Bên dòng Vàm Cỏ

Vàm Cỏ, con sông kể chuyện lịch sử, con sông hòa vào dòng chảy của văn hóa, thi ca và nghệ thuật. Sông đi qua vùng sinh thái đất ngập nước, vùng chuyên canh nông nghiệp cùng những làng nghề truyền thống của tỉnh Long An. Một dòng Vàm Cỏ nên thơ đang hòa mình vào 9 nhánh Cửu Long.

Mưu sinh

Nói đến Long An, chúng ta dễ liên tưởng đến hai con sông: Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Cả hai dòng Vàm Cỏ đều bắt nguồn từ Campuchia. Trên đất Việt Nam, sông đến địa phận tỉnh Tây Ninh trước rồi mới chảy qua tỉnh Long An. Sông có nhiều nhánh nhưng nhánh sông được nhiều người nhắc đến chính là Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Đây cũng được xem là 2 nhánh sông sinh đôi bởi chúng chảy song song và có nhiều điểm tương đồng.

Hai dòng sông Vàm Cỏ cũng là cung đường thủy quan trọng nhất của tỉnh Long An, có vai trò lớn trong việc cung cấp nước ngọt, xả phèn và góp phần thoát lũ cho một số địa phương. Không chỉ vậy, hai dòng sông còn được nhiều người biết đến qua thơ, nhạc và những chiến công trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Sông Vàm Cỏ Tây có chiều dài khoảng 168km chảy qua các huyện Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Tân Trụ, Châu Thành, thị xã Kiến Tường, TP Tân An đã góp một phần không nhỏ “nuôi sống” biết bao người dân ven sông cũng như vùng sông nước nơi đây.

CN4d.jpg
Người dân ở ven sông Vàm Cỏ Tây chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt trên sông

Hôm rồi, khi dạo quanh âu tàu Rạch Chanh ghé xem người dân đưa cá lên bờ, chúng tôi bày tỏ muốn trải nghiệm cảm giác ngồi trên chiếc ghe bắt cá chèo quanh những khúc sông Vàm Cỏ Tây uốn lượn, ông Nguyễn Văn Dũng (người dân ấp Rạch Chanh, xã Đại Bình Nhơn, TP Tân An, gia đình có ba đời sống bằng nghề bắt cá ven sông), vội mang xô cá hỗn hợp lên cho vợ rồi tình nguyện chèo ghe đưa chúng tôi đi. Ông Dũng chia sẻ, nhà ông ở sát mé sông, không có ruộng vườn, vì vậy mỗi ngày nhìn thấy nước ròng là chèo ghe đi thả lưới không kể ngày đêm hay mưa gió. Sau mỗi chuyến đi, thu về hỗn hợp tôm cá các loại.

“Cái nghề này không làm giàu được nhưng không lo thiếu ăn. Nhiều năm trước mỗi chuyến đi về bán cũng được hơn 1 triệu đồng, nuôi mấy đứa nhỏ ăn học dư giả. Nhưng khoảng 2 năm gần đây cá ít lại, tôm thì hầu như không còn, vì vậy mỗi chuyến đi về bán chỉ được khoảng 400.000 đồng, vậy cũng mừng rồi. Khúc sông này cũng không thể nuôi trồng gì được bởi nước lên ngập quá sâu và nước ròng quá cạn lại gần âu tàu”, ông Dũng nói.

Ra đến khúc sông thuộc xã Hướng Thọ Phú, TP Tân An, chúng tôi bị cuốn hút bởi những bông hoa vàng trên mặt nước ven bờ. Bóng dáng một người đàn ông lom khom lọt giữa sắc vàng đan xen màu xanh của lá. Thấy chúng tôi trầm trồ, ông Dũng nói đó là bông rau nhút nhà ông Bảy Mỹ và chèo ghe cập bờ, khúc sông này rộng và uốn lượn nên người dân có thể trồng sen, rau nhút… Thấy có người lạ đến, người phụ nữ ngoài 60 tuổi điềm nhiên mời chúng tôi vào, người đàn ông dưới ruộng rau cũng lên bờ hái dừa đãi khách.

