Cuối năm, tình hình buôn lậu ở biên giới Tây Nam lại trở nên sôi sục. Bất kể ngày đêm, đường cát Thái Lan, thuốc lá, rượu ngoại… ồ ạt tràn về nước ta bằng nhiều ngả đường.
Tràn lan đường cát, thuốc lá lậuTrên địa bàn tỉnh An Giang, từ lâu địa bàn vùng biên như thị trấn Long Bình, các xã Khánh An, Khánh Bình (huyện An Phú) và Vĩnh Ngươn (thị xã Châu Đốc) được mệnh danh là “thủ phủ” của đường cát lậu.
Trên tuyến tỉnh lộ 956, đoạn đi qua xã Khánh An có rất nhiều con hẻm nhỏ dẫn xuống sông Bình Di (một nhánh của sông Hậu). Đây chính là những đường tiểu ngạch để dân buôn lậu vận chuyển hàng hóa từ Campuchia về nước ta. Từ các con hẻm này, thường xuyên gặp những xe gắn máy chở từ 3 đến 5 bao đường cát, loại 50kg/bao. Điều khá lạ, những bao đường lậu này còn nguyên nhãn mác Thái Lan, chưa được thay bằng bao “made in Viet Nam” như thông thường.
Theo ông Tư, làm nghề buôn bán ở xã Khánh An, huyện An Phú, hiện giá đường Thái Lan nhập về chỉ khoảng 16.000 - 17.500 đồng/kg, bán tại thị trường trong nước lời khoảng 2.000 đồng/kg. Những người chở đường lậu thuê được trả công từ 5.000 - 10.000 đồng/bao, tùy theo đoạn đường.
Cũng theo ông Tư, hơn hai tuần nay, lực lượng chức năng cũng ráo riết bắt giữ hàng lậu. Tuy nhiên, dân buôn lậu đã tổ chức một đội ngũ vệ tinh khá hùng hậu, suốt ngày chỉ chạy xe vòng vòng, theo dõi mọi ngóc ngách. Phát hiện người lạ hoặc động thái của lực lượng chức năng, những vệ tinh này liền báo cho đồng bọn ở khu vực tập kết, kho hàng lậu để ngưng mọi hoạt động. Khi an toàn, hoạt động vận chuyển hàng lậu lại rầm rộ.
Trên bờ tấp nập, dưới sông Bình Di cũng sôi sục chẳng kém. Đoạn sông Bình Di, từ ấp Bắc Nam lên ấp Mương Vú (xã Bẹc Chạy, huyện Cỏ Thum, tỉnh Kandal) dài khoảng 4km đã có hàng chục ghe chở đường cát, phủ bạt ngụy trang nằm rải rác chờ thời cơ để giao hàng. Thông thường, khi trời vừa nhá nhem tối là các ghe bốc hàng lên kho.
Còn trên địa bàn xã Vĩnh Ngươn (thị xã Châu Đốc) mỗi ngày có khoảng 50 chiếc vỏ lãi chở 50 bao/lượt, luân phiên nhau đi lấy và giao hàng. Với số lượng phương tiện vận chuyển hùng hậu này, chỉ trong một buổi sáng đã có khoảng 50 tấn đường được đưa vào sâu trong nội địa.
Theo lực lượng Hải quan An Giang, “chiêu” quen thuộc để qua mặt lực lượng chức năng của dân buôn lậu đường vẫn là “thay áo”, đóng gói đường Thái Lan vào bao bì Việt Nam rồi hợp thức hóa lượng hàng lậu bằng chứng từ mua hàng tịch thu hóa giá hoặc hóa đơn hàng nội địa. Sau đó vô tư đưa về tiêu thụ các chợ ở ĐBSCL, TPHCM…
“Sốt” chẳng kém đường cát là mặt hàng thuốc lá, rượu ngoại. Bao năm nay, tuyến quốc lộ 91 từ Châu Đốc về Long Xuyên (An Giang), người đi đường đã quá quen với những tốp xe máy chạy với tốc độ kinh hoàng của dân cửu vạn. Hàng được đưa tốc hành về Long Xuyên rồi tiếp tục chuyển về TP Cần Thơ và các tỉnh khác tiêu thụ. Còn ở các khu vực thị xã Hà Tiên (Kiên Giang), xã Thường Phước (Đồng Tháp); huyện Đức Huệ (Long An), gần đây cũng có hàng loạt vụ buôn lậu thuốc lá bị bắt giữ.
