Binh đoàn nghệ thuật ở Điện Biên

Cuối năm 2023, nhà văn Châu La Việt hoàn tất cuốn tiểu thuyết lịch sử Vầng trăng Him Lam (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân) với nhân vật trung tâm là nhạc sĩ Đỗ Nhuận và bối cảnh chính là chiến dịch Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó, trong tác phẩm còn có những con người cũng đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử, như vợ chồng đạo diễn Khắc Tuế - nghệ sĩ Ngọc Diệp.

1. Đạo diễn Khắc Tuế xuất thân là một người lính chiến, xạ thủ súng không giật bazooka thuộc Trung đoàn 64, Đại đoàn 320. Tuy nhiên, nhận thấy người lính trẻ có phần hợp với nghệ thuật hơn cây súng, hai nhạc sĩ Huy Du và Vũ Trọng Hối khi đó đang là phụ trách Đoàn văn công của Đại đoàn 320 đã đưa ông về để xây dựng đội múa. Và ông đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trong vai trò một nghệ sĩ biểu diễn phục vụ chiến sĩ trên chiến trường.

Y6A.jpg
Vợ chồng đạo diễn Khắc Tuế - nghệ sĩ Ngọc Diệp đã bên nhau từ chiến dịch Điện Biên năm xưa

Dù đã ở tuổi hơn 90, nhưng mỗi lần nhắc lại những ngày tháng vào chiến dịch năm ấy, đạo diễn Khắc Tuế vẫn không giấu được cảm xúc. Khi đó, các đoàn văn công của Đại đoàn 308, 320, 351, 316, 312... đều tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Các nghệ sĩ sống, biểu diễn và khi cần sẽ chiến đấu như chiến sĩ. Với tính quảng giao, Khắc Tuế nhanh chóng quen biết rất nhiều đồng chí xung quanh, từ Chính ủy Mạc Ninh (Chính ủy Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, đơn vị đánh trận mở màn Him Lam), Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 141 Lê Nam, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, rồi các văn nghệ sĩ như Hoàng Vân, Ngọc Lương, Nguyễn Tý, Phùng Đệ, Nguyễn Thành (tác giả ca khúc Qua miền Tây Bắc)… và đặc biệt là nữ văn công Ngọc Diệp, người sau này trở thành bạn đời của ông.

Bà xuất thân là một tiểu thư “lá ngọc cành vàng”, tham gia bộ đội rồi cùng 25 nghệ sĩ trong Đoàn văn công Đại đoàn 308 Quân Tiên phong vượt đèo Khâu Vác tiến vào Điện Biên Phủ. Những lúc không biểu diễn, họ lại trở thành người lính, cùng tham gia sửa đường cho bộ đội kéo pháo trong suốt chiến dịch. Giữa chiến trường khốc liệt, mối tình của hai nghệ sĩ - chiến sĩ đã nảy nở và trường tồn theo thời gian. Như chia sẻ của nhà văn Châu La Việt: “Thật ra thì trong tiểu thuyết, hình tượng chị Ngọc Diệp đậm nét nhiều hơn so với hình tượng anh Khắc Tuế. Lý do là bác Khắc Tuế yêu vợ hơn bản thân mình, nên cứ hỏi gì là lại kể về vợ, chuyện của bác đâm ra lại ít hơn”.

2. Khi được hỏi, ấn tượng nào ghi đậm với bác trong những ngày tháng biểu diễn ở Điện Biên Phủ, nhất là về buổi diễn trên đồi Him Lam ngày ấy, đạo diễn Khắc Tuế lại bùi ngùi. Với bác, có rất nhiều kỷ niệm về những ngày tháng đó, vui có, buồn có, rất nhiều cũng đã được viết thành sách, dựng thành phim, thành kịch. “Nếu muốn nói điều mà trước giờ ít nói thì có lẽ chính là hình ảnh những sĩ quan chính trị, cụ thể là người sĩ quan tuyên huấn mà tôi vốn đứng trong hàng ngũ đó”, bác Khắc Tuế tâm sự.

Theo lời kể của đạo diễn Khắc Tuế, khi đó ông rất thân thiết với nhiều sĩ quan tuyên huấn như các anh Lê Nam, Mai Quốc Ca, Quốc Bảo… Hôm nay, 70 năm sau chiến dịch, đọc lại những dòng chữ miêu tả sự hy sinh anh dũng của các anh, nước mắt bác lại trào ra. Ngày ấy, cũng biết tin người còn, người mất, nhưng những ngày chiến dịch dồn dập trôi qua làm mờ đi cảm xúc. Hôm nay đọc lại, lại nhớ hình ảnh các anh ngồi xem các tiết mục biểu diễn ngay chiến địa Him Lam còn nóng rẫy mùi khói đạn, vui vẻ bắt tay chúc mừng, rồi sau đó ít ngày, đoàn lại đến đơn vị biểu diễn, thấy vắng đi nhiều người. “Sĩ quan chính trị luôn ở mũi tiên phong, như người lính xung kích, sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh. Từ Điện Biên Phủ đến Đường 9, Khe Sanh…, họ luôn là tấm gương oai hùng”, bác Khắc Tuế ngậm ngùi.

3. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, đạo diễn Khắc Tuế lại cùng đồng đội bước vào một cuộc chiến khác, không tiếng súng nhưng chẳng kém phần ác liệt. Ông về Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị (nay là Nhà hát ca múa nhạc Quân đội) rồi cùng đoàn đi biểu diễn ở nhiều nước, từ Trung Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ, Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Indonesia… đến các Festival Thanh niên sinh viên quốc tế. Năm 1960, ông được cử đi học biên đạo múa tại Triều Tiên. Sau khi về nước, ông vào chiến trường Khu 5 làm công tác binh vận một thời gian cho đến khi chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi ông về, giao nhiệm vụ làm Đoàn trưởng Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị. Và suốt 8 năm sau đó, ông đã cùng đoàn không những hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đối ngoại của quân đội mà còn trực tiếp cùng các nghệ sĩ đi biểu diễn ở các chiến trường ác liệt, chi viện lực lượng cho các đoàn văn công các quân khu, các đơn vị quân đội.

Kỷ niệm lớn nhất đối với đạo diễn Khắc Tuế trong giai đoạn này là năm 1973, Đoàn nghệ thuật Thanh niên Việt Nam do ông làm Trưởng đoàn (nòng cốt là các nghệ sĩ quân đội) đi tham dự Festival thanh niên sinh viên thế giới tại Đông Đức. Đoàn tham gia 9 tiết mục thì đạt được 8 huy chương vàng, 1 huy chương bạc. Trong đó, màn múa sạp Việt Nam (do Khắc Tuế là tổng đạo diễn) tổ chức giữa sân vận động Berlin với hơn 1.000 thanh niên, nghệ sĩ từ khắp thế giới cùng tham gia biểu diễn gây chấn động liên hoan năm ấy.

***

70 năm đã trôi qua, nhiều dấu ấn đã bị phai mờ theo thời gian, nhưng câu chuyện về binh đoàn nghệ thuật tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn mãi còn đó. Những nghệ sĩ năm ấy đã hiến dâng cả tuổi trẻ, xương máu để góp phần cùng cả dân tộc Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng (Ba mươi năm đời ta có Đảng, Tố Hữu).

Tin cùng chuyên mục