Bệnh thành tích

Câu chuyện doanh nghiệp (DN) vi phạm Luật Bảo vệ môi trường vốn không có gì mới. Thế nhưng với tỷ lệ hiếm hoi DN khảo sát đạt tiêu chuẩn môi trường mà tỉnh Bình Dương nói riêng và các tỉnh thành trong cả nước nói chung vừa công bố khiến cộng đồng dân cư không khỏi hoang mang và cơ quan chức năng phải suy ngẫm.

Còn nhớ, trước ngày 1-3-2010, nhiều địa phương vẫn cho rằng Luật Bảo vệ môi trường chưa đủ sức răn đe DN “đen”. Nếu chỉ phạt hành chính mà không cấm DN hoạt động hoặc rút giấy phép đầu tư thì rất khó giải quyết dứt điểm tình trạng DN tái vi phạm môi trường. Nhiều DN “đen” sẽ tiếp tục chọn giải pháp nộp phạt, bởi rẻ hơn rất nhiều so với việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Đến ngày 1-3-2010, lý do trên không còn nữa khi Chính phủ ban hành nghị định mới về việc xử lý DN có hành vi vi phạm môi trường. Theo đó, DN “đen” sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị cấm hoạt động và tăng mức phạt từ 70 triệu đồng lên đến 500 triệu đồng/hành vi vi phạm. Tưởng rằng DN sẽ không dám vi phạm môi trường và chính quyền địa phương cũng không còn lý do để ngụy biện cho việc xử phạt vi phạm môi trường trên địa bàn mình quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng DN vi phạm môi trường vẫn chưa có chiều hướng thuyên giảm. Vì sao?

Nhiều địa phương cho rằng nguyên nhân chính là do số lượng DN quá đông trong khi số cán bộ quản lý môi trường quá mỏng, không kiểm soát xuể. Trung bình mỗi tỉnh thành có trên hơn 10.000 DN đang hoạt động. Tại những tỉnh thành lớn, con số này lên đến 30.000 DN, trong khi cán bộ quản lý chỉ khoảng 100 người. Do đó, không thể đi kiểm tra thường xuyên tình hình chấp hành Luật Bảo vệ môi trường của các DN (!). Thế nhưng, một câu hỏi khác được dư luận đặt ra là với những DN bị phát hiện có hành vi vi phạm rõ ràng, báo chí cũng đã nêu công khai, tại sao không bị cấm hoạt động?

Lý giải cho câu hỏi này, nhiều địa phương thừa nhận rằng, nguyên nhân xuất phát từ bệnh thành tích trong việc chạy đua theo thứ bậc top 10 tỉnh thành thu hút vốn đầu tư lớn nhất nước. Cuộc đua này khiến cho nhiều tỉnh thành bất chấp những tổn hại đến môi trường, thậm chí bán rẻ môi trường cho DN đầu tư. Đến khi phát hiện ra DN có hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Nếu làm đúng, nhiều DN sẽ phải đóng cửa, GDP địa phương sụt giảm… Song để xoa dịu dư luận nhưng vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến vị trí thứ hạng của mình, các địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp “giơ cao đánh khẽ”. Chính vì thế, có nhiều DN gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng cho đến nay vẫn ung dung tồn tại.

Có thể khẳng định, tác hại của bệnh thành tích trong việc thu hút vốn đầu tư rất nghiêm trọng. Nó không chỉ để lại di chứng cho một thế hệ mà có thể là hàng chục, hàng trăm năm sau này. Trước mắt, nhờ vào GDP “đen” mà các tỉnh thành có thể đứng vị trí top 10 tỉnh thành thu hút vốn đầu tư lớn nhất nước, nhưng về lâu dài vị trí này không bền vững. Môi trường sẽ ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Và khi sức chịu tải của môi trường cũng như sức khỏe của cộng đồng không thể chịu đựng thêm được nữa thì liệu GDP “đen” có đủ để bù đắp những tổn hại cho môi trường và sức khỏe người dân?

Ái Vân

Tin cùng chuyên mục