(SGGPO).- Lũ chồng lên lũ đang khiến cho hàng trăm ngàn người dân ở ba tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Nghệ An bị ngập trong nước lũ đã gần 20 ngày. Hàng ngàn cán bộ chiến sĩ công an, bộ đội, và các tổ chức xã hội đã lao vào tâm lũ giúp dân và cứu trợ lương thực nhưng nhiều nơi hàng cứu vẫn chưa đến được tay người dân.
• Nghệ An: Chồng chất khó khăn vùng rốn lũ
Ngày 20-10, đứng trên đê Tả Lam nhìn xuống địa bàn xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên là cả một vùng nước mênh mông, đục ngầu, nhìn không phần biệt được đâu là ranh giới các xóm và các nhà, đâu là bờ sông Lam chảy qua địa bàn xã. Nhà cửa, hoa màu ngập chìm trong nước. Cách duy nhất đi vào các xóm là bằng thuyền, tuy nhiên thuyền cũng rất khó khăn trong việc luồn lách để vào được tận các nhà vì bị những thân cây đổ gãy và bụi cây ngáng đường.
Ông Nguyễn Đình Quang, Chủ tịch UBND xã Hưng Lĩnh cho biết, trận lũ lụt vừa qua đang làm cho cuộc sống người dân vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Trên 70% số hộ tại các xóm 1A, 1B, 2, 3 trong tình trạng có nhà bị ngập lụt. Trường học, trạm y tế, chợ chưa thể hoạt động trở lại.
Trong những ngày qua, các cấp chính quyền và các ngành chức năng trong tỉnh thường xuyên có những hoạt động giúp đỡ, động viên người dân vùng bị ngập lụt của xã. Ngày 19-10, đoàn cứu trợ của Hội chữ thập đỏ Việt Nam cũng đã đến nhiều xóm trong xã để trực tiếp cứu trợ mì tôm, nước khoáng, tiền cho các hộ dân.
Hiện nay, cùng với việc cứu trợ, cứu đói, tỉnh Nghệ An tiếp tục lên phương án cho các hộ dân đang ở trong vùng ngập lụt chuẩn bị các điều kiện để xử lý môi trường sau khi nước rút, phòng tránh dịch bệnh có thể xảy ra.
• Hà Tĩnh: - Hàng cứu trợ không đến được tay người dân
- Tuyến Quốc lộ 1A thông xe
Trong ngày 19-10, Quốc lộ 1A, 8A, 15A bị chia cắt hoàn toàn, nên nhiều đoàn cứu trợ xuất phát từ trung tâm TP Hà Tĩnh lên vùng rốn lũ Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn và Đức Thọ đã phải ngậm ngùi quay trở về.
Ngày 19-10, bốn chiếc xe ôtô tải chở hơn 3 tấn gạo, 100 thùng dầu ăn, gần 200 thùng lương khô, 1.500 gói mì tôm, sữa tươi, nước uống của các đoàn cứu trợ xuất phát tại trụ sở Tỉnh đoàn theo hướng QL 1A về cứu trợ cho đồng bào vùng lũ ở Hương Khê, Vũ Quang và Đức Thọ nhưng khi xe đến đoạn Cầu Già, xã Tiến Lộc nước thì bị ngập sâu gần 1m, xe không thể đi tiếp, cả đoàn đành phải quay trở lại điểm xuất phát.
Trong ngày cũng còn có hơn 13 đoàn cứu trợ khác của tỉnh và các tổ chức dù đã tìm mọi cách vận chuyển lương thực cứu trợ đồng bào các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ… nhưng tất cả đều phải quay trở về giữa đường.
Ông Nguyễn Thiện, phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, do giao thông từ TP Hà Tĩnh lên các huyện miền núi đã bị chia cắt tỉnh đã phải huy động mì tôm từ TP Vinh theo đường Đê Bấn về Linh Cảm lên đường mòn HCM, nên đi từ TP Hà Tĩnh thì phải chờ nước rút…
Cũng theo ông Nguyễn Thiện, phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, tính đến 19 giờ 30 phút ngày 19-10, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có 21 người chết, 2 người bị mất tích, 178 xã bị ngập, trong đó 105 xã bị ngập nặng và cô lập. Trong ngày, tỉnh đã tổ chức sơ tán được khoảng 5.000 người đến nơi an toàn. Các lực lượng cứu trợ của tỉnh và Quân khu 4 đã huy động 84 ca nô, 11 xuống máy cao tốc, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ có mặt tại các vùng tâm lũ để giúp ứng cứu, sơ tán và cứu trợ nhân dân. Ước tính tổng thiệt hại trong cả 2 đợt lũ này lên đến 3.500 tỷ đồng.
