Tham dự buổi đối thoại có các ông: Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; ông Kawaue Junichi, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM; ông Kadowaki Keiichi, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM cùng 80 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Bình Dương.
Theo ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Bình Dương, Nhật Bản là quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 2 tại Việt Nam với 3.523 dự án có tổng số vốn đầu tư đăng ký là 46,1 tỷ USD.
Tại tỉnh Bình Dương, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư 249 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 5,2 tỷ USD, đứng thứ 2 và chiếm 18,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn toàn tỉnh.
Các dự án (DA) lớn đang đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản như: DA khu đô thị Tokyu Bình Dương (tổng vốn đăng ký 1,2 tỷ USD); DA sản xuất linh kiện điện tử Công ty TNHH Wonderful Saigon Electrics do tập đoàn Sun-S đầu tư tại khu công nghiệp VSIP 1 (tổng số vốn đầu tư 450 triệu USD); dự án sản xuất các thiết bị linh kiện điện tử Công ty TNHH Saigon Stec tại khu công nghiệp VSIP 2 (tổng số vốn đầu tư 340 triệu USD)…
Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đề nghị lãnh đạo tỉnh Bình Dương khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông; công khai thông tin quy hoạch các tuyến đường, cảng bốc xếp hàng hóa trong tương lai; dự thảo mới về quy định làm thêm giờ của người lao động; công khai quỹ phòng chống thiên tai mà doanh nghiệp đóng góp hàng năm...
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết sẽ chỉ đạo ngay cho ngành công an, giao thông vận tảithực hiện các giải pháp hiệu quả kéo giảm ùn tắc giao thông tại các giao lộ; gửi văn bản tổng hợp các ý kiến, kiến nghị mà doanh nghiệp nêu ra nằm ngoài thẩm quyền giải quyết của địa phương tới các bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ để đồng hành cùng giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp.