Sáng 5-6, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM (số 1, đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, TPHCM), Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 – 5-6-2021).
Dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM…
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhận xét buổi lễ được tổ chức trang trọng và vẫn bảo đảm đúng yêu cầu an toàn về phòng chống dịch Covid-19 đang rất phức tạp. Đồng chí cũng đánh giá cao về nội dung, chương trình triển lãm về Bác.
Mục tiêu tối thượng: Độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân
Trong không khí thiêng liêng và lắng đọng của buổi lễ, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu bày tỏ xúc động khi cả về không gian lẫn thời gian tổ chức buổi lễ đều mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Bởi cách đây tròn 110 năm, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã xuyên dọc chiều dài đất nước, chọn bến cảng này là nơi lên tàu rời xa Tổ quốc, bắt đầu một cuộc hành trình vĩ đại kéo dài suốt 30 năm để tìm con đường cứu nước theo cách của riêng mình.
Hàng năm, vào dịp này, cả nước nói chung, TPHCM nói riêng tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước, thời gian càng lùi xa thì tầm vóc và ý nghĩa của sự kiện ấy càng sáng rõ hơn, càng làm chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn rất nhiều điều về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, một người Việt Nam yêu nước vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.
Bí thư Thành ủy TPHCM nhắc lại bối cảnh lịch sử của đất nước lúc bấy giờ, đất nước ta đang chìm đắm trong ách nô lệ. Dân tộc ta đang khốn cùng dưới hai tầng áp bức: đế quốc, thực dân và phong kiến.
Từ đó, Bác bôn ba khắp 4 châu lục với gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bác hòa mình vào đời sống cùng khổ của người lao động; thấu hiểu sâu sắc nỗi cơ cực và nguyện vọng của công nhân, thợ thuyền và các dân tộc bị áp bức. Bác dày công nghiên cứu các học thuyết, các tư tưởng và đường lối cứu nước khác nhau.
Cuối cùng, với trí tuệ mẫn tiệp và tầm nhìn vượt thời gian, Bác đã tìm đọc Luận cương của Lê nin “Về vấn đề dân tộc và thuộc địa” - tìm thấy con đường duy nhất để giải phóng đất nước, giành độc lập cho dân tộc là con đường cách mạng vô sản và Người đã kiên định với con đường ấy, quyết tâm thành lập chính đảng vô sản để lãnh đạo.
Đến ngày 28-1-1941, Người trở về nước, tại Pắc Pó, Người trực tiếp lãnh đạo, chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua biết bao sóng gió đến bờ bến vinh quang.
Với hành trang thật bình thường và đôi bàn tay bình dị của Bác, nhưng với ý chí cứu nước và khát vọng mãnh liệt, với một nghị lực phi thường, tình yêu Tổ quốc vô bờ bến, bằng sự kiên nhẫn, trì chí trong lao động, học tập, nghiên cứu và khổ luyện, Bác đã tìm thấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê nin, chọn lọc và vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo học thuyết cách mạng tiên phong ấy vào thực tiễn Việt Nam. Đó là lấy độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu tối thượng và làm động lực cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước.
Từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lê nin, Bác đã để lại nhiều di sản vô giá, bền vững với thời gian. “Di sản lớn nhất có lẽ là lẽ sống, là tâm hồn, là tình cảm, là trí tuệ. Một câu nói in đậm trong mỗi người chúng ta là: Điều tôi cần nhất trên đời là tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, đồng chí Nguyễn Văn Nên dẫn chứng.
Sài Gòn - TPHCM: Nơi ghi dấu ấn sâu sắc
Trong cuộc đời mình, Bác trải qua nhiều cuộc hành trình cả trong và ngoài nước nhưng Sài Gòn - TPHCM là nơi ghi dấu ấn vô cùng sâu sắc của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh. Bác đã dừng chân ở Bến Nhà Rồng, Sài Gòn một thời gian vừa đủ để tích lũy kinh nghiệm, chuẩn bị hành trang, củng cố tinh thần cho một chuyến đi vô cùng khó khăn, không kém phần mạo hiểm này.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, từ miền Trung vào Sài Gòn khi đang là một thanh niên trí thức yêu nước, trong sự theo dõi, dò xét của kẻ thù, nhưng nhờ sự giúp đỡ của Hội Liên Thành, Bác có dịp tiếp xúc với nhiều chí sĩ yêu nước, hòa nhập vào đời sống và phong trào yêu nước của nhân dân lao động thành phố Sài Gòn. Bác tận mắt chứng kiến nỗi khổ nhục của người dân xứ thuộc địa, từ đó đã khẳng định sự chín muồi về nhận thức và hành động để Bác quyết định dứt khoát sự lựa chọn của mình. Đúng như nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã viết: “Sài Gòn, nơi tuy Bác dừng chân ngắn nhất, lại có vai trò quyết định đối với sự lựa chọn con đường cứu nước”.
Đặc biệt, từ lúc rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước đến khi về với thế giới của người hiền, mong ước cháy bỏng của Bác là được trở lại thăm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam. Bác thường nhắc Sài Gòn và Nam bộ mãi mãi là tình thương yêu trọn vẹn trong trái tim của Bác.
Và để đáp lại tình cảm ấy, tâm hồn, cốt cách, cuộc đời và sự nghiệp của Bác vẫn luôn trọn vẹn trong trái tim của không chỉ người dân Sài Gòn - TPHCM mà cả người dân Nam bộ.
“Chúng ta đã nghe nhiều câu chuyện cảm động về tình thương yêu của Bác nhưng mỗi khi nhắc lại, ai ai cũng dâng trào cảm xúc”, đồng chí Nguyễn Văn Nên chia sẻ.