* Ngày 20-10, lãnh đạo sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh cho biết: Vào lúc 7 giờ 30 phút sáng nay, tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã chính thức thông xe sau hơn 24 giờ bị ách tắc vì ngập.
Sáng nay, tại Hà Tĩnh không còn mưa, nước đã dần rút ở nhiều đoạn đường trên tuyến Quốc lộ 1A. Riêng đoạn qua xã Xuân Lam huyện Nghi Xuân nước vẫn ngập sâu nên sở Giao thông vận tải đã phân luồng xe từ Gia Lách huyện Nghi Xuân đi quốc lộ 1B vào thị xã Hồng Lĩnh. Tại ngã ba Thạch Long huyện Thạch Hà, xe sẽ phải chạy theo đường tránh thành phố Hà Tĩnh vào xã Cẩm Vịnh huyện Cẩm Xuyên do thành phố có nhiều đoạn ngập sâu. Hiện tại, các điểm ngập nước ở xã Vượng Lộc và Tiến Lộc nước đã rút người và các phương tiên giao thông đi lại bình thường.
Ông Nguyễn Trường Tương, Giám đốc công ty quản lý và sửa chữa đường bộ 474 cho biết, hiện tuyến quốc lộ 8A đoạn qua xã Đức Thịnh và Đức Thuỷ huyện Đức Thọ nước còn ngập sâu hơn 1m nên đơn vị ngăn không cho các phương tiện giao thông và người đi qua đoạn này. Tại các điểm sạt lở ta luy dương ở xã Sơn Kim huyện Hương Sơn, Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ 474 đã huy động người và phương tiện, máy móc cho san đường đảm bảo cho nhân dân vùng miền núi và khách từ cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo lưu thông xuống đường Hồ Chí Minh.
Tuy nước đã rút nhưng để đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông, cảnh sát giao thông Hà Tĩnh cùng Công ty quản lý và sửa chữa đường bộ 474 bố trí lực lượng chốt tại các điểm xung yếu hướng dẫn người tham gia giao thông qua lại an toàn. Hàng trăm chiếc xe bị ngăn lại ở thị xã Hồng Lĩnh và huyện Cẩm Xuyên ngày hôm qua đã được giải phóng, lưu thông trở lại trên tuyến Quốc lộ 1A bình thường.
• Quảng Bình: Cấp tốc đưa lương thực cứu dân
Ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh hét lớn qua điện thoại: “Gay lắm rồi, mưa to cả đêm, cả ngày, lũ lên lại, sông Kiến Giang, sông Nhật Lệ dâng nước. Thượng nguồn, hạ du nơi đâu cũng no nước”.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài đã chỉ đạo các địa phương bằng mọi phương tiện đưa gấp mì tôm, nước uống cho người dân vùng bị lũ kép. Huyện Quảng Ninh đã lập sở chỉ huy tiền phương tại xã Hiền Ninh, huy động toàn bộ 10 xuống máy, cùng ca nô của ngư dân chạy hàng chục chuyến về 14 xã vùng lũ cứu đói, cứu khát cho gần 9 vạn dân đang bị lũ ngâm. Đã có 175 tấn gạo cùng 50 tấn mì tôm, 1.300 thùng nước uống về tận tay dân trong hai ngày qua.
Trong khi đó, tại huyện Lệ Thuỷ, 145.000 hộ dân bị lũ vây không xoay trở được với bên ngoài. Ông Võ Khắc Hoà, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ đã chỉ đạo việc đưa gấp hàng chục tấn lương thực về cho dân chống đói. Trong mưa lớn ông nói: “Không thể tưởng được đã hơn 20 ngày, cả huyện Lệ Thuỷ bị ngập trong nước. Cứ kiểu này, chắc chắn đói, khát, bệnh tật sẽ vây lấy người dân Lệ Thuỷ. Hiện huyện huy động tối lực lượng bộ đội, biên phòng giúp dân”.
Trong mưa to, nước lũ chảy mạnh, những đội cứu hộ, cứu nạn đưa lương thực đến cho dân vẫn như con thoi giữa mênh mông lũ lớn. Những chiếc xuồng, ca nô của công an, bộ đội chạy hết công suất cả ngày và đêm để đem hàng cứu đến tận tay người dân.
Thượng tá Nguyễn Văn Man, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình nói: “Việc tiếp cận dân làng bị lũ rất khó khăn, nhưng năm nào cũng đến với dân nên chúng tôi biết cách lựa con nước để vào với dân tiếp tế, ứng cứu”.
