Tính hiện đại của Bến xe miền Đông mới được tham khảo từ các mô hình bến xe hiện đại của 2 nền kinh tế hàng đầu châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng có sự điều chỉnh để phù hợp với điều kiện và quy định quản lý giao thông đường bộ hiện hành của Việt Nam. Theo đó, Bến xe miền Đông mới sẽ có nhiều loại hình dịch vụ đa dạng, hỗ tương lẫn nhau. Ngoài chức năng chính là cung cấp các dịch vụ vận tải hành khách liên tỉnh, kết nối giao thông với nội thành TPHCM và vận chuyển hàng hóa, Bến xe miền Đông mới còn là trung tâm mua sắm, giải trí với nhiều loại hình dịch vụ giải trí đa dạng, có khu vui chơi cho trẻ em, rạp chiếu phim, khu vực ẩm thực…
Sự kiện mới nhất vừa diễn ra đầu tuần qua tại công trình thi công Bến xe miền Đông mới đó là việc tổ chức cất nóc khu nhà ga hành khách. Khối nhà ga hành khách nằm trong gói dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà ga Bến xe miền Đông mới giai đoạn 1. Khối nhà này gồm 2 tầng hầm và 4 tầng nổi. Tầng hầm B2 rộng 11.700m² là nơi để xe và một phần bố trí các khu chức năng như phòng kỹ thuật, phòng máy bơm, bể nước ngầm, bể nước chữa cháy. Tầng hầm B1 cũng rộng 11.700m2 được bố trí làm sảnh đón khách đến, bãi đậu xe, khu kỹ thuật phụ trợ, khu nhà vệ sinh.
Theo lộ trình, từ nay đến cuối năm 2018, tập trung hoàn thành khu nhà ga hành khách và dự kiến đưa vào khai thác trong quý 1-2019. Trong giai đoạn đầu hoạt động, chỉ di dời một số tuyến xe liên tỉnh đi về giữa TPHCM và các tỉnh phía Bắc chứ chưa đưa vào hoạt động đồng loạt tất cả các tuyến hiện có.