Văn hóa luôn là hồn, là tài nguyên của du lịch. Biểu tượng văn hóa khẳng định thế mạnh và tạo tiền đề đa dạng sản phẩm mới, điều mà du lịch đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu.
Đất Sen Hồng
Đến Đồng Tháp, đi đâu hầu như cũng gặp ao sen ngạt ngào hương sắc. “Tháp Mười đẹp nhất hoa sen”. Toàn huyện Tháp Mười hiện có 350ha trồng sen, tập trung ở xã Mỹ Hòa, Mỹ Quý, Tân Kiều và Láng Biển. Lợi nhuận trồng sen cao gần gấp đôi cây lúa nên nhiều nông dân Đồng Tháp linh hoạt chuyển sang trồng sen, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu ra nước ngoài. Lạ kỳ nhất là “sen vua” ở chùa Phước Kiển (xã Hòa Tân - Châu Thành), mỗi ngày nở 5 - 6 màu, hương thơm thanh khiết, lá tròn vành vạnh, đường kính 2 - 4m; có thể nâng, di chuyển vật nặng đến 60-70kg…
Những năm gần đây, sen được Đồng Tháp quan tâm, nâng tầm hơn nhiều. Chỉ sau 2 năm xuất hiện, “Khu du lịch Đồng Sen Tháp Mười” (xã Mỹ Hòa - huyện Tháp Mười) đã đón tiếp trên 200.000 lượt khách tham quan, sỡ hữu một fanpage gần 45.000 người theo dõi, xuất hiện trong hơn 20 chương trình quảng bá du lịch Việt Nam và làm bối cảnh của nhiều bộ phim về miền sông nước Tây Nam bộ… “Làng du lịch văn hóa cộng đồng Sen”, tôn vinh văn hóa sen, góp phần phát triển du lịch và kinh tế địa phương, là tâm huyết của nhóm bạn trẻ lập ra mô hình du lịch sinh thái cộng đồng này.
“Thuần khiết như hồn sen”, đó là thông điệp du lịch Đồng Tháp muốn truyền tải. Biểu trưng (logo) du lịch Đồng Tháp hiện nay là búp sen cách điệu hình chim sếu. Đồng Tháp tự hào là quê hương của sen; hãnh diện, tự tin với tên gọi “Đất Sen Hồng”.
Du lịch Đồng Tháp với biểu tượng sen
Hòa quyện trong từng nhịp thở
Ngoài Đồng Tháp, một số địa phương trong vùng đã nhận diện, khai thác khá tốt hình ảnh, biểu tượng văn hóa của mình.
“Thấy dừa thì nhớ Bến Tre”. Nước dừa, cơm dừa, gáo dừa, vỏ dừa, chà dừa, mụn dừa, chỉ xơ dừa, thân dừa, rễ dừa… quý giá “từ rễ đến ngọn”, hòa quyện trong từng nhịp thở của người dân xứ này. Con đường Dừa tại công viên Cái Cối (xã Mỹ Thạnh An - TP Bến Tre) là xứ dừa thu nhỏ, phác họa khá toàn diện “đời dừa và đời người”. Văn hóa ẩm thực Bến Tre độc đáo cũng bởi có bánh xèo nước cốt dừa, tép rang dừa, gỏi củ hủ dừa, gà luộc nước dừa, kem dừa, chè dừa, cơm dừa nạo sấy… Sản phẩm thực phẩm, công nghệ, mỹ phẩm (dầu dừa, mặt nạ dừa…) chiếm hơn 15% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, có mặt trên 68 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Cả phương Nam và suốt dọc dài dải đất chữ S không đâu có cây đờn kìm “khủng”, được cách điệu tinh tế như ở quảng trường Hùng Vương, trung tâm TP Bạc Liêu. Đờn kìm còn được “treo” trên đỉnh núi Khu du lịch Nhà Mát, nơi sẽ xuất hiện “Khách sạn đờn kìm” trong tương lai gần. Bạc Liêu, vùng đất của “Dạ cổ hoài lang” đã tôn vinh nhạc cụ này thật ấn tượng, sang trọng; giúp lan tỏa vào lòng người sâu đậm hơn. Thành phố “đờn kìm”, thành phố “đờn ca tài tử” là cụm từ xuất hiện gần đây khi người ta nói về Bạc Liêu.