Cần biện pháp căn cơ
Trước tình hình buôn lậu vào dịp cuối năm đang trở nên phức tạp, lực lượng hải quan, bộ đội biên phòng các tỉnh giáp biên giới Tây Nam như An Giang, Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp đều lên kế hoạch tăng cường công tác tuần tra kiểm soát…
Theo đánh giá của ông Đinh Văn Tươi, Phó Cục trưởng Cục Hải quan An Giang, tình hình buôn lậu trên địa bàn tỉnh có giảm so với các năm trước nhưng vẫn rất phức tạp, nhất là hàng thuốc lá điếu, đường cát. Đối tượng buôn lậu chủ yếu là dân đai thuê, vác mướn nhỏ lẻ qua biên giới rồi tập kết tại các khu dân cư, sử dụng ô tô, gắn máy, ghe, xuồng để vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ.
Còn tại Kiên Giang, lực lượng hải quan cũng vừa bắt giữ vụ vận chuyển số lượng lớn thuốc lá lậu ở khu vực cầu Hà Giang, thị xã Hà Tiên, thu giữ gần 6.800 gói thuốc lá ngoại nhập lậu. Hay tại Cần Thơ, mới đây, khi kiểm tra đột xuất xe tải BKS: 65K-6267 do Võ Thị Mộng Tuyền (SN 1975, xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) làm chủ, lực lượng chức năng phát hiện 40 thùng thuốc lá ngoại, trị giá 200 triệu đồng. Tuyền khai nhận mua số thuốc lá nói trên gần chợ tại khu vực cửa khẩu Tịnh Biên với giá từ 5 - 5,5 triệu đồng/thùng.
Trước đó Tuyền đã mua và vận chuyển trót lọt 8 chuyến, mỗi chuyến 40 thùng, đến chuyến thứ 9 thì bị bắt giữ. C. Ly, một người vận chuyển hàng lậu ở An Giang cho biết, mỗi thùng thuốc lá vận chuyển trót lọt đến nơi tiêu thụ, dân buôn lậu kiếm lời khoảng 40.000 - 50.000 đồng.
Tại biên giới Đồng Tháp, Long An, buôn lậu cuối năm cũng diễn biến phức tạp. Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An, mỗi ngày có từ 150.000 - 200.000 gói thuốc lá nhập lậu qua đường biên giới và từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã bắt và tịch thu gần 1,5 triệu gói thuốc lá lậu.
Những kết quả trên là rất đáng khích lệ. Song, nếu so với lượng hàng vận chuyển và tiêu thụ trót lọt sẽ chẳng thấm vào đâu. Thiết nghĩ để kiểm soát được tình trạng buôn lậu đòi hỏi các cấp chính quyền từ xã đến tỉnh cũng như các ngành chức năng phải thực sự quyết tâm. Tuy nhiên, để quyết tâm bắt những cư dân sống nhờ buôn lậu thì trước hết phải có những chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, phát triển kinh tế vùng biên giới, sao cho những người vận chuyển hàng lậu có thể sống bằng nghề nghiệp khác ổn định hơn.
Xăng lại chảy qua biên giới Tại khu vực gần Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (An Giang), vào những ngày cận Tết Nguyên đán, trung bình mỗi ngày có khoảng 2.000 can xăng dầu (loại 30 lít/can) được các con buôn khẩn trương đưa qua biên giới cả ngày lẫn đêm. Hiện tại, nguồn hàng cung cấp chủ yếu từ cây xăng của ông B., K.P. (thị trấn Tịnh Biên) và N.L. (xã An Phú). Trong đó, cây xăng dầu ông B. và N.L. được các tay đánh thuê vận chuyển bằng đường bộ về tập kết tại khu vực gần chợ bò Tà Ngáo. Tuy nhiên, nơi cung cấp và vận chuyển thuận tiện nhất chính là bè xăng K.P. do nằm cặp mé sông nên thường xuyên tấp nập ghe mua xăng. Giá xăng A92 sau khi được đưa qua biên giới sẽ tăng lên 28.000 đồng/lít. Nếu trừ đi các chi phí, chủ hàng sẽ lời từ 5.000 - 6.000 đồng/lít. |
ĐÌNH TUYỂN – KHÁNH HƯNG