Bình Định: Ruộng “khát” vì cắt điện

Nắng nóng kéo dài, ao hồ khô cạn, thời điểm xuống giống vụ hè-thu đã và đang diễn ra, ngành nông nghiệp huyện An Nhơn đang rất cần nước tưới.

Nắng nóng kéo dài, ao hồ khô cạn, thời điểm xuống giống vụ hè-thu đã và đang diễn ra, ngành nông nghiệp huyện An Nhơn đang rất cần nước tưới.

Tại xã Nhơn Phong, hơn 120ha lúa vụ hè vừa xuống giống chừng 1 tháng đang thiếu nước tưới trầm trọng. Đợt nắng nóng vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Ông Cao Thiên Bình, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) Nhơn Phong cho biết: “HTX có 510ha đất sản xuất lúa thì đã có đến 120ha không được “ăn” nước tự chảy, tập trung tại 2 thôn Trung Lý và Liêm Định, vì vậy phải trông chờ vào 4 trạm bơm điện. Nhưng từ khi ngành điện thực hiện tiết kiệm, mỗi tuần cắt điện 2 ngày từ 7 giờ đến 19 giờ và mỗi ngày trong tuần đều cắt điện từ lúc 5 giờ đến 7 giờ nên chúng tôi không biết xoay xở như thế nào với những diện tích “ăn” nước trạm bơm."

Ông Cao Thiên Bình cho biết thêm: "Những ngày không bị cúp điện thì 7 giờ sáng mới khởi động máy bơm nhưng tưới được vài giờ là “chạm” giờ cao điểm buổi trưa nên phải dừng lại. Buổi chiều cũng chỉ nổ máy được vài giờ thì cũng chạm cao điểm buổi tối. Chúng tôi chẳng thể bơm nước vào giờ cao điểm bởi giá điện của HTX Điện Nhơn Phong bình thường đã là 1.100 đồng/kWh, còn vào giờ cao điểm thì giá quá cao nên không đủ kinh phí để chi trả”.

Theo ông Bình, 40ha cây màu vụ hè ở 2 thôn Trung Lý và Liêm Định mới thật sự khốn đốn. Do hai thôn này ở xa, trong khi máy bơm hoạt động chỉ vài giờ rồi dừng nên nước tưới rất hạn chế.

Tại xã Nhơn Khánh cũng có 520ha đất canh tác nông nghiệp đang thiếu nước tưới trầm trọng do 8 trạm bơm trên địa bàn phải thường xuyên nghỉ bất đắc dĩ vì cắt điện. Tương tự, diện tích sản xuất lúa vụ thu ở xã Nhơn Hậu đang chuẩn bị xuống giống cũng phải sống chung với cắt điện nên hết đường xoay trở.

Ông Lê Ngọc Anh, Chủ nhiệm HTXNN Nhơn Hậu, cho biết: “Xã có 376ha đất trồng lúa và hơn 80ha đất trồng các loại cây màu. Ở thời điểm căng quá, chúng tôi đành bấm bụng bơm nước vào giờ cao điểm, chấp nhận trả giá điện 1.500 đồng/kWh, nhưng vẫn không kịp phục vụ sản xuất. Tại mỗi trạm bơm, chúng tôi đều bố trí từ 2 máy trở lên, toàn máy có công suất lớn nên HTX đang là “con nợ” của ngành điện. Mặc dù tỉnh, huyện đã có văn bản chỉ đạo ngành điện chậm đòi nợ các trạm bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng nợ nhiều, nợ dai quá nên họ không chấp nhận”.

Theo ông Nguyễn Thành Minh, Trưởng phòng Kinh tế huyện An Nhơn, toàn huyện có khoảng 6.800ha lúa gieo sạ vụ hè-thu, trong đó 1.600ha đã xuống giống hơn 1 tháng nay. Nguồn nước tưới tự nhiên ở huyện được hưởng nước tưới từ hồ Núi Một và sông Kôn ở mức cho phép. Cạnh đó, vẫn có 2.000ha đất ruộng tại các xã Nhơn Khánh, Nhơn Hậu, Nhơn Mỹ, Nhơn An đang rất căng vì phụ thuộc vào nước tưới từ 49 trạm bơm điện. Mặc dù UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo ưu tiên không cắt điện tại các trạm bơm nhưng ngành điện không thể thực hiện được.

Ông Minh cho biết: “Chỉ khoảng 7 trạm bơm là có đường điện riêng, các trạm còn lại đều dùng chung đường dây điện hạ thế với khu vực dân cư nên phải chịu chung số phận. Trước tình cảnh bức bách, UBND huyện An Nhơn đang có văn bản đề nghị Điện lực Bình Định ngừng cắt điện tại các xã có diện tích lúa đang chuẩn bị gieo sạ khoảng 10 ngày để đảm bảo nước tưới cho ruộng đồng. Nếu không, chẳng một nông dân nào gieo được thứ gì trên những cánh đồng khô khốc đó”.

HOÀNG TRỌNG

Tin cùng chuyên mục