Biểu tượng văn hóa địa phương là điều vô cùng cần thiết trong bối cảnh hội nhập, đa dạng văn hóa toàn cầu sâu rộng, gay gắt hiện nay và sắp tới. Và là một trong những giải pháp hữu hiệu chống xói mòn bản sắc văn hoá dân tộc, góp phần giữ vững vị thế, hình ảnh địa phương.
Sức mạnh và lợi thế cộng đồng
Biểu tượng, “đơn vị cơ bản” của văn hóa, loại hình “ký hiệu” rất cổ xưa ra đời từ buổi bình minh của lịch sử hình thành nhân loại. Nó phủ trùm các yếu tố văn hóa vật thể hoặc phi vật thể, có khi lại được thể hiện cụ thể qua một địa danh, một giai thoại, một sự kiện, di sản, di tích… Dù ở cấp độ nào biểu tượng đó vẫn phải gắn bó mật thiết, lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống sinh hoạt cư dân bản địa.
Biểu tượng trên tầm mức cao luôn kết tụ những giá trị vật chất, tinh thần; lắng đọng những tinh hoa đặc sắc của lịch sử, truyền thống và thể hiện sự sáng tạo đầy năng động trong trí tuệ, cốt cách, tâm hồn của cộng đồng. Vì vậy, biểu tượng mang tính chắt lọc, liên tưởng cao; không thể khiêm cưỡng, duy ý chí.
Với tầm nhìn đó, một trong những nội dung quan trọng của “Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính là xây dựng biểu tượng văn hóa quốc gia, thương hiệu sản phẩm văn hóa quốc gia. Hà Nội chọn biểu tượng Khuê Văn Các, TPHCM có Bến Nhà Rồng, TP Đà Nẵng - cầu Rồng, Huế có Ngọ Môn - Hoàng thành... Các biểu tượng, biểu trưng văn hóa địa phương sẽ làm sống động hơn sự “thống nhất trong đa dạng” của văn hóa nước nhà. Điều này càng ý nghĩa hơn khi theo khảo sát gần đây của ngành du lịch, có tới 70% du khách nước ngoài đến Việt Nam chủ yếu để tìm hiểu, khám phá về văn hóa Việt.
Nhìn vào biểu tượng văn hóa, người ta dễ dàng nhận biết thế mạnh, bản sắc văn hóa, diện mạo của địa phương. Đưa ra những “chỉ dấu” của sự khác biệt, cơ sở quan trọng để tạo ra sản phẩm mới, không trùng lắp và đa dạng hơn sản phẩm du lịch, có thương hiệu và tính cạnh tranh cao, điều mà đồng bằng đang thiếu. Sen Đồng Tháp, đờn kìm Bạc Liêu, dừa Bến Tre... được nâng tầm quản lý, khai thác có định hướng, chuyên nghiệp hơn đã giúp đưa hình ảnh địa phương đi xa, thu hút thêm nhiều lượng khách đến tham quan, khám phá. Cần Thơ có bến Ninh Kiều; Sóc Trăng có lễ hội đua ghe ngo; Trà Vinh rộn ràng đầy sắc màu Ok Om Bok; Tiền Giang vang dội ngàn năm chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút; Cà Mau lạc quan với chuyện của bác Ba Phi hay mênh mông rừng đước…
Tuy nhiên, khai thác hiệu quả, bền vững sản phẩm du lịch hay không phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của Nhà nước và quyết tâm của địa phương.
“Đến giề lục bình phiêu linh còn biết mang phù sa vào cội rễ” (Sơn Nam). Biểu tượng văn hóa là chiều sâu, sức mạnh của một nền văn hóa. Để khai thác các hình ảnh, yếu tố, biểu trưng, biểu tượng văn hóa thành sản phẩm du lịch sống động, có chiều sâu, đủ sức “bỏ sầu (ấn tượng, tình cảm) cho ai”, và nhất là để bền vững hơn rất cần sự tham gia của các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa. Đây cũng là vấn đề thường bị “lãng quên” của hầu hết các dự án du lịch suốt nhiều năm qua trên đất đồng bằng.
VŨ THỐNG NHẤT