Nhận diện hạn chế để khắc phục
Tại hội nghị, đồng chí Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM báo cáo kết quả thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội đảng bộ TP lần thứ X trong lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Trong 13 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội (với 21 chỉ tiêu thành phần) đề ra từ đầu nhiệm kỳ, đến nay hầu hết đạt và vượt chỉ tiêu. Riêng chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người dự kiến đến cuối 2020 không đạt kế hoạch (9.800 USD).
“Năm 2016 con số này là hơn 5.400 USD, năm 2018 đạt hơn 6.000 USD. Năm 2020 ước đạt 7.500 USD”, đồng chí Lê Thanh Liêm dẫn chứng và phân tích một trong những nguyên nhân không đạt là do dự kiến dân số TP cao hơn so với con số dự báo.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cũng thông tin đối với 7 chương trình đột phá cũng có một số chỉ tiêu có nhiều khả năng không hoàn thành.
Chẳng hạn, ở chương trình giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, chỉ tiêu khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đáp ứng được từ 15-20% nhu cầu giao thông đô thị sẽ khó đạt.
Ở chương trình giảm ô nhiễm môi trường, chỉ tiêu 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường (hiện chỉ đạt hơn 21%), chỉ tiêu giảm 90% lượng chất ô nhiễm vượt chuẩn thải vào nguồn nước mặt cũng khó thể hoàn thành vào cuối nhiệm kỳ.
Cùng đó, chỉ tiêu về di dời nhà trên và ven kênh rạch trong chương trình chỉnh trang phát triển đô thị dự kiến cũng không hoàn thành.
Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, đây là kỳ họp cuối quý 1 như thông thường nhưng có ý nghĩa rất quan trọng.
Hội nghị không chỉ đánh giá kết quả thực hiện quý 1-2019 mà còn dự báo khả năng hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2015-2020. Cùng đó, trên cơ sở phân tích những nguyên nhân dẫn đến một số lĩnh vực, chỉ tiêu có nguy cơ không hoàn thành, sẽ xác định những giải pháp lớn nhằm khắc phục để nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.
Sau các phiên thảo luận tại tổ và tại hội trường, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận xét trong quý 1, TPHCM đã thực hiện nhiều nhiệm vụ cụ thể, tập trung thực hiện các giải pháp cải cách hành chính cũng như các nhiệm vụ, công việc trong những năm còn lại của nhiệm kỳ.
Nhìn chung, TPHCM duy trì được phát triển kinh tế - xã hội và trật tự an toàn xã hội. Công việc trong năm nay, cũng như trụ cột xuyên suốt cho những năm còn lại của nhiệm kỳ là tập trung thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội và đột phá cải cách hành chính.
Cùng đó là thực hiện phong trào sáng tạo, tập trung thực hiện cuộc vận động người dân không xả rác... có kiểm tra hàng quý để tạo sự thay đổi thật sự.
Đề cập một số chỉ tiêu có khả năng không hoàn thành vào cuối nhiệm kỳ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu cần thay đổi cách làm.
“Về việc khép kín đường Vành đai 2 nếu làm theo cách lâu nay thì đến 2020 - 2021 mới có thể xong toàn tuyến”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân lo lắng và yêu cầu tìm phương thức mới đẩy nhanh tiến độ, không thụ động chờ thực hiện dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).
Đồng thời cân nhắc thành lập ban chỉ đạo, bên cạnh cơ quan đầu tư hạ tầng giao thông còn cơ quan quản lý đất đai nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Tương tự, trong chương trình chỉnh trang đô thị, phải coi quản lý trật tự xây dựng là giải pháp hoàn thành chương trình, phải sử dụng Thanh tra xây dựng theo phương thức mới, chuyển lực lượng này về địa phương; rà soát, điều chỉnh quy hoạch 1/5.000, 1/2.000.
Đặc biệt, đối với một số chỉ tiêu, chương trình đang gặp vướng mắc thì tính toán về chính sách có lợi cho người dân để tạo sự đồng tình, góp phần thúc đẩy chương trình hoàn thành theo kế hoạch.
Thay đổi cách làm để thu hút “đại bàng”
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhận xét, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thu hút đầu tư vào TPHCM cao, tăng bình quân 16%/năm. Đây là tiền đề tốt TPHCM tăng trưởng kinh tế trong những năm tới.
Song, đồng chí cũng bày tỏ chưa yên tâm về cơ cấu đầu tư. Chẳng hạn, trong quý 1-2019, TPHCM thu hút đầu tư gần 215.000 tỷ đồng (tăng 9,7% so với cùng kỳ) là khá nhưng có đến 30% vốn đầu tư vào bất động sản. Tương tự, đầu tư nước ngoài trong quý cũng tăng 20% so với cùng kỳ và vốn cũng chủ yếu đổ vào lĩnh vực bất động sản (gần 53%).
Trong khi đó, vốn đầu tư vào chế biến, chế tạo là rất thấp. Nguyên do có phần quỹ đất đáp ứng nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp khá khó khăn.
Đồng chí cũng dẫn chứng đầu tư nước ngoài vào Khu Công nghệ cao tăng dần với mức bình quân 16,7%/năm, nhưng nơi đây cũng hết đất, không còn nhiều khả năng thu hút.
Cũng về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thông tin, mới đây một doanh nghiệp xác nhận sẽ đầu tư khoảng 200 triệu USD vào Khu Công nghệ cao.
“Lâu lắm rồi mới có một doanh nghiệp nước ngoài đầu tư quy mô lớn như vậy”, đồng chí nhận xét và cho biết, hầu hết quy mô vốn đầu tư thời gian qua rất thấp, bình quân 2 triệu USD/dự án.
Điều này cho thấy muốn thu hút đầu tư vào sản xuất thì các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp tại chỗ rất quan trọng. Do đó, TPHCM cần có các chương trình thu hút các doanh nghiệp lớn - là “đại bàng”. TPHCM phải đến tổ mời “đại bàng” về đầu tư vào TPHCM, nếu chỉ ngồi đợi thì “đại bàng” sẽ không đến.
Cụ thể hơn, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, TPHCM đổi cách tiếp cận. Trước tiên cần xác định được các nhà đầu tư lớn để cử đoàn đến tận nước họ và mời chào, kêu gọi đầu tư, chứ không thể thụ động ngồi chờ.
Theo đồng chí, thời gian qua TPHCM có một số hoạt động nhằm cải thiện môi trường đầu tư như tổ chức gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài, hội thảo quốc tế về hợp tác công tư (PPP) cũng như tổ chức các hội nghị chuyên đề, đã góp phần củng cố niềm tin đối với nhà đầu tư.
Tuy nhiên, TPHCM cần phải tiếp tục nỗ lực thực hiện cải cách hành chính, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy thu hút đầu tư.
Cũng trong phát triển kinh tế, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phân tích, hiện nay ở khu vực nội thành không còn đất nên cần quy hoạch hạ tầng cho dịch vụ và tổ chức lại để người dân vừa có chỗ ở tốt hơn, vừa có thể khai thác hoặc cho thuê phục vụ dịch vụ.