Bề nổi...

Chưa lúc nào các hãng phim tư nhân hoạt động mạnh mẽ như hiện nay, cũng chưa có lúc nào các đạo diễn Việt kiều trở về nước làm phim đông đảo như hiện nay. Hầu hết những phim được đầu tư bằng nguồn vốn này đều thành công về mặt doanh thu. Điều đó tất nhiên, bởi khi làm phim bằng tiền túi của mình, các hãng tư nhân đã đầu tư rất mạnh cho quảng cáo, đó là chưa kể họ biết nắm bắt và đáp ứng được thị hiếu của công chúng trẻ, đúng hơn là công chúng trẻ ở thành thị, nơi có nhiều rạp chiếu sang trọng. Và đương nhiên đề tài phải là những vấn đề thời thượng.

Do đó ta không ngạc nhiên khi vấn đề đồng tính bỗng trở nên nóng đến thế trong các rạp chiếu phim kể từ khi phim “Để mai tính” bất ngờ đạt doanh thu cao. Thực sự, các hãng tư nhân đã tạo nên những con số doanh thu mà các hãng phim nhà nước nằm mơ cũng không thấy nổi, và lần đầu tiên, cái tiền lệ phim Việt Nam chỉ được có mặt ở những ngày tết đã không còn khi bộ phim “Long ruồi” ra rạp trong những ngày hè và đạt doanh thu 43 tỷ đồng. Nhưng điện ảnh Việt Nam có thực sự khởi sắc từ những con số doanh thu kỷ lục ấy?

Tất cả đó chỉ là bề nổi, bởi vì con số doanh thu này chỉ làm nức lòng các nhà sản xuất, nhưng điều đó không hề khẳng định được toàn cục nền điện ảnh của một quốc gia.

Bởi chúng ta chưa có đủ nền móng xây dựng một nền điện ảnh tiên tiến thực sự, cả về kỹ thuật và con người. Ngay những nước láng giềng chúng ta cũng không thể theo kịp thì làm sao so được với phương Tây? Một nền điện ảnh không có phim trường, chỉ xây dựng tạm bợ cho từng phim, rồi sau đó phải tự tháo dỡ, một nền điện ảnh mà hầu hết các đoàn phim đều phải làm hậu kỳ, in tráng ở các nước lân cận, thiếu thốn mọi phương tiện kỹ thuật, ta sẽ gọi đó là gì nếu không muốn nói đó chỉ là lớp hào nhoáng của bọt xà phòng…

Chúng ta đã có chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước từ đề án 322 và 356 của Thủ tướng Chính phủ từ 10 năm nay, mỗi năm cử 400 cán bộ đi học, thì vì sao với điện ảnh thì điều đó lại không thể? Tấm gương xây dựng nền móng cho điện ảnh hiện đại từ Hàn Quốc ở trước mắt, sao chúng ta không chịu khởi công. 300 con người trẻ tuổi đã được đào tạo bài bản từ Mỹ và ngân sách bỏ ra ấy đã hoàn toàn không phí phạm. Chúng ta không cần tới 300, chỉ cần 100 người được đào tạo bài bản trong 5 năm, chắc chắn những con người ấy khi trở về sẽ làm nên chuyện.

Vấn đề ở đây chính là việc sử dụng đồng tiền nhà nước một cách hiệu quả và công tâm trong việc chọn lọc và đào tạo những người trẻ tuổi thực sự tài năng và tâm huyết với nghề. Chuyện chọn lọc này phải đặt vào tay những nhà quản lý thực sự có tâm với nền điện ảnh nước nhà… Phim trường ở Hàn Quốc được xây dựng lấy từ ngân sách nhà nước, vì không có tư nhân nào đủ điều kiện có quỹ đất lớn để đầu tư phim trường, nhà nước phải lãnh trách nhiệm ấy và các hãng phim tư nhân sẽ thuê lại khi làm phim. Đây là việc nhà nước cần làm và đầu tư đúng mức.

Chúng ta đã từng bỏ tiền tỷ làm phim kỷ niệm các ngày lễ lớn... Lễ kỷ niệm càng to, tiền bỏ ra cho bộ phim càng to. Con số từ 3 tỷ nâng dần đến 13 tỷ rồi bây giờ phóng lên đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng có phải tiền càng to thì phim càng có chất lượng không? Câu trả lời đã quá rõ, bởi con số ấy chỉ là bề nổi… Nhà nước dám bỏ ra vài chục tỷ đến vài trăm tỷ đồng đầu tư, nhưng khi hỏi phim duyệt xong chiếu ở đâu, bao nhiêu người xem, không ai trả lời nổi. Phim ra rạp một cách âm thầm sau một cuộc họp báo và hoàn toàn thả nổi cho báo chí. Có bộ phim chỉ chiếu được hai ngày thì dẹp. Đó là sự lãng phí kinh khủng!

Nghĩa là, bấy lâu nay điện ảnh Việt Nam đang mang căn bệnh trầm kha là bệnh hình thức, chỉ muốn có ngay cái trước mắt mà không cần biết nền móng căn nhà điện ảnh ra sao? Xin hãy bắt đầu đổ móng đi, chậm vẫn hơn không…

Ngô Ngọc Ngũ Long

Tin cùng chuyên mục