Không ồn ào như các nhóm nhạc trẻ hiện nay, các nhóm ca dòng nhạc cách mạng, quê hương dù thầm lặng nhưng vẫn miệt mài cống hiến và có chỗ đứng riêng trong dòng chảy của nhạc Việt. Họ, với tình yêu và lòng đam mê các ca khúc truyền thống đã góp phần thắp lửa và nuôi dưỡng dòng nhạc này mãi đi cùng năm tháng.
Bắt đầu từ đam mê
Thành lập từ năm 2001 do NSƯT Hoàng Vĩnh làm trưởng nhóm, Áo lính là một trong số ít nhóm ca cách mạng ở khu vực phía Nam có thời gian hoạt động lâu nhất, dù trong quá trình đó nhóm cũng trải qua vài sự thay đổi các thành viên.
“Để duy trì hoạt động đến ngày nay, tôi nghĩ điều quan trọng nhất là lòng đam mê, nhiệt huyết với nghề. Mục tiêu và nguyện vọng của nhóm từ ngày đầu thành lập là quảng bá cho khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ biết đến dòng nhạc cách mạng, vốn được sinh ra và gắn liền với chiều dài lịch sử của dân tộc”, NSƯT Hoàng Vĩnh chia sẻ.
Sau 15 năm thành lập cho đến nay, Áo lính đã có chỗ đứng vững chắc khi giọng ca của các anh đến với đông đảo khán giả khắp cả nước, chiến sĩ, đồng bào tại Trường Sa; kiều bào Việt Nam tại Lào, Campuchia.
NSƯT Hoàng Vĩnh nói: “Tôi nghĩ nhóm được biết đến từ lâu, được khán giả yêu mến bởi màu sắc riêng biệt, gần gũi, giản dị với hình tượng người lính, chất thép toát ra từ hình ảnh, giọng hát của mỗi thành viên được đào tạo qua các trường lớp chính quy về nghệ thuật, qua quá trình lao động nghiêm túc, trách nhiệm”.
Dù có tuổi đời trẻ hơn (thành lập năm 2011 với tên gọi ban đầu TVT) nhưng Tre Việt cũng có chỗ đứng nhất định trong dòng nhạc cách mạng, quê hương. “Chúng tôi đến với nhau và thành lập nhóm khi tất cả cùng có chung tình yêu với dòng nhạc này. Nhóm không có bầu show nên các anh em từ mối quan hệ của riêng mình cũng tích cực quảng bá, nhận show về cho nhóm hát; thậm chí thời gian đầu, mỗi thành viên phải bỏ thêm tiền túi để hoạt động”, thành viên Anh Tuấn chia sẻ.
Một tiết mục biểu diễn của nhóm Tre Việt
Là người dẫn dắt một số nhóm ca cách mạng như: Ánh dương, Thanh âm, Tình ca đỏ, HAM..., ca sĩ Lương Đức Việt cũng có chung quan điểm: “Đó là niềm đam mê được hát, được cống hiến, mang đến hạnh phúc cho mọi người, đặc biệt trong các chương trình từ thiện. Nhưng ngoài đam mê phải có sự chuyên nghiệp, đồng lòng của mỗi thành viên để có thể hoạt động bền vững. Tôi luôn chia sẻ với các bạn rằng mỗi cá nhân phải tự ý thức vì mục tiêu, lợi ích chung”. Sau khoảng 3-4 năm hoạt động, những nhóm hát mà anh hướng dẫn dần trưởng thành, tự tin đứng trên sân khấu khắp các tỉnh, thành phía Nam và một số tỉnh phía Bắc.
Và tình yêu cất cánh
Trong dòng chảy chung của đời sống âm nhạc Việt, dòng nhạc cách mạng, quê hương có sức sống đặc biệt và đó cũng là lý do, dù không ồn ào trên truyền thông nhưng các nhóm ca ở thể loại này vẫn miệt mài như những chú ong thợ, mang lời ca tiếng hát cống hiến cho đời.
Ông Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, cho biết: “Chúng tôi có cộng tác với khá nhiều các nhóm ca cách mạng: Tre Việt, Trúc Việt... trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ các hoạt động chính trị, đối ngoại, giao lưu văn hóa, kỷ niệm các ngày lễ lớn... Tôi thấy họ thực sự là những người yêu nghề, yêu nghệ thuật và có những đối tượng khán giả của riêng mình. Cũng qua tìm hiểu, tôi thấy thu nhập của họ đủ để đáp ứng cho niềm đam mê với âm nhạc. Hiện nay, ngoài hát các ca khúc cách mạng, quê hương, một số nhóm cũng tự tìm tòi, học hỏi để hát được nhạc trẻ, dân ca...”.
Nói về thu nhập, anh Lê Chung Tình, thành viên nhóm Áo lính, cho biết thêm: “Chúng tôi có thu nhập tạm ổn để có thể duy trì hoạt động chứ không dám nói đến chuyện làm giàu hay khá giả từ việc đi hát. Ngoài việc biểu diễn phục vụ khán giả, các thành viên cũng phải làm thêm các công việc khác nhau như đạo diễn, dàn dựng các chương trình nghệ thuật; giảng dạy về âm nhạc, làm phòng thu...”.
Đồng quan điểm đó, anh Đức Việt khẳng định không có chuyện các nhóm ca cách mạng có cát-xê cao ngất ngưởng. Riêng với các nhóm do anh hướng dẫn, cát-xê là một phần bù đắp cho quá trình hoạt động bởi đa phần họ hát phục vụ cho các chương trình giao lưu, từ thiện. Hầu hết các thành viên đều có nghề tay trái hoặc liên quan đến nghệ thuật, hoặc không để trang trải cuộc sống.
Để có được chỗ đứng như ngày hôm nay, những nhóm ca như Áo lính, Tre Việt, Ánh dương… đã phải nỗ lực rất nhiều. Anh Lê Chung Tình tiết lộ: “Trước khi lên sân khấu biểu diễn, nhóm đều tập bài rất kỹ, từ việc chọn bài phù hợp với nội dung chương trình, tìm hiểu về ca từ và giai điệu bài hát, tự đặt ra câu hỏi hát như thế nào để truyền tải tinh thần, cảm xúc của ca khúc đến khán giả. Chúng tôi luôn xác định phải giữ được màu sắc, tính chất riêng biệt của từng tác phẩm và nhờ sự kỹ lưỡng, các thành viên luôn suy nghĩ vì mục tiêu chung nên mỗi phần biểu diễn của nhóm đều mang hơi thở riêng”. Trong khi đó, anh Đức Việt cho biết khó khăn lớn nhất khi hát những ca khúc cách mạng, quê hương luôn đòi hỏi sự chỉn chu, kỹ thuật bài bản và năng lực xử lý ca khúc.
Đại diện nhóm Tre Việt chia sẻ, họ từng nghĩ đến việc phát hành CD, album rộng rãi nhưng không dám làm vì ai cũng biết rất khó để có thể bán được, do đó phải cân đối, tính toán tiết kiệm càng nhiều càng tốt. Trong năm 2016 này, nhóm dự định sẽ thực hiện album và liveshow mang tên Việt Nam ngày mới. Nhóm Áo lính cũng dự định thực hiện album trong năm nay nhưng vì một số lý do khách quan nên phải tạm ngưng. Những nhóm khác như: Ánh dương, Thanh âm, Tình ca đỏ… cũng đặt ra mục tiêu như trên nhưng trước mắt, họ đều ưu tiên thực hiện các sản phẩm dành cho cá nhân.
VĂN TUẤN