Từ đầu năm đến nay, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào tỉnh Bình Dương tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao của vùng Đông Nam bộ và vươn lên đứng thứ 3 trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài của cả nước.
Những con số ấn tượng
Theo Sở KH-ĐT tỉnh Bình Dương, trong 7 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã cấp mới 152 dự án với tổng vốn đầu tư 833,5 triệu USD và 80 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm 452,1 triệu USD, đứng thứ 3 cả nước, chỉ sau Hải Phòng và Hà Nội. Trong đó, đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) 117 dự án với tổng vốn đầu tư 771,9 triệu USD và 54 dự án điều chỉnh tăng vốn với 323,9 triệu USD. Trong đó, các dự án đầu tư lớn phù hợp định hướng phát triển của tỉnh như dự án thành lập nhà máy chế biến - đóng hộp rau quả của Công ty CP Uniben có tổng vốn đầu tư 100 triệu USD; dự án sản xuất và chế biến cà phê 88 triệu USD vào KCN Việt Nam - Singapore II-A; dự án sản xuất xe đạp, linh phụ kiện dùng xe máy, ô tô, xe đạp của Kingstar Technology Co.,Ltd (Brunei Darussalam) với tổng vốn 35 triệu USD vào KCN Đại Đăng và dự án sản xuất, gia công các loại đèn LED BLU dùng cho tivi, máy tính, ứng dụng điện thoại của Công ty TNHH Lumens Vina (Hàn Quốc) vào KCN Mỹ Phước 3.
Một góc thành phố mới Bình Dương do Tập đoàn Becamex đầu tư
Trong tổng số 29 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Bình Dương, đảo quốc Singapore dẫn đầu với 8 dự án mới, 8 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn đầu tư 360,65 triệu USD, chiếm 28,1% tổng số vốn; Hàn Quốc đứng thứ 2 với 33 dự án mới, 13 lượt tăng vốn với tổng vốn 174,5 triệu USD, chiếm 13,6% tổng vốn đầu tư và Nhật Bản đứng thứ 3 với số vốn đầu tư 113,8 triệu USD, chiếm 8,9% tổng vốn đầu tư. Lũy kế tính đến hết tháng 7-2016, Bình Dương đã thu hút được 2.739 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 24,93 tỷ USD và vươn lên đứng vị trí thứ tư trên cả nước về hút vốn FDI (chỉ sau TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội) và nằm trong tốp 5 địa phương thu hút được vốn FDI từ 20 tỷ USD trở lên.
Theo Sở KH-ĐT Bình Dương, nếu căn cứ theo kế hoạch của giai đoạn 2016-2021 và kế hoạch năm 2016 (thu hút 1,4 tỷ USD) thì tình hình thu hút vốn FDI vào tỉnh Bình Dương đạt cao hơn 2,52% so với cùng kỳ và tiếp tục có chuyển biến tích cực để đảm bảo hoàn thành kế hoạch cả năm.
Trong số các khu, cụm công nghiệp thì KCN Việt Nam - Singapore tiếp tục dẫn đầu với vốn đầu tư FDI thu hút được tính đến ngày 15-8-2016 là 506.536.610 USD; trong đó cấp mới giấy chứng nhận đầu tư FDI cho 23 dự án với tổng vốn đăng ký 317.830.260 USD, tăng vốn đầu tư FDI cho 25 dự án với vốn tăng thêm 188.706.350 USD.
Động lực từ hạ tầng
Một trong những điểm nổi bật về sự duy trì được tốc độ thu hút vốn FDI vào Bình Dương chính là điểm tựa từ cơ sở hạ tầng giao thông và cải cách hành chính. Chính sách ưu tiên giao thông đi trước của Bình Dương được thực hiện từ cách đây nhiều năm, trở thành điểm nhấn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển mạng lưới giao thông kết nối thuận lợi với TPHCM, đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ và phía Nam Tây Nguyên; phát triển mạng lưới thương mại, các KCN, khu đô thị mới như thành phố mới Bình Dương nhằm phục vụ tốt hơn cho các nhà đầu tư.
Nhiều tuyến giao thông quan trọng có tính chất liên vùng đã được đưa vào sử dụng như mở rộng quốc lộ 13, đặc biệt là đường Mỹ Phước - Tân Vạn, tuyến đường quan trọng nối liền các KCN phía Bắc của tỉnh, thành phố mới Bình Dương với sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai và cảng nước sâu Thị Vải, phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) ra thị trường quốc tế, góp phần thúc đẩy kinh tế của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ngoài đường bộ, tỉnh còn chú trọng quy hoạch các cảng thủy nội địa nhằm phục vụ vận chuyển khối lượng hàng hóa cho các KCN, giảm giá thành vận chuyển cũng như giảm tải cho tuyến đường bộ hiện tại. Các KCN đã được quy hoạch đồng bộ và tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất sạch thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Nhờ môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng đã giúp các nhà đầu tư an tâm đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Các dự án FDI vào Bình Dương chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, có khi vốn đăng ký ban đầu chỉ 5 triệu USD nhưng nhờ thủ tục đăng ký nhanh gọn, hạ tầng ngày càng hoàn thiện nên nhiều dự án đã tăng vốn lên đến 100 triệu USD.
Chủ động đón đầu các hiệp định thương mại
Ngoài việc tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng như là một chủ trương nhất quán thì trong năm 2016, tỉnh Bình Dương đặc biệt chú ý đến yếu tố môi trường. Theo ông Nguyễn Trung Tín (Phó trưởng Phòng Hợp tác - kinh tế đối ngoại, Sở KH-ĐT): “Bình Dương ở giữa khu vực đầu nguồn của 2 con sông Sài Gòn và Đồng Nai nên tỉnh nhận thức rất rõ về yếu tố môi trường; từ đó, các dự án dịch vụ, bất động sản tỉnh mới bố trí trong đô thị thì còn lại các dự án đầu tư mới đều bố trí trong các khu, cụm công nghiệp”.
Trong định hướng thu hút đầu tư FDI thời gian tới, tỉnh Bình Dương sẽ đẩy mạnh công tác vận động, xúc tiến đầu tư tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan để kêu gọi các dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ; thu hút các dự án giày da, may mặc nhằm tranh thủ cơ hội khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do FTA, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các dự án có hàm lượng công nghệ cao.
Văn Phong