Bị tái áp đặt lệnh trừng phạt, Iran thắng kiện Mỹ

Ngày 3-10, tại La Haye (Hà Lan), Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) của Liên hiệp quốc ra phán quyết yêu cầu Mỹ đảm bảo việc áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran sẽ không gây ảnh hưởng đến hoạt động cứu trợ nhân đạo và an toàn hàng không. 
Một nhà máy lọc dầu ở Đông Nam Iran
Một nhà máy lọc dầu ở Đông Nam Iran

Phán quyết này được xem là một chiến thắng về pháp lý của Iran trong bối cảnh nước này đang chịu nhiều sức ép từ lệnh cấm vận của Mỹ.

Cần dỡ bỏ lệnh cấm vận Iran

Trong phán quyết sơ bộ, ICJ cho rằng Washington cần dỡ mọi lệnh cấm được đưa ra sau khi nước này rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) đối với việc xuất khẩu thuốc men, thiết bị y tế, thực phẩm, hàng hóa nông nghiệp và thiết bị, phụ tùng cần thiết nhằm đảm bảo an toàn hàng không.

Theo ICJ, các lệnh trừng phạt nhằm vào hàng hóa phục vụ nhu cầu con người có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người dân trên lãnh thổ Iran, trong khi các biện pháp trừng phạt nhằm hạn chế nhập khẩu phụ tùng, thiết bị máy bay cũng có thể gây ảnh hưởng đến an toàn hàng không dân dụng ở Iran và tính mạng của hành khách.

Trong đơn kiện Mỹ đệ trình lên Tòa án Công lý quốc tế hồi tháng 7 vừa qua, Iran cáo buộc việc chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Iran là vi phạm thỏa thuận song phương năm 1955, được gọi là Hiệp ước hữu nghị, vốn quy định quan hệ kinh tế và lãnh sự giữa hai nước.

Phía Iran cho rằng việc Mỹ tái áp đặt trừng phạt là phi lý khi Iran vẫn tuân thủ đúng các điều khoản thỏa thuận. Lệnh trừng phạt không chỉ gây nguy hiểm cho Iran trong việc phục hồi nền kinh tế với đầy đủ chức năng mà còn là trở ngại đối với khả năng bảo đảm về y tế và sự an toàn cơ bản cho người dân, chưa kể đến các dịch vụ giáo dục và xã hội cơ bản. Mỹ đã áp đặt vòng trừng phạt đầu tiên đối với Iran hồi tháng 8 sau khi rút khỏi JCPOA, thỏa thuận được Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015. Dự kiến, vòng trừng phạt thứ 2 sẽ có hiệu lực từ ngày 5-11 tới, nhắm vào lĩnh vực dầu mỏ và năng lượng có giá trị của Iran.

Phiên xét xử được mở vào ngày 27-8 với nội dung tập trung lắng nghe những lập luận và bằng chứng mà luật sư của Iran đưa ra để chứng minh các biện pháp của Mỹ đã gây thiệt hại cho kinh tế của Iran như thế nào. Phía Mỹ đã đưa ra phản ứng bằng văn bản nhấn mạnh rằng ICJ không có thẩm quyền xét xử vụ kiện này và những yêu cầu của phía Iran nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước hữu nghị.

Giá dầu tăng

Trước thời điểm ICJ công bố phán quyết, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cảnh báo nguy cơ Tehran bị đặt vào tình thế buộc phải rút khỏi thỏa thuận JCPOA nếu Liên minh châu Âu ( EU), Trung Quốc và Nga không thể đảm bảo quyền lợi của Iran theo thỏa thuận trên. Hiện EU đang nỗ lực để hoạt động hợp tác thương mại với Iran không bị tác động từ lệnh cấm vận của Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi cho biết nước này và EU đang tiến gần tới một thỏa thuận sơ bộ sau nhiều cuộc đàm phán chuyên sâu. Các ngân hàng trung ương của 7 nước châu Âu sẵn sàng hợp tác với Iran trong bối cảnh những lệnh trừng phạt mới của Mỹ dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 4-11 tới.

Trong khi đó, diễn biến trên thị trường dầu mỏ từ đầu tuần đến nay đã có nhiều biến động. Giá dầu giao tháng 11-2018 liên tục tăng. Trong phiên giao dịch ngày 3-10, giá dầu thô ngọt nhẹ tăng 0,08%, chạm mức 75,29 USD/ thùng. Giá dầu Brent tăng 0,28%, chạm mức 85,04 USD/ thùng... Đã có nhiều dự báo cho rằng giá dầu sẽ đạt mức 100 USD/thùng trước cuối năm nay.

ICJ là cơ quan được Liên hiệp quốc thành lập năm 1946 để giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia, là tòa án cao nhất của Liên hiệp quốc và các quyết định của tòa mang tính ràng buộc, nhưng tòa không có thẩm quyền để thi hành, do đó, nhiều nước từng phớt lờ các phán quyết của ICJ.

Tin cùng chuyên mục