Khó khăn nhất là vùng rốn lũ ở Thượng Hoá (Minh Hoá) mà cụ thể là ba bản Ón, Mo ó ồ ồ và Yên Hợp. Lũ dập làng mạc người Rục đã hơn 20 ngày. Nhưng ở đây may mắn có Đồn biên phòng 585 sát cánh cùng dân bản nên dân vẫn được gạo muối.
Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh cũng đã chuyển về vùng lũ 100kg Cloramin B, 800 túi lọc nước PUR và 1000 túi vệ sinh cá nhân
- Vụ xe khách bị cuốn trôi tại Nghi Xuân (Hà Tĩnh): Xác định thêm danh tính 3 người mất tích, nâng số người mất tích lên 21
Sáng nay, 20- 10, Ban Tìm kiếm cứu nạn chiếc xe khách 48K-5868 đã xác định thêm danh tính 3 người mất tích gồm: Hà Văn Luyến (46 tuổi, trú tại Đắk Nông), 2 mẹ con chị Trần Thị Huệ (36 tuổi) và cháu Phạm Thị Vy (2 tuổi, trú tại xã Hải Phương, Hải Hậu, Nam Định). Như vậy, số người mất tích trong vụ xe khách bị nước cuốn sáng ngày 18-10, là 21.
Trong số 21 nạn nhân này người nhà đã trực tiếp đến nơi bị nạn, riêng người nhà nạn nhân Nguyễn Thị Thắm (Diễn Châu, Nghệ An) mới chỉ xác nhận qua điện thoại.
Sáng nay, các lực lượng tìm kiếm vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân và mở rộng phạm vi tìm kiếm xuống tận cửa biển Xuân Hải (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Đại tá Phan Văn Đán - Trưởng Công an huyện Nghi Xuân cho biết, cơ quan điều tra đang tiến hành xác minh xem lái xe 48K-5868 có phóng xe vượt qua rào cản của lực lượng chốt chặn tại thị xã Hồng Lĩnh, hay tại điểm này CSGT đã bỏ vị trí chốt chặn?.
Cũng trong sáng nay, tại khu vực Cầu Rong - nơi xảy ra vụ tai nạn thương tâm, UBND huyện Nghi Xuân và thân nhân của những người bị nạn đã tổ chức lễ cầu siêu cho những nạn nhân xấu số.
- Quảng Ngãi: Toàn bộ tàu đánh cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã ra khỏi vùng nguy hiểm
Sáng 20-10, tin từ Đồn Biên phòng 328 Lý Sơn (Quảng Ngãi) và gia đình các chủ tàu hành nghề trên biển thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa nằm trong vùng ảnh hưởng của bão Megi cho biết: hiện 7 tàu ở Hoàng Sa đã về đến nơi an toàn, còn 2 tàu đang trên đường chạy về nơi trú ẩn là tàu ông Nguyễn Năm mang số hiệu QNg 96545TS, có 17 lao động và tàu ông Nguyễn Chín mang số hiệu QNg 96399TS, có 14 lao động. Dự kiến đến trưa nay 20-10 tàu ông Nguyễn Năm sẽ về tới đảo Lý Sơn. Như vậy là toàn bộ tàu cá của ngư dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nằm trong vùng ảnh hưởng của siêu bão Megi đã ra khỏi vùng nguy hiểm.
Riêng tàu QNg- 0106 Ts do ông Nguyễn Ngọc Sính làm thuyền trưởng đã được tàu hải quân Brunei cứu toàn bộ 16 ngư dân an toàn vào chiều hôm qua,19-10. Sau khi được tàu hải quân Brunei cứu, ông Sính có liên lạc về tổng đài ở thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng trong sáng nay, ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống Lụt bão & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, làm việc với các cơ quan chức năng để xác định địa điểm tàu Hải quân Brunei cứu ngư dân trên tàu QNg 0106; đồng thời can thiệp để sớm đưa 16 ngư dân trên tàu này về địa phương an toàn.
Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương: khả năng ngày 23-10, bão số 6 (Megi) sẽ đổ bộ vào vùng ven biển Hồng Kông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (tức là từ 167 đến 183 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Hồi 10 giờ ngày 20-10, vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 117,2 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 560km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần bão mạnh cấp cấp 15 (tức là từ 167 đến 183 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10km. Đến 10 giờ ngày 21/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 116,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 480km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (tức là từ 167 đến 183 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 200 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 400 km.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông biển Đông có gió mạnh cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 14, cấp 15, giật cấp 17. Sóng biển cao từ 12 – 14 mét; biển động dữ dội. Vùng biển quần đảo Hoàng Sa gió sẽ mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15; biển động dữ dội.
Nhóm PV