Hôm nay, kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 - 20-8-2016), Báo Sài Gòn Giải Phóng và Liên đoàn Lao động TPHCM tổ chức lễ trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 16 dành cho 8 gương mặt tiêu biểu cho đội ngũ công nhân ở thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.
Giải thưởng năm nay càng thêm ý nghĩa bởi những gương điển hình có nhiều hoạt động thiết thực, phong phú, phù hợp chủ đề năm 2016 - “Năm phát triển đoàn viên” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động. Những kỹ sư, công nhân nhận Giải thưởng Tôn Đức Thắng không chỉ phát huy nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giúp đỡ, đào tạo và bồi dưỡng tay nghề lớp thợ trẻ kế cận mà còn góp phần thu hút, tập hợp công nhân tham gia các phong trào thi đua, từ đó kết nạp nhiều công nhân tham gia vào tổ chức công đoàn. Từ nguồn công nhân, kỹ sư đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng, công đoàn các cấp đã bổ sung cho Đảng nhiều cán bộ trưởng thành từ phong trào công nhân và hoạt động trong công đoàn; giới thiệu Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp nhiều đoàn viên ưu tú xuất thân từ công nhân, người lao động. Nhiều người sau này trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp hoặc làm việc trong hệ thống chính trị, trong đó không ít công nhân được quy hoạch, bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng, chính quyền các cấp ở TPHCM. Giải thưởng Tôn Đức Thắng vì thế trở thành bệ phóng của rất đông kỹ sư, công nhân và người lao động.
Ra đời cách đây 16 năm, Giải thưởng Tôn Đức Thắng ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò, uy tín và sự tác động to lớn đối với quá trình phấn đấu, học tập, tu dưỡng đạo đức của thế hệ công nhân, trở thành nguồn động viên khích lệ to lớn để công nhân tiếp bước trên con đường sáng tạo, phát triển kinh tế của thành phố. Cả 8 gương điển hình được tuyên dương lần này đều là những kỹ sư, công nhân ưu tú, đã miệt mài phấn đấu và hoàn thành nhiều công trình lao động sáng tạo, tăng thêm giá trị gia tăng của hàng hóa, nâng tính cạnh tranh thị trường thông qua các phong trào thi đua “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến - Sáng tạo”, “Bàn tay vàng”, “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà”, “Thi đua phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn” do công đoàn phát động. Quan trọng hơn, các gương đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng còn tỏa sáng bởi những đóng góp đào tạo lớp thợ giỏi, bàn tay vàng trong lao động sản xuất tại doanh nghiệp. Những công sức thầm lặng ấy đã làm sáng tỏ hơn những phẩm chất cao đẹp và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, là biểu hiện sinh động của sự nghiệp đổi mới của Đảng. Đằng sau thành công của những người đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng mang đậm dấu ấn của tổ chức công đoàn các cấp với vai trò tổ chức phong trào, tập hợp công nhân, chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của công nhân đối với các sản phẩm lao động sáng tạo, qua đó giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, góp phần củng cố mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Thời gian tới, đội ngũ công nhân và tổ chức công đoàn đứng trước thời cơ và thách thức mới khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Tham gia “sân chơi lớn”, những tiêu chuẩn về trình độ, năng lực làm việc, những đòi hỏi về kỹ năng lao động sẽ tạo ra sự cạnh tranh về việc làm, tiền lương, thu nhập. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội, tạo cú hích để tổ chức công đoàn các cấp, nhất là ở cơ sở cũng phải năng động, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn và nỗ lực phát triển đoàn viên công đoàn mới để thành phố ngày càng có thêm những “người thợ Tôn Đức Thắng”. Qua những câu chuyện kể của những gương điển hình đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng, không chỉ thấy được quá trình học tập, rèn luyện, phấn đấu kiên trì và thành công của từng người mà còn biết được cả những trăn trở, tâm tư và nguyện vọng của họ trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội.
Những người đoạt giải thưởng tự ý thức được rằng, để phát triển nhiều “người thợ Tôn Đức Thắng” từ đó tập hợp xung quanh mình những người thợ tài năng khác, bản thân mỗi người tự xác định phải nâng mình lên một tầm cao mới - tầm cao không chỉ về lao động có trí tuệ và sáng tạo, mà cả về sự nhận thức vai trò, vị trí chính trị của đông đảo công nhân. Bên cạnh đó, công đoàn và các cấp chính quyền phối hợp với chủ doanh nghiệp tích cực chăm lo nhiều hơn lợi ích thiết thân của công nhân, người lao động, nhất là về giải quyết việc làm, nhà ở, thu nhập, điều kiện lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chính sách xã hội khác. Ngoài ra, thành phố cần có những chính sách với những người đoạt giải thưởng, chẳng hạn như cho đi đào tạo hoặc đào tạo, tổ chức tham quan học hỏi kinh nghiệm ở nước ngoài để tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật và tri thức mới, nâng cao công tác quản lý nghiệp vụ… Họ bày tỏ mong muốn có phong trào học tập sôi nổi, thiết thực và hiệu quả trong công nhân, lao động, nhất là thế hệ trẻ, trong đó gắn học tập với lao động sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ, tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn.
Giải thưởng Tôn Đức Thắng còn đặt ra yêu cầu với tổ chức công đoàn các cấp tiếp tục giữ vai trò tổ chức các đợt thi đua nhằm giúp doanh nghiệp đạt hiệu quả cao nhất trong sản xuất, kinh doanh, vừa làm tốt vai trò là người đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công nhân, lao động, đồng thời trở thành chỗ dựa vững chắc của công nhân, người lao động. Giải thưởng Tôn Đức Thắng khi đó sẽ là bệ phóng vững chắc đối với kỹ sư, công nhân và người lao động.
TUẤN SƠN