy sản 120ha.
Mai Bửu Minh
Đổi mùa lũ thành mùa vui hội Ở huyện An Phú, mấy mùa lũ vừa qua người dân trong vùng tưng bừng tham gia Liên hoan văn hóa mùa nước nổi. Ngoài các trò chơi dân gian trên bờ, dưới sông còn có đua thuyền sôi nổi, đêm đến những chiếc thuyền hoa nối nhau làm sáng rực cả một đoạn sông… Cụ Trần Văn Ơn trên 80 tuổi, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo ở huyện Chợ Mới đã nói với tôi: “Cách mạng tụi mày tài thiệt, dám bẻ nạng chống trời, vậy mà trời cũng chịu!”. Và giờ đây vào mùa lũ, những con đường giao thông nông thôn, những cụm tuyến dân cư, những chiếc thuyền rực rỡ đèn hoa trên đồng nước… trông giống như những “nốt nhạc” của những chàng “Sơn Tinh An Giang” đã và đang hát vang bài ca trị thủy. |