Tiếp chúng tôi, vợ chồng ông Bảy Mỹ cho biết, gia đình có 7 công đất ruộng trồng dừa và thuê thêm 5 công ruộng để trồng ngó sen và rau nhút bán. Đã mấy đời ở ven sông, cuộc sống bình yên tuy không giàu nhưng rất thoải mái, nuôi các con ăn học, dựng vợ gả chồng. Giờ lớn tuổi rồi công việc vẫn vậy nhưng năng suất không bằng lúc trước, được cái các con lớn hết rồi không phải lo nữa. “Vợ chồng tui hái rau nhút và ngó sen từ 2 giờ chiều đến 6 giờ tối, sau đó ngâm rửa sạch sẽ để sáng 5 giờ 30 thức dậy bơi ghe qua sông Vàm Cỏ Tây ra chợ bán, còn dừa thì bán quanh năm. Mỗi năm gom góp cũng được hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, mấy năm gần đây nước mặn quá cũng phải bỏ ruộng đợi năm sau làm”, bà Bảy Mỹ nói.

Tháo chua rửa phèn, bảo vệ sinh thái

Ông Lê Văn Thích, nguyên Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng, cho biết, nhờ nằm trọn trong vùng ĐBSCL, sông Vàm Cỏ Tây đã giao thoa với nguồn nước ngọt Đồng Tháp Mười, sông Tiền để rửa phèn, cải tạo đất. Nước ngọt dẫn tới đâu, người dân khai hoang lập nghiệp tới đó. Vùng đất trũng Tân Hưng, Vĩnh Hưng đã hồi sinh trở thành nơi được mệnh danh là vựa lúa lớn nhất của tỉnh Long An với tổng diện tích trồng lúa hơn 75.000 ha.

Trong kế hoạch bảo tồn diện tích rừng và đất ngập nước tự nhiên của tỉnh Long An, sông Vàm Cỏ Tây có vai trò rất quan trọng trong đó chủ yếu là các khu vực có tính đa dạng sinh học cao như khu đất ngập nước Láng Sen, Làng nổi Tân Lập, Khu dược liệu Đồng Tháp Mười, các khu đất ngập nước ven sông và vùng cửa sông… Dòng nước góp phần nuôi dưỡng cây thủy sinh, cây thuốc… và tạo nên sự đa dạng các loại cá nước ngọt.

Hai dòng Vàm Cỏ cũng đã được các chuyên gia đánh giá cao về tiềm năng phát triển du lịch. Tiềm năng ấy mới bắt đầu khơi mở khi các tour du lịch đường sông đầu tiên được các công ty du lịch khai thác với nhiều tuyến, điểm khác nhau. Nếu như hành trình trên sông Vàm Cỏ Đông sẽ cho du khách ngược dòng lịch sử, tìm hiểu quá khứ oai hùng, hiểu hơn về đất và người Long An, thì dòng Vàm Cỏ Tây sẽ mang đến cho du khách một không gian bình yên, tĩnh lặng và thơ mộng, tìm hiểu những giá trị văn hóa lâu đời của người dân Long An. Hai dòng Vàm Cỏ vừa anh dũng lại nên thơ, được người dân cả nước nhớ đến qua thơ của nhà thơ Hoài Vũ và được nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc: …

“Ở tận sông Hồng em có biết/ Quê hương anh cũng có dòng sông/ Anh mãi gọi với lòng tha thiết/ Vàm Cỏ Đông, ơi Vàm Cỏ Đông”…

Hai dòng Vàm Cỏ còn là cảm hứng để các nhạc sĩ sáng tác nhiều bài hát được công chúng đón nhận và trở thành những ca khúc đi vào lòng những người yêu nhạc: Lên ngàn (nhạc sĩ Hoàng Việt); Anh ở đầu sông em cuối sông (lời: Phan Huỳnh Điểu, thơ Hoài Vũ), Dòng sông và tiếng hát (nhạc sĩ Nguyễn Nam)…

Hai dòng Vàm Cỏ đã ấp ôm, nuôi dưỡng Long An từ những ngày đầu dựng quán, lập làng, rồi cùng người dân Long An kiên cường chống giặc, góp phần giúp đồng ruộng vun bồi phù sa, xả phèn, thoát lũ... Không vĩ đại, không ồn ào nhưng dòng phù sa của dòng Vàm Cỏ hàng trăm năm qua đã nuôi nấng bao thế hệ cư dân dọc theo hai bên bờ sông sinh sống bằng nghề nông nghiệp.

Đi trên dòng Vàm Cỏ chúng tôi cảm nhận được dòng sông thanh bình đang chuyển mình theo nhịp sống của cư dân quanh vùng. Ngày nay, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây tiếp tục hành trình cùng Long An phát triển ngành du lịch; chào mời, giới thiệu với bạn bè về những vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm nhưng không kém phần mạnh mẽ, hiên ngang của vùng đất “cửa ngõ” ĐBSCL.

Tin cùng chuyên mục