Bệnh viện Đắk Nông: Thừa thiết bị, thiếu nhân lực

Vào năm 2008, nguồn vốn ODA của Hàn Quốc tài trợ đã đầu tư hơn 5,6 triệu USD giúp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông mua sắm 871 trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh. Nhưng hiện nay, nhiều trang thiết bị hư hỏng không sử dụng được, nhiều thiết bị bỏ không vì không ai sử dụng, nhiều thiết bị bị thất lạc… Các máy móc được đầu tư từ nguồn vốn khác cũng chịu chung số phận.
Bệnh viện Đắk Nông: Thừa thiết bị, thiếu nhân lực

Vào năm 2008, nguồn vốn ODA của Hàn Quốc tài trợ đã đầu tư hơn 5,6 triệu USD giúp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông mua sắm 871 trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh. Nhưng hiện nay, nhiều trang thiết bị hư hỏng không sử dụng được, nhiều thiết bị bỏ không vì không ai sử dụng, nhiều thiết bị bị thất lạc… Các máy móc được đầu tư từ nguồn vốn khác cũng chịu chung số phận.

        Máy móc trùm mền

Qua khảo sát mới đây, trang thiết bị y tế của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đắk Nông “thừa” rất nhiều. Số trang thiết bị y tế được đầu tư từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc với tổng trị giá hơn 5,6 triệu USD, gồm 871 chủng loại máy móc chỉ đạt công suất sử dụng khoảng 61%. Số trang thiết bị không sử dụng được, hoặc chưa sử dụng và đang lưu kho là 341 thiết bị. Ngoài 30 trang thiết bị đang để “nguyên đai, nguyên kiện” trong kho, hiện có 61 trang thiết bị (trị giá gần 3 tỷ đồng) đã bị hư hỏng không thể sử dụng và 81 nhóm trang thiết bị thường xuyên hư hỏng.

Nhiều trang thiết bị y tế của Bệnh viện Đắk Nông bỏ phí trong kho.

Nhiều trang thiết bị y tế của Bệnh viện Đắk Nông bỏ phí trong kho.

Theo lãnh đạo các khoa chuyên môn, có những trang thiết bị từ khi mua sắm, đưa về đến nay chưa hề sử dụng lần nào vì không đáp ứng đúng nhu cầu công việc thực tiễn. Trong lúc đó, nhiều thiết bị đưa về khoa không được hướng dẫn sử dụng nên không biết chức năng của máy. Vì thế, các khoa không sử dụng được và trả lại cất vào kho. Một số máy móc kỹ thuật cao, không phù hợp với công việc thực tế tại các khoa của bệnh viện. Bác sĩ Nguyễn Đức Hảo, Phó Giám đốc BVĐK Đắk Nông, cho biết: Bình quân hàng năm, bệnh viện đã phải trích khoảng gần 7 tỷ đồng cho tiền sửa chữa máy móc, trang thiết bị do bị hỏng hóc. Số không có nhu cầu sử dụng hoặc thường xuyên bị hỏng đành phải xếp vào kho.

Trong khi đó, trang thiết bị được đầu tư từ nguồn vốn khác tại BVĐK Đắk Nông có 264 chủng loại máy móc, nhưng công suất sử dụng chỉ đạt khoảng 70% và có 61 máy móc không sử dụng được, xin trả lại. Nhiều trang thiết bị “thừa”, nhưng các khoa lại đang “thiếu” rất nhiều máy móc. Theo nhu cầu đăng ký của các khoa, hiện số kinh phí để đầu tư mua sắm, bổ sung máy móc, dụng cụ để đáp ứng nhu cầu hoạt động cơ bản toàn đơn vị khoảng 70 tỷ đồng.

        Nan giải nhân lực

Bác sĩ Nguyễn Đức Hảo cho rằng nguyên nhân dư thừa trang thiết bị y tế là do bệnh viện thiếu nhân lực để sử dụng những máy móc hiện đại đó. Trong lúc đó, trang thiết bị từ nguồn vốn ODA chủ yếu do Hàn Quốc sản xuất nên chất lượng không cao bằng một số nước tiên tiến và thường xuyên bị hỏng hóc. Theo bác sĩ Hảo, hiện bệnh viện đang “yếu” ở rất nhiều khâu, từ nguồn nhân lực đến cơ sở vật chất, trang thiết bị và năng lực điều hành, lãnh đạo. Cái “yếu” được nhắc đến nhiều nhất khi “mổ xẻ” vấn đề trên là thực trạng nguồn nhân lực. Không chỉ thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên sâu mà cơ cấu lao động tại bệnh viện cũng đang bộc lộ những bất cập. Tổng số lao động của BVĐK Đắk Nông hiện có 378 người, trong đó trình độ đại học, sau đại học chỉ có 88 người (chiếm 21,75%), cao đẳng 10 người (chiếm 2,65%), trung cấp 235 người (chiếm 62,33%) và sơ cấp, lao động phổ thông 50 người (chiếm 13,26%). Theo tiêu chuẩn của một bệnh viện hạng II, BVĐK Đắk Nông thiếu khoảng 40 bác sĩ, dược sĩ trình độ đại học và trên đại học.

Mặc dù thiếu nhân lực trình độ cao, nhưng BVĐK Đắk Nông lại rất khó tuyển dụng được bác sĩ, dược sĩ đại học…. “Lương thấp, chính sách thu hút không có nên chẳng ai muốn về bệnh viện công tác cả. Có khi tuyển được người rồi, đưa đi TPHCM học thêm chuyên môn nhưng họ ở lại làm luôn việc dưới đó không về nữa” - bác sĩ Hảo tâm sự. Trước tình trạng đó, bệnh viện đành phải “nhắm mắt đưa chân” tuyển dụng nhiều lao động chỉ có trình độ trung cấp, lao động phổ thông… Vì thế, xảy ra tình trạng thừa dược tá, y tá, nhưng lại thiếu dược sĩ, bác sĩ điều trị.

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục