Bi kịch Ranieri, chính kịch Shakespares và hài kịch Vardy

“Chúng tôi sẽ ngẩng cao đầu”, Jamie Vardy nói như thế sau chiến thắng 3-1 trước Liverpool, một chiến thắng quan trọng giúp Leicester vươn lên vị trí thứ 17 sau một ngày bị Crystal Palace vượt mặt. Và tuyên bố đó của tiền đạo chủ lực đội bóng ĐKVĐ khiến người ta phải nghĩ nhiều đến những thân phận và những màn kịch vụng ở Leicester hôm nay.

Mùa hè 2016, sau chức vô địch Premier League, Vardy được đồn đoán sẽ rời Leicester và sang Arsenal hoặc Man United, trong khi đó Mahrez lại được cho rằng đang trong tầm ngắm của toàn các CLB lớn, thậm chí có cả Real và Barca. Trước những thông tin đó, Vardy thông báo “tôi sẽ không bàn đến chuyện đi hay ở trước khi EURO kết thúc”. Là vua phá lưới Premier League, là tân vô địch, mới được lộ sáng và được gọi vào tuyển Anh, Vardy nghĩ mình là một ngôi sao và đủ sức cùng tuyển Anh làm nên điều gì đó. Và điều gì đó là gì? Bị loại ở EURO.

Sau EURO, Vardy cũng muốn ra đi nhưng cả giới chủ CLB lẫn Ranieri đều muốn anh ở lại. Họ nuôi một giấc mơ khác, lớn hơn, đưa Leicester vươn tầm. Bởi vậy, họ không muốn mất bất kỳ ai.

Nhưng cuối cùng, Kante cũng đã sang Chelsea. Nỗ lực giữ chân của Leceister chỉ thành công với Mahrez và Vardy và Leicester nghĩ như thế cũng là đủ.

Như thế sẽ là đủ nếu cầu thủ chịu đá. Dường như, việc Kante sang Chelsea và bay cao với Conte đã kích thích Vardy cùng Mahrez thì phải. Họ nghĩ mình phải ở một nơi nào xứng đáng hơn, phải là những con hùm, chứ không phải những con cáo bé nhỏ xứ tuyết nào đó. Và họ đá một cách đầy cá nhân, như một sự gồng mình chứng tỏ rằng họ ở một đẳng cấp khác so với các đồng đội, những người đã cùng họ làm được kỳ tích 1 năm về trước.

Leicester không thất bại vì thế mới lạ.

Sau trận thắng Liverpool, Jamie Vardy phát biểu với báo chí và thừa nhận rằng đã thuyết phục HLV tạm quyền Shakespares vận hành lối chơi cơ bản của mùa trước. Chỉ một tiết lộ đó thôi đủ cho thấy một điều: Vardy và vài trụ cột có đâm sau lưng Ranieri. Vardy phủ nhận trước báo chí rằng anh và các đồng đội đã “chơi” ông HLV cũ Ranieri nhưng qua hành động và lời nói lại chứng minh ngược lại. HLV người Ý muốn Leicester đi xa hơn nữa, và ông hiểu ở thế bị các đội lớn để mắt, Leicester phải chơi bớt mạo hiểm hơn. Song, học trò ông lại không muốn chơi như thế. Họ phản ứng bằng cách giật đổ ghế của ông. Và Ranieri rơi vào đúng hoàn cảnh của Mourinho ở Chelsea trước đây và rõ ràng, tài năng của họ đã bị chính học trò xoá sạch một cách đầy cay đắng, như một bi kịch thực sự. Bi kịch ấy chúng ta có thể gọi tên là bi kịch Ranieri.

Trong khi đó, Shakespares tự lượng sức mình. Tạm quyền chỉ là tạm quyền. Cố gắng trụ hạng là mục tiêu. Vì thế, ông ta chiều các ngôi sao, quay lại con đường của cái gọi là “lối chơi cơ bản” như Vardy nói, để đóng một vai chính kịch nhạt nhẽo, thiếu sức hút. Đó chính là chính kịch Shakespares, người mang họ của kịch tác gia vĩ đại chuyên gắn liền với các bi kịch.

Còn Vardy, anh ta đang diễn một vở hài kịch vụng và dở. Vụng ở hành động, vụng ở lời thoại, vụng đến mức từ anh, tất cả đều thấu cảm hơn cho thân phận những HLV như Ranieri, Mourinho… Và may mắn cho Mourinho là Man United đã không mua Vardy bởi biết đâu, chỉ sau 1 mùa thành công, chính anh ta lại diễn kịch để đưa HLV bậc thầy vào một bi kịch khác.

Hà Quang Minh

Tin cùng chuyên mục