Miền Nam là nơi trái tim Bác luôn đau đáu hướng về. Bác từng nói: “Có thể nói rằng ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng. Gộp nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”.
Cho đến phút cuối của cuộc đời, lúc nào Bác cũng dành cho miền Nam những tình cảm to lớn và sâu sắc nhất. Có lẽ vì thế mà cách đây 75 năm (năm 1946), đại biểu các tầng lớp nhân dân Nam bộ đã thiết tha đề nghị Quốc hội và Chính phủ cho thành phố Sài Gòn được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. 30 năm sau ước nguyện đó trở thành hiện thực. Đúng ngày 2 tháng 7 năm 1976, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI, thành phố Sài Gòn - Gia Định được chính thức vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TPHCM luôn mang trong mình niềm vinh dự, lòng tự hào ấy và ý thức trách nhiệm sâu sắc”, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh.
Theo đồng chí, trong suốt hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, nhân dân TPHCM đã luôn nêu cao lòng yêu nước, kiên định con đường đấu tranh cách mạng, một lòng son sắt với Đảng và Bác Hồ, cùng với miền Nam thành đồng “đi trước về sau”, đấu tranh bền bỉ cho đến ngày đất nước hòa bình, thống nhất.
Về TPHCM hôm nay, Bí thư Thành ủy TPHCM đánh giá, 45 năm sau ngày được mang tên Bác, TPHCM đã chuyển mình mạnh mẽ trên con đường xây dựng và phát triển. TPHCM cũng là nơi khởi nguồn của nhiều phong trào đổi mới, năng động sáng tạo, không ngừng vươn lên về mọi mặt.
Do đó, hiện nay, TPHCM còn rất nhiều việc phải làm nhưng đồng chí Nguyễn Văn Nên bày tỏ tin tưởng, với truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình của người dân TPHCM, chúng ta nhất định sẽ chung sức đồng lòng xây dựng, phát triển thành phố giàu đẹp, văn minh để xứng đáng hơn với vinh dự thành phố mang tên Bác, để chất lượng sống của người dân không ngừng được nâng cao. Đó cũng là mong ước lớn lao của Bác.
Với sự trân quý và ghi ơn công lao trời biển của Bác Hồ kính yêu đối với Tổ quốc và dân tộc, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đã xác định: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng thành phố trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác”.
“Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là nghĩa vụ thiêng liêng của Đảng bộ, chính quyền và mỗi người dân TPHCM trong việc học tập và làm theo Bác để tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết, nhân nghĩa, hòa hợp, khoan dung trở thành nền tảng trong đời sống tinh thần của xã hội và biểu tượng sáng ngời của Bác luôn hiện hữu trên thành phố chúng ta”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ kính yêu ra đi tìm đường cứu nước, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng, đây cũng là dịp để nhắc nhở Đảng bộ, chính quyền và mỗi người dân TPHCM nói chung, thế hệ trẻ nói riêng về trách nhiệm của mình, "Bác Hồ và các thế hệ đi trước đã dâng hiến cuộc đời và xương máu của mình để hoàn thành nhiệm vụ giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc. Các thế hệ đi sau có bổn phận phải tiếp tục thực hiện quyết tâm xây dựng, bảo vệ đất nước sao cho xứng đáng".
Theo đó, chúng ta học ở Bác sự rèn luyện trí tuệ với tầm nhìn vượt thời gian và quyết tâm thực hiện bằng được con đường đã chọn. Chúng ta học được Bác về tình yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, lòng quả cảm, đức hy sinh, sự bền bỉ trong lao động và tinh thần học tập suốt đời. Qua đó, mỗi người phải luôn trăn trở, tìm tòi suy nghĩ, đổi mới để vượt qua chính mình; vận dụng sáng tạo kiến thức vào thực tiễn cuộc sống; phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đối với công việc và chức trách, nhiệm vụ của mình.
Đặc biệt, đối với thế hệ trẻ, là tương lai của đất nước, tương lai của TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM tin rằng với sức trẻ tài năng, thông minh, nhiệt huyết, các bạn sẽ không ngừng nuôi dưỡng ước mơ, xây dựng hoài bão lớn, kiên trì trong học tập, nghiên cứu, lao động sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ, sẵn sàng cống hiến cho sự phát triển của TPHCM, của đất nước. Đó là cách để học Bác về bồi đắp lý tưởng cách mạng, lý tưởng sống, thể hiện ý chí và khát vọng vươn lên bằng trái tim, khối óc của mình để đóng góp xây dựng và phát triển thành phố, xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác hằng mong muốn.
Tư tưởng, tầm nhìn về xây dựng, phát triển đất nước vẫn vẹn nguyênTheo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, ngày nay, chúng ta sống trong bối cảnh thế giới đầy biến động, với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, với rất nhiều trào lưu và tư duy mới. Song, từ tấm lòng yêu nước, thương dân đến tư tưởng, tầm nhìn của Bác về con đường xây dựng và phát triển đất nước vẫn vẹn nguyên.Tư tưởng, đạo đức, phong cách và cả cuộc đời chiến đấu vì độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân của Bác mãi mãi soi sáng, dẫn dắt dân tộc ta tiến về phía trước trên hành trình hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Như trong Di chúc Bác đã viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Để thực hiện mục tiêu đó, Bác nhắc nhở những điều giản dị nhưng vô cùng quan trọng. Đó là phải chỉnh đốn lại Đảng, giữ gìn sự đoàn kết của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình; không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân và chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, những điều mà Đảng ta đã, đang và tiếp tục làm theo di chúc, ước nguyện cuối cùng của Bác. |