Giữa tháng 8-2013, nước lũ đang tràn về các địa phương đầu nguồn sông Cửu Long. Dân buôn lậu cũng ào ạt theo lũ “tràn” qua biên giới trong khi lực lượng chức năng các địa phương dọc biên giới Tây Nam đang tăng cường các biện pháp phòng chống, nhưng xem ra đầy gian nan!
Có thể nói buôn lậu qua biên giới đang gây thiệt hại nặng cho nguồn thu thuế, tác động xấu đến các nhà sản xuất, nhất là các mặt hàng như mía đường, thuốc lá.
Theo Thượng tá Hoàng Văn Thanh, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, hiện dân buôn lậu chuyển hướng rất mạnh, đặc biệt là mặt hàng đường cát Thái Lan. Các đối tượng này lén lút vận chuyển qua sông Tiền ngụy trang bằng ghe chở lúa. Có đêm đi 2 - 3 ghe, chở khoảng 40 - 80 tấn đường cát. Ở khu vực biên giới gần như chúng ta chưa phát hiện được vụ vận chuyển nào lớn. “Theo tôi, cần phải tăng cường lực lượng và biện pháp nghiệp vụ để đánh trúng, phá được đường dây buôn lậu đường và thuốc lá mới là thắng lợi lớn”, Thượng tá Thanh khẳng định.
số liệu tại cuộc giao ban mới đây của Bộ Công thương, trong 7 tháng đầu năm 2013, toàn ngành thuốc lá sản xuất được 1,9 tỷ bao, nhưng ước số lượng thuốc lá nhập lậu cũng chiếm khoảng 1 tỷ bao. Điều này đã làm Nhà nước thất thu 40.000 tỷ đồng tiền thuế mỗi năm, bằng với nguồn thu ngân sách của nhiều tỉnh cộng lại.
Vấn đề ai cũng nhìn thấy là buôn lậu đường cát ngày càng tinh vi. Trong bối cảnh nghề trồng mía ở Việt Nam còn lạc hậu về giống, kỹ thuật, sản xuất nhỏ lẻ, chưa cạnh tranh với đường Thái Lan thì chuyện chống buôn lậu rất cần thiết. “Thời gian qua, các đối tượng buôn lậu đường dùng thủ thuật thay vỏ bao trắng không nhãn mác từ biên giới vận chuyển nhỏ lẻ qua biên giới, rồi hợp thức hóa bằng biên lai, hóa đơn mua của các nhà máy trong nước. Trường hợp này, phát hiện ngay biên giới thì xử lý là đường nhập lậu, không cãi được. Nhưng nếu hàng từ Tịnh Biên, ra đến kinh Vĩnh Tế thì chúng tôi thua. Dân buôn lậu sẽ chìa hóa đơn ra và nói xuống ghe giao hàng cho người ta”, một cán bộ chống buôn lậu cho biết.
Hiểu được những khó khăn của lực lượng chống buôn lậu, đầu tháng 8-2013, Công ty TNHH Dịch vụ đại diện SHCN châu Á (AIP) và Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã ký kết thỏa thuận với Ban Chỉ đạo 127 tỉnh An Giang. Theo đó, hai đơn vị này hỗ trợ 300 triệu đồng/đơn vị cho lực lượng tham gia chống buôn lậu của tỉnh. Đồng thời, phía địa phương sẽ phối hợp thông tin qua lại với hai đơn vị “tài trợ” khi cần thiết. Ban Chỉ đạo 127 tỉnh An Giang mong muốn Hiệp hội Mía đường Việt Nam sẽ phối hợp, hỗ trợ về mặt kỹ thuật, pháp lý cho các tỉnh trong chống buôn lậu đường.
Được biết, hiện nay dân buôn lậu đường chỉ mua đường của các nhà máy với số lượng nhất định, sau đó “quay vòng hóa đơn” này cho các chuyến buôn lậu. “Vấn đề này chúng tôi sẽ kiến nghị với Bộ Tài chính để thay đổi hợp lý và có cách quản lý hóa đơn hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết.
| |
CAO